LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (23)

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (23)

“Khi Israel còn là một đứa trẻ…” (tiếp theo)
Moses và cuộc di dời khỏi Ai Cập
Tôn giáo của Israel có sự khởi đầu liên hệ với Sáng Thế Ký chương 46 đến 50, với Xuất Hành, và Dân Số. Nội dung là một chuỗi các sự kiện mà hầu hết là do Chúa gây ra. Chúng ta sẽ liệt kê những sự kiện quan trọng nhất: Jacob và những người con định cư tại Ai Cập; sự đàn áp của pharaoh vài thế kỷ sau, kẻ đã ra lệnh giết con đầu lòng của người Israael; những thăng trầm của Moses (được cứu một cách thần kỳ và được đưa vào triều đình của pharaoh) sau khi giết một lính Ai Cập vì đánh người một người Do Thái, đặc biệt là cuộc trốn chạy vào sa mạc Midian, sự xuất hiện của “bụi cây bốc cháy” (lần đầu tiên gặp Yahweh), nhiệm vụ Chúa giao cho ông, đưa người của ông ra khỏi Ai Cập, và sự hé lộ tên thánh; mười bệnh dịch Chúa giáng xuống để ép pharaoh đồng ý; sự ra đi của người Israel và việc băng qua Biển Đỏ, nơi nước vùi lấp chiến xa và binh lính Ai Cập đuổi theo họ; sự hiển linh ở núi Sinai và giao ước của Yahweh với người của ông, đi cùng với chỉ thị liên quan đến nội dung mặc khải và thờ phụng; cuối cùng là hành trình 40 năm trong sa mạc, cái chết của Moses và cuộc chinh phạt Canaan dưới sự lãnh đạo của Joshua.
Trong hơn một thế kỷ, công cuộc phân tích đánh giá đã dùng mọi nỗ lực để phân tách những yếu tố “có thể là,” và vì thế cả “lịch sử,” từ hàng đống những phần nổi cộm và kết tập của “thần thoại” và “truyện dân gian.” Những tài liệu ngôn ngữ học và khảo cổ học liên quan đến chính trị, văn hóa, và lịch sử tôn giáo của Ai Cập, Canaan và những dân tộc khác của vùng Cận Đông cũng được đem ra sử dụng. Với những tư liệu như vậy, đã có hy vọng làm sáng tỏ, thậm chí có thể tái cấu trúc lịch sử của những nhóm người Do Thái khác nhau từ khi Jacob định cư ở Ai Cập (thế kỷ 18 đến 17) đến những sự kiện dội lại trong những truyền thuyết của Xuất Hành và việc tiến vào Canaan mà có kha khá những tác giả đặt vào thời điểm thế kỷ 12. Những tài liệu ngoài Kinh Thánh đã đóng góp một phần nhất định trong việc gán ghép Xuất Hành và cuộc chinh phạt Canaan vào bối cảnh lịch sử. Những ngày tháng khá xác định đã được đề xuất gán cho cuộc di dời khỏi Ai Cập căn cứ trên nền tảng dữ liệu liên quan đến hoàn cảnh chính trị và quân sự của một số pharaoh thuộc Triều đại thứ 19; và những giai đoạn hủy hoại một số thành phố của Canaan. Nhưng còn kha khá những vấn đề về phù hợp và tương quan niên đại ký vẫn đang bị tranh cãi.
Chúng ta không có chỗ trong một cuộn bài cãi mà chỉ vài chuyên gia mới có thể đồng ý với nhau. Chỉ cần biết rằng thực tế là không khả khi như đã kỳ vọng trong việc khôi phục tính lịch sử của một số sự kiện vô cùng quan trọng đối với tôn giáo của Israel. Tất nhiên đây cũng không phải là bằng chứng cho tính phi lịch sử của chúng. Nhưng những sự kiện và những nhân vật này đã bị nhào nặn thành những thể loại hình mẫu một cách quá mức đến nỗi trong đa số trường hợp không còn khả năng truy ra nguồn gốc “thật.” Không có lý do gì để nghi ngờ tính thực tế về nhân vật được biết đến với cái tên Moses, nhưng tiểu sử và đặc điểm tính cách của ông nằm ngoài tầm với của chúng ta, chỉ bởi một thực tế là ông đã trở thành một nhân vật cuốn hút và phi thường, cuộc đời ông với sự sống sót kỳ diệu trong cái giỏ bị bỏ lại giữa đám lau sậy của sông Nile, đã phỏng theo hình mẫu của rất nhiều anh hùng khác (Theseus, Perseus, Sargon of Agade, Romulus, Cyrus, v.v.).
Cái tên Moses cũng như của những thành viên khác trong gia đình ông, là một cái tên Ai Cập. Nó gồm có thành phần msy, nghĩa là “sinh ra, con trai,” có thể so sánh được với Ahmosis hay Rameses (Ra-messes, “con trai của Ra”). Tên một trong những người con trai của Levi, Merari, chính là Mrry của Ai Cập, nghĩa là “được yêu thích,”; cháu của Aaron Pinhas là Pnhsy, nghĩa là “da đen.” Không có khả năng là Moses trẻ biết về “cải cách” của Akh-en-Aton (khoảng 1375-1350), người đã thay việc thờ Amon bằng “độc thần” Aton. Vài học giả chú ý đến sự tương đồng giữa hai tôn giáo: Aton cũng được tuyên bố là “vị thần duy nhất”; cũng như Yahweh, ông cũng là kẻ “tạo ra mọi thứ đang tồn tại”; cuối cùng, có một điểm quan trọng là việc Akh-en-Aton “cải cách” theo “chỉ thị” có thể so sánh với vai trò của Torah (“hướng dẫn”) trong Yahweh giáo. Mặt khác thì trong xã hội Ramses mà Moses sống, tức là hai thế hệ sau “cải cách” của Akh-en-Aton, khó có điều gì có thể thu hút ông. Chủ nghĩa thế giới, chủ nghĩa hỗn tạp tôn giáo (đặc biệt giữa Ai Cập và Canaan), một số thực hành trụy lạc (đĩ điếm ở cả hai giới), và “giáo phái” của động vật có quá nhiều sự gớm ghiếc đối với bất kỳ ai đến từ “tôn giáo của Những Người Cha.”
Đối với sự di dời khỏi Ai Cập thì có vẻ chắc chắn đây là một sự kiện lịch sử. Tuy nhiên nó không bao gồm việc xuất hành của tất cả mọi người mà chỉ một nhóm người, chính xác hơn là nhóm của Moses. Những nhóm khác ít hay nhiều đã bắt đầu lặng lẽ tiến vào Canaan từ trước. Về sau, Xuất Hành được tuyên bố bởi tất cả các bộ lạc Israel như một phần trong lịch sử thiêng liêng của họ. Điều quan trọng với mục đích của chúng ta là sự di dời khỏi Ai Cập được đặt trong mối liên hệ với Lễ Vượt Qua. Nói cách khác, một sự cúng tế cổ xưa đặc biệt đối với những người chăn nuôi du mục và được thực hành trong hàng nghìn năm bởi những tổ tiên Israel đã được đánh giá lại và tích hợp vào lịch sử thiêng liêng của Yahweh giáo. Từ một nghi lễ mang tính tín ngưỡng vũ trụ (lễ mục vụ mùa xuân) được diễn giải lại thành lễ kỷ niệm một sự kiện lịch sử. Sự biến đổi những cấu trúc tôn giáo từ loại hình vũ trụ thành những sự kiện lịch sử thiêng liêng là đặc tính của độc thần Yahweh giáo sẽ còn được lặp lại và tiếp tục bởi Cơ Đốc giáo.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *