LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (20)

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (20)

“Khi Israel còn là một đứa trẻ…” (tiếp theo)
Trước và sau đại hồng thủy
Không cần phải làm rõ thêm về hậu duệ của Cain và Seth (con trai thứ 3 của Adam) làm gì. Giống với những tổ tiên theo truyền thống Lưỡng Hà có tuổi thọ phi thường, Adam sinh Seth khi 130 tuổi và chết sau đó 800 năm. Tất cả hậu duệ của Seth và Cain sống khoảng 800 đến 900 năm. Một phân đoạn lạ kỳ đánh dấu thời kỳ tiền đại hồng thủy này: sự kết hợp của một số người trời “các con trai Thiên Chúa” với những cô con gái của loài người, những cô gái đã sinh cho họ những đứa con “là những anh hùng thuở xưa, những người có tên tuổi.” “Các con trai Thiên Chúa” này có thể là những “thiên thần sa ngã” mà câu chuyện của họ sẽ được kể sau. Những niềm tin tương tự tồn tại ở Hy Lạp cổ đại và Ấn Độ: đó là thời kỳ của những anh hùng, nhưng á thần mà câu chuyện của họ xảy ra ngay trước thời điểm hiện tại (thời “bình minh của lịch sử”), tức là thời mà những thể chế riêng cho từng nền văn hóa đang được thiết lập. Quay trở lại câu chuyện Kinh Thánh, sau khi có sự kết hợp giữa những thiên thần sa ngã và những cô gái phàm trần Chúa quyết định giới hạn tuổi thọ con ngưởi ở mức 120 năm. Dù cho nguồn huyền thoại này bắt nguồn từ đâu, điều quan trọng vẫn là những nhà biên soạn đã duy trì nó trong những bản văn cuối cùng của Sáng Thế Ký, bất chấp việc một số đặc điểm nhân học nhất định bị đổ lên đầu Yahweh.
Sự kiện trọng đại nhất của thời kỳ này là trận đại hồng thủy. “ĐỨC CHÚA thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. ĐỨC CHÚA hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng.” Chúa hối hận vì đã tạo ra con người và quyết định hủy diệt họ. Chỉ có Noah, vợ ông, những người con trai (Shem, Ham, and Japheth) và vợ họ được cứu. Vì “Ông Nô-ê là người công chính … và ông đi với Thiên Chúa.” Theo hướng dẫn chi tiết từ Yahweh, Noah đóng một con thuyền lớn và chất lên những đại diện của muôn loài. “Năm sáu trăm đời ông Nô-ê, tháng hai, ngày mười bảy tháng ấy, vào ngày đó, tất cả các mạch nước của vực thẳm vĩ đại bật tung, các cống trời mở toang. Mưa đổ xuống đất bốn mươi ngày bốn mươi đêm.” Khi nước rút, con thuyền dừng tại núi Ararat. Noah bước ra và dâng cúng. Yahweh “ngửi mùi thơm ngon” và bình tâm, tự hứa với lòng rằng sẽ “không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa.” Và ngài lập một giao ước với Noah và hậu duệ của ông, dấu hiệu của giao ước là cầu vồng (cây cung trên mây).
Bản kể Kinh Thánh có một số yếu tố chung với bản kể đại hồng thủy trong sử thi Gilgamesh. Có thể soạn giả biết về phiên bản của Lưỡng Hà, hoặc khả năng lớn hơn là tham khảo một nguồn cổ xưa gìn giữ từ rất lâu ở vùng Cận Đông. Như chúng ta đã biết từ trước, huyền thoại về đại hồng thủy là cực kỳ phổ biến và đều có chung tính biểu tượng căn bản: sự cần thiết phải hủy diệt một thế giới với nhân loại suy đồi để có thể tái tạo, khôi phục lại sự toàn vẹn ban đầu. Nhưng kiểu chu kỳ vũ trụ này đã bị sửa đổi trong những phiên bản của Sumer và Akkad. Soạn giả của lời thuật thánh kinh quay trở là và tiếp tục diễn giải thảm họa đại hồng thủy: nâng cấp nó lên thành một phần trong lịch sử thiêng liêng. Yahweh trừng phạt con người vì trụy lạc và không luyến tiếc gì những nạn nhân của thảm họa (cũng như những vị thần đã làm trong phiên bản của Babylon). Điều quan trọng là ngài tán thành sự thuần khiết đạo đức và tuân phục, dự đoán trước cho Bộ Luật sẽ khai lộ cho Moses. Cũng như rất nhiều những sự kiện phi thường khác, trận đại hồng thủy sau này tiếp tục được diễn giải và đánh giá lại từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Những người con của Noah trở thành tổ tiên của thế hệ con người mới. Thời kỳ này mọi người nói cùng một thứ tiếng. Nhưng đến một ngày tự nhiên có ông lại quyết định xây “một tháp có đỉnh cao chọc trời.” Đây là kỳ công xấu xa cuối cùng. Yahweh “xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây” và nhận ra rằng “chẳng có gì chúng định làm mà không làm được.” Thế là ngài xáo trộn ngôn ngữ của họ, con người không còn hiểu nhau nói gì nữa. Sau đó Yahweh rải họ “ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa,” nơi mà sau này đặt tên là Babel.
Trong trường hợp này, chúng ta đang xem xét một chủ đề thần thoại cũ diễn giải từ góc nhìn của Yahweh giáo. Đầu tiên chúng ta có những truyền thuyết cổ xưa trong đó một số nhân vật có đặc quyền (tổ tiên, anh hùng, vua huyền thoại, pháp sư) lên trời bằng một cái cây, cái thương, sợi dây thừng, hay một chuỗi tên. Nhưng việc lên trời bằng cách cụ thể đã bị gián đoạn ở cuối thời kỳ thần thoại sơ khai. Những thần thoại khác sau đó cho thấy sự thất bại trong việc cố gắng lên trời bằng các thể loại giàn giáo khác nhau. Không thể biết được liệu soạn giả thánh kinh có biết về những niềm tin xa xưa này không. Dù thế nào thì soạn giả cũng quen thuộc với các ziggurat (đài chiêm tinh) của Babylon với tính biểu tượng tương tự. Thật ra ziggurat được xem là có móng tại tâm trái đất và có đỉnh tận trên trời. Bằng việc trèo lên ziggurat, nhà vua hay thầy tế được coi như đã lên thiên đường theo cách lễ nghi (tượng trưng). Giờ đây đối với người biên soạn thánh kinh với cách hiểu theo nghĩa đen thì niềm tin này vừa đơn giản vừa phạm thánh, nên nó đã được diễn giải lại triệt để; chính xác hơn là bị giải thiêng và bỏ tính thần thoại.
Một thực tế quan trọng cần được nhấn mạnh: bất chấp sự dài hơi và phức tạp của việc chọn lọc, loại bỏ, khử giá của những tài liệu cổ dù là được thừa hưởng hay vay mượn, những soạn giả cuối cùng của Sáng Thế Ký đã giữ gìn toàn bộ chuyện thần thoại theo khuôn mẫu truyền thống. Khởi đầu bằng nguồn gốc vũ trụ và tạo ra con người, liên quan đến tấn kịch “sa ngã” với những hậu quả trí mạng (tính phàm trần, phải làm việc kiếm ăn, v.v.), mô tả quá trình tha hóa của nhân loại để biện hộ cho trận đại hồng thủy, và kết luận với phân đoạn cuối cùng phi thường: mất đi sự thống nhất ngôn ngữ và sự phân tán thế hệ thứ hai, hậu đại hồng thủy của nhân loại, hậu quả của một dự án xấu xa mới. Trong những nền văn hóa truyền thống và cổ xưa, chuyện thần thoại này cấu thành một “lịch sử thiêng liêng:” nó vừa giải thích sự hình thành thế giới, vừa giải thích được trạng thái hiện tại của con người. Với người Do thái thì “lịch sử thiêng liêng” này trở thành hình mẫu sau thời Abraham và trên hết là với Moses; nhưng điều này không hề bác bỏ cấu trúc thần thoại và chức năng của 11 chương đầu Sáng Thế Ký.
Một lượng lớn những tác giả sống với thực tế rằng tôn giáo của người Israel không sáng tạo ra dù chỉ một huyền thoại. Nhưng nếu khái niệm “sáng tạo” được hiểu với nghĩa sáng tạo tâm linh, thì việc chọn lựa và phê bình những truyền thuyết thần thoại xa xưa cũng tương đương với sự xuất hiện của một thần thoại mới, hay nói cách khác là một tầm nhìn tôn giáo mới của thế giới, thứ mà có thể trở thành một hình mẫu. Giờ đây những tài năng tôn giáo Isreal đã chuyển đổi mối liên hệ giữa Chúa và những người được chọn thành một kiểu lịch sử thiêng liêng trước đây chưa từng được biết đến. Sau một khoảng thời gian, “lịch sử thiêng liêng” có vẻ độc quyền quốc gia này được minh chứng trở thành một hình mẫu cho toàn nhân loại.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *