LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (13)Tôn giáo Hittite và CanaanCộng sinh Anatolia và h…

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (13)

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (13)

Tôn giáo Hittite và Canaan
Cộng sinh Anatolia và hỗn tạp Hittite
Những tộc người Ấn-Âu mà sử học hiện đại gọi là Hittite đã thống trị Anatolia trong suốt thiên niên kỷ thứ hai. Bằng việc chinh phạt những người Hatti, những kẻ xâm lược nói tiếng Aryan tiến hành quá trình cộng sinh văn hóa, quá trình này vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài sau sự xụp đổ sáng tạo chính trị của họ. Ngay sau khi nhập vào Anatolia, những người Hittite đã chịu sự ảnh hưởng của Babylon. Sau đó họ đồng hóa những thành phần thiết yếu của văn hóa người Hurri, những người phi Ấn-Âu ở phía bắc Lưỡng Hà và Syria. Do đó mà trong thần điện Hittite, những vị thần Sumer-Akkad đứng cạnh những vị thần Anatolia và Hurri. Phần lớn những thần thoại và nghi lễ của người Hittite đến nay được biết là có những sự tương đương, thậm chí là những khuôn mẫu trong truyền thống tôn giáo Hatti và Hurri. Di sản của người Ấn-Âu cho thấy là ít quan trọng nhất. Bất chấp sự thiếu đồng nhất nguồn gốc, những sáng tạo của những tài năng người Hittite, đầu tiên là về nghệ thuật tôn giáo, không hề thiếu sự đặc biệt.
Những vị thần được phân biệt bởi nguồn lực sáng lóa đáng sợ phát ra từ họ. Thần điện thì rất lớn nhưng một số vị thần ngoài tên ra thì chẳng còn điều gì để biết. Mỗi thành thị là nơi cư trú chính của một vị thần, tuy vậy xung quanh ngài vẫn có những nhân vật thần thánh khác. Cũng như mọi nơi khác vùng Cận Đông cổ, những vị thần “sống” trong những ngôi đền; những vị tư tế và phụ tá có nhiệm vụ tắm rửa, mặc đồ và cho các vị thần ăn, đồng thời cũng giúp họ giải trí với ca múa nhạc. Thỉnh thoảng các vị thần lại “vắng đền” đi du lịch; sự vắng mặt này được dùng để giải thích cho những lời cầu khẩn không được đáp ứng.
Thần điện được coi như một gia đình lớn mà đứng đầu là cặp đôi đầu tiên, những vị thần bảo trợ cho Hittite: thần bão và Nữ thần vĩ đại. Thần bão chủ yếu được biết đến với cái tên Hurri, Teshub. Tên vợ ông theo tiếng Hurri là Hebat. Những linh vật của họ lần lượt là bò và sư tử (hoặc báo) xác nhận tính liên tục từ thời tiền sử. Nữ thần vĩ đại nổi tiếng nhất được biết đến với cái tên nữ thần mặt trời của Arinna (tiếng Hattia là Wurusema). Thực tế, bà là hiện thân của cùng một Mẫu Thần vì bà được ca ngợi là “nữ hoàng của mặt đất, nữ hoàng của Trái đất và Thiên đường, kẻ bảo vệ những vị vua và nữ hoàng của Hatti,” v.v.
Phần văn tự tượng hình của Babylon “Ishtar” được dùng cho số lượng lớn những nữ thần địa phương có tên tiếng Hurri là Shanshka. Tuy tên Anatolia của những nữ thần này không được biết nhưng cần chú ý rằng Ishtar, nữ thần tình yêu và chiến tranh của Babylon, cũng được biết đến ở Anatolia; vì thế trong một số trường hợp chúng ta thấy có sự đồng bộ hóa Anatolia-Babylon.
Về đời sống tín ngưỡng thì chỉ có văn bản tỏng môi trường hoàng gia được bảo tồn nên chúng ta chỉ có nguồn cho những giáo phái chính thức. Nói cách khác là chúng ta không biết gì về niềm tin và nghi lễ của người dân nói chung. Tuy thế không thể nghi ngờ sự đóng góp những nữ thần sinh sản và những vị thần bão.
Ma thuật hắc ám bị luật cấm; ai phạm luật sẽ bị xử. Điều này gián tiếp công nhận một số tập quán cổ xưa được ưa chuộng trong những nhóm dân chúng. Mặt khác thì một lượng lớn các văn bản chứng nhận rằng ma thuật tốt được thực hành công khai và thường xuyên, chủ yếu liên quan đến nghi lễ thanh tẩy và trừ tà.
Uy danh và vai trò của vua trong tôn giáo là rất lớn. Vương quyền là quà của những vị thần. Nhà vua được những vị thần yêu mến. Sự thịnh vượng của ngài đồng nhất với tất cả mọi người. Vua là cha xứ của những vị thần trên trái đất, nhưng cũng là đại diện cho nhân dân khi ở trước thần điện.
Nhà vua cũng là một thầy tế tối cao, ông hành lễ lễ hội quan trọng nhất trong năm một mình hoặc cùng nữ hoàng. Sau khi chết những nhà vua được thần hóa. Nói về cái chết của nhà vua thì cụm từ “ngài đã trở thành một vị thần” được sử dụng. Tượng của ông được đặt trong thần điện và vị vua đương nhiệm sẽ dâng cho ông đồ cúng. Thưo một số văn bản thì vị vua cũng được xem như là hiện thân của những tổ tiên thần thánh.
“Vị thần bốc hơi”
Một trong những thần thoại quan trọng đáng chú ý là “vị thần bốc hơi” mà nhân vật chính là Telepinus với bối cảnh Hatti. Những phiên bản Hittite được biên soạn với nhiều nghi lễ khác nhau; nói cách khác là việc xướng tụng mẩu thần thoại này đóng vai trò cơ bản trong việc thờ phụng.
Vì lời dẫn mở dầu đã mất, chúng ta không biết vì sao mà Telepinus lại quyết định “bốc hơi.” Có thể là con người đã làm ông giận. Tuy vậy hậu quả của sự bốc hơi này thì ngay lập tức được cảm nhận rõ ràng. Những ngọn lửa bùng lên khỏi lò, thần và người cảm thấy “ngột ngạt”; cừu mẹ bỏ con, bò mẹ bỏ bê; “hạt giống không nảy mầm”; cả thú vật và con người không giao cấu; đồng cỏ kho hạn; những con suối ngừng chảy. Sau đó thần mặt trời đã gửi đi những sứ giả, đầu tiên là đại bàng, sau đó là thần bão để tìm Telepinus nhưng không thấy. Cuối cùng Mẫu Thần cử ong đi và nó tìm thấy ông đang ngủ trong một lùm cây, nó đốt để đánh thức ông. Tức giận, Telepinus giáng những tai họa như vậy xuống vùng đất khiến các vị thần sợ hãi và phải dùng đến ma thuật để trấn an ông. Bằng những công thức và nghi lễ ma thuật mà Telepinus được tẩy tửa khỏi cơn giận và “tà tâm.” Bình tĩnh lại, ông quay lại vị trí giữa những vị thần và cuộc sống quay trở lại nhịp điệu của nó.
Telepinus, vị thần đã giận giữ và biến mất khỏi thế giới. Ông không thuộc nhóm thần cây, những kẻ chết đi và sống lại theo chu kỳ. Tuy thế mà sự biến mất của ông lại gây ra những hậu quả tai hại tương tự ở mọi cấp độ với vũ trụ. Nói xa hơn, “sự biến mất” và “sự hiển linh” biểu thị việc xuống thế giới ngầm và quay về mặt đất. Điều khác biệt giữa Telepinus và thần cây là việc tìm ra và đánh thức ông càng làm tình hình tệ hơn. Điều làm ông bình tĩnh lại là những nghi thức thanh tẩy.
Đặc tính riêng của Telepinus là cơn thịnh nộ ác tính đe dọa hủy hoại toàn cõi. Chúng ta có ở đây là sự giận dỗi thất thường và vô lý của mộ vị thần sinh trưởng đối với những tác phẩm của chính mình – tức mọi dạng của sự sống. Những tư tưởng mâu thuẫn tương tự cũng được thấy ở nơi khác; đặc biệt kỹ lưỡng trong đạo Hindu. Thực tế rằng vai trò của Telepinus cũng được giao cho những vị thần bão, thần mặt trời và một số nữ thần – nói chung là những vị thần cai quản những mảng khác nhau của sự sống trong vũ trụ – chứng minh rằng chuyện thần thoại này đề cập đến một tấn kịch còn phức tạp hơn tấn kịch của thực vật: nó minh chứng cho bí ẩn không thể hiểu nổi về sự hủy diệt những tạo phẩm gây ra bởi chính những kẻ sáng tạo.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *