LỊCH SỬ, NGHIÊN CỨU VÀ ĐỐI THOẠI
(Định Lượng, Ước Lượng và Tiên Lượng)
-Ừm, bữa nay mình nói về Lịch sử nha.
-Ok anh, Lịch sử là gì zậy?
-Ựa theo cái nghĩa mập mờ nhất thì nó là những thứ liên quan tới con người đã diễn ra trong quá khứ.
-Ui anh nói rõ hơn đi?
-Hạn từ ‘quá khứ’ diễn tả Lịch sử là chuyện của giây trở về trước và là những cái đã thực sự xảy ra, nó loại ra ngoài những thứ như viễn tưởng, mơ mộng, và với đa số sử gia, quá khứ lịch sử còn chỉ được xem xét sau khi đã có một độ lùi nhất định về thời gian. Hạn từ ‘liên quan tới con người’ loại ra ngoài Lịch sử những món cũng quan trọng khác thuộc về quá khứ nhưng không dính dáng tới con người như, kiến tạo học, cổ sinh vật học, ựa ựa dù các sư phụ bốn phương trời cũng có vài vị kết nối mấy món này vào các luận giải sử học đó em.
-Wow là hay nha, vậy là Lịch sử là sự thật hiển nhiên về quá khứ nhân loại đúng không anh?
-Vừa đúng vừa sai. Lịch sử, có thể hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, Lịch sử là một hiện thực, tức là một điều xảy ra trong thời gian, nghĩa là độc nhất vô nhị, dù như lời Mark Twain, ‘lịch sử không lặp lại, nhưng đôi lúc nó lại có gieo vần’. Thứ hai, Lịch sử là hành động nhận thức, ghi chép, phê phán, tổng hợp, chém gió đủ các kiểu về những hiện thực một đi không trở lại đó, tức là việc tạo ra và vận dụng sử sách. Điều này tự bản chất của nó là bất toàn.
-Ủa vì sao vậy anh?
-À sự bất toàn của Lịch sử thành văn là do hạn chế về khả năng, tâm tính, quan điểm của chứng nhân lịch sử hay sử gia tận mắt chứng kiến sự kiện. Tiếp sau đó là do chuỗi lưu truyền đầy khó khăn vì những khó khăn vật lý như ẩm thấp cháy nổ, hay bị tiêu hủy trong tay những kẻ bạo tàn và tham vọng, hay đơn giản là bị vùi lấp đâu đó dưới những lớp bụi vô tình. Cuối cùng, cái khó khăn nhất trong việc lưu truyền Lịch sử là do cái hời hợt của lớp hậu sinh, cũng như những méo mó trong nhận thức của một vài người, đã vô tình làm cho bóng hình xương máu của bao lớp người đi trước đọng lại trong câu chữ đã thành ra cái công cụ cho những toan tính đất hỡi giời ơi.
-Oài, hóa ra mọi thứ cũng rắc rối ha, hehe mà nghe cũng hấp dẫn ớ, mà anh ơi, vậy giờ em muốn bắt đầu tìm hiểu Lịch sử thì em có thể đi theo hướng nào?
-À, Lịch sử, như đã nói, theo nghĩa thứ nhất thì nó đã một đi không trở lại, nên chi nếu muốn, em hãy đi theo hướng của cái nghĩa thứ hai, là Lịch sử thành văn.
-Ứ anh ơi, bữa trước em vào nhà sách tìm One piece, tự nhiên lạc vào dãy sách sử ớ, ựa ựa sách gì mà nhiều quá trời, làm em hoa mắt luôn á, giờ em phải đọc từ đâu?
-Hehe Lịch sử có tùm lum thể loại, trong đó có bốn loại quen mặt, là tiểu sử, đoạn sử, thông sử, và sử luận. Tiểu sử nói về cuộc đời của những con người nổi trội hay đặc biệt, có tác động lớn đến nhiều người, ví dụ như cuốn ‘Columbus: Bốn chuyến hải hành’ của Laurence Bergreen hay cuốn ‘Ataturk – Người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại’ của tác giả Andrew Mango. Ựa dù lắm đứa không hiểu sao cất công viết về những người anh thấy chán òm, hehe có lẽ đó là bồi bút kiếm cơm, thôi thì thông cảm. Đoạn sử nói về một giai đoạn lịch sử hay một sự kiện lịch sử cụ thể nào đó, ví dụ như cuốn ‘Là người Nhật’ của A.N. Mesheriakov viết về nước Nhật từ sau WW1 cho đến sau WW2, hay cuốn ‘Stalingrad, trận chiến định mệnh’ của Antony Beevor viết về mặt trận đông nam của Chiến tranh Xô-Đức năm 1943-1943. Thuận lợi của đoạn sử là nó cho mình một cái nhìn sâu sát về các sự kiện lịch sử nổi trội, là điểm khởi đầu thuận lợi cho việc thu thập kiến thức theo kiểu vết dầu loang, ngoài ra nó bắt đầu cho ta thấy một yếu tố trọng yếu khi tìm hiểu lịch sử, chính là cái tính chất bất định của cuộc đời khi ý chí con người được đưa ra tương tác với nhau.
-Ui ui kinh nha kinh nha, anh giỏi quá à, rùi còn hai loại kia thì sao anh?
-Kkk chút nhớ trả học phí nha cưng
-Dạ, anh mời đi đâu ăn em cũng đi với anh mừ
-Haha, được rồi, tiếp nhé. Thông sử là những tác phẩm sử học dài hơi, kiểu như cuốn ‘Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX’ của Lê Thành Khôi hay cuốn ‘Lịch sử văn minh Phương Tây’ của Mortimer Chamber, viết về cả một tiến trình lịch sử thường là từ khởi đầu cho tới hiện tại của một chủ thể xã hội như toàn nhân loại hay từng nền văn minh, tôn giáo, quốc gia, phe phái… Những cuốn này cho ta một cái nhìn bao quát theo tính lịch đại về chủ thể đó, và thường cũng chỉ ra những kết nối nhân quả giữa các sự kiện. Những cuốn thông sử thế giới được biên tập tốt, bên cạnh tính lịch đại còn thể hiện được cái nhìn đồng đại ở từng thời kỳ, ví dụ như cuốn ‘Lịch sử thế giới, chân dung nhân loại theo dòng sự kiện’ của Viện Smithsonian.
-Ựa cuốn này em có thấy nè, nó màu màu đẹp lắm, mà bự quá à, cầm lật xíu mỏi cả tay ớ anh ơi
-Hì hì cuối cùng, là những cuốn sử luận, được viết bởi các cao nhân cao thủ cao tay ấn sử học và các ngành có liên quan, ví dụ như những cuốn ‘Sự va chạm giữa các nền văn minh’ của Samuel P.Huntington, ‘Sự minh định của địa lý’ của Robert D. Kaplan hay ‘Homo Deus’ của Yuval Noah Harari. Các vị cao thủ này mặc định là độc giả tìm đọc những cuốn này đã có nội công sử học khá thâm hậu rùi, nên nhảy vào là các vị lôi đầu độc giả nhảy qua nhảy lại các xứ sở và thời đại, nêu ra hàng loạt những nhân vật và sự kiện, dẫn ra đủ thứ quy luật và nhận định sử học, lại kéo vào đủ các kiểu vật lý lượng tử, xã hội học, tâm lý học, triết học… Các vị mặc tình phân tích, so sánh, tổng hợp, chiêm nghiệm cho chán chê, làm dân tình nói chung và dân review sách nói riêng phát nản và thường khi bỏ qua cái tinh túy nhất của sử học trong tác phẩm của các vị: khả năng chân nhận thực tại và đoán định tương lai!
-Gờ, ý anh là mấy ổng thấu thị tương lai được hở?
-Bậy nào, ok để anh thử giải thích cho em hiểu nhé.
-Dạ, tới luôn đi anhhh.
