Lịch sử nhiếp ảnh của Việt Nam thường nhắc đến những tấm ảnh chân dung phái đoàn Việt Nam sang Pháp năm 1863 và Cảm Hiếu Đường năm 1869 tại Hà Nội của Đặng Huy Trứ. Đến năm 1878, triều Nguyễn cho phép Trương Văn Sán mua một máy ảnh từ Pháp về, đặt tại gần Thương Bạc, Huế. Bộ Hộ thống kê lại tổng chi phí đầu tư cho việc mua máy, vật dụng in ảnh hết 2032 quan (tỉ giá 1 đồng tiền Pháp tính 5 quan tiền triều Nguyễn) , và nhà in ảnh (tiền gạch gói và nhân công) hết 1150 quan, tổng chi phí hết 4180 quan. Bắt đầu từ tháng 4 năm Tự Đức 33, bắt đầu cho phép quan lại nhân dân được thuê chụp ảnh. Đơn giá mới (khổ lớn 8 quan, vừa 6 quan, nhỏ 4 quan). Trong khoảng cuối triều Tự Đức, có khoảng 100 bức ảnh chân dung của các quan lại và dân chúng triều Nguyễn được chụp bằng chiếc máy ảnh do Trương Văn Sán mua từ Pháp về.
___
Cụ Phan Thanh Giản, người dẫn đầu sứ đoàn Việt Nam sang Pháp năm 1863 để đưa quốc thư bàn việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, là người Việt Nam đầu tiên được chụp ảnh chân dung. Thời điểm ra đời bức ảnh đầu tiên chụp vị chánh sứ này là ngày 20-9-1863. Việc này đã được ghi rõ trong cuốn “Tây Hành Nhật Ký”, tức là cuốn nhật ký chung của sứ bộ, do Phó sứ Phạm Phú Thứ soạn thảo, để làm bản tấu dâng lên vua Tự Đức khi trở về nhằm báo cáo kết quả chuyến đi, trong đó cũng ghi chép thật tỉ mỉ những chuyện mắt thấy tai nghe trong suốt cuộc hành trình.
Dưới đây là một số hình ảnh chụp chân dung của các thành viên sứ đoàn Việt Nam sang Pháp năm 1863 của nhiếp ảnh gia Jacques-Philippe Potteau.