-Ok, bốn thể loại tác phẩm sử học kể trên không cứ lúc nào cũng phân định rạch ròi mà thường khi là nó gây giống với nhau tưng bừng. Ví dụ như cuốn ‘Napoleon đại đế’ của Andrew Roberts, nó là tiểu sử về ổng, mà cũng là đoạn sử cho cái thời đại mà ông là diễn viên chính, cuốn ‘Chiến tranh Peloponnese’ của Thucydides tuy là đoạn sử nhưng tính chiêm nghiệm cao khiến cho nó mang tầm vóc của một cuốn sử luận kinh điển, hoặc cuốn ‘Súng, vi trùng và thép’ Jared Diamond là một cuốn sử luận tiêu biểu cho xu hướng tích hợp các ngành khoa học khác vào sử học đồng thời bản thân nó là cuốn thông sử về giai đoạn từ 11000BC tới khi bắt đầu lịch sử thành văn.
-Má ơi, lại vậy nữa hở, anh ơi gió to quá em sợ quá à.
-Kkk, do em chưa quen thôi, chứ mà tiểu thuyết kinh điển em cày hết bao nhiêu mà kể rùi, hihi mà nếu trang bị thêm kiến thức lịch sử em sẽ hiểu sâu hơn các bối cảnh trong các tiểu thuyết em đọc á. Ví dụ như ”Những người khốn khổ’ của Victor Hugo liên hệ với Cách mạng 1830 ở Pháp nè, hay ‘Chiến tranh và hòa bình’ nói về Đế chế Nga những năm 1805-1812, thời các cuộc chiến của Napoleon đó em.
-Ui đúng rùi nè, em đọc cũng hay bị mắc mớ mấy vụ này đó anh.
-Ưm, thui mình lại đi lại từ đầu nha, để em dễ hiểu hơn, bắt đầu với các cuốn tiểu sử và đoạn sử. Hai thể loại này cung cấp chất liệu cơ bản cho tiến trình xây dựng một kiến thức và nhận thức lịch sử, nó trả lời những câu hỏi đơn giản nhất: ai hay những ai? đã làm cái gì? ở thời điểm nào? tại đâu? và làm như thế nào? Việc xác định chủ thể là quan trọng, dĩ nhiên càng xa thời điểm diễn ra sự kiện thì việc xác minh càng khó khăn, nhưng những kiểu diễn đạt như ‘toàn dân’ hay ‘đông đảo quần chúng’, về mặt học thuật, là vô nghĩa hehe. Sự kiện đã xảy ra đó, bắt buộc phải xác định chính xác hai thành tố thời gian và nơi chốn, vì thời gian và nơi chốn không chỉ cung cấp tọa độ trong khung không gian bốn chiều cho sự việc, mà nó còn chính là thành phần không thể lược bỏ của sự kiện. Hiểu được một thời đại đang có trào lưu tư tưởng nào, đang ở tầm mức công nghệ nào, đang ở giai đoạn nào của chủ thể lịch sử đang được xét tới là rất quan trọng để có một nhận định đúng đắn về tính chất sự kiện lịch sử đó, đồng thời, việc nhận thức được các đặc điểm về địa dư, thổ nhưỡng, khí hậu, văn hóa của vùng đất nơi sự kiện lịch sử diễn ra cũng là điều quan trọng không kém. Và tùy vào mức độ đáp ứng nhu cầu của các nhóm người đọc, mà các tác phẩm thường được viết với độ nông sâu khác nhau.
-Í chời, em thích kiểu rành mạch đâu ra đấy thế này nè.
-Ựa, nếu em đọc chơi chơi thì thôi, chứ đã khoái khoái tí thì nên cất công cày cuốc các tác phẩm chuyên sâu, dù những cuốn sử tạm gọi là cao cấp đó cũng phân thành hai loại. Một là những tác phẩm sử liệu cấp I, nó có lợi thế là thể hiện cái nhìn khá gần với sự kiện lịch sử nhưng lại thường thiếu các sử liệu bổ trợ và cái nhìn bao quát, ví dụ như cuốn ‘Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài’ của Alexandre de Rhodes. Còn các cuốn sử tổng hợp được viết ra sau này như cuốn ‘Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII’ của Nguyễn Thanh Nhã tuy tránh được hai hạn chế đó nhưng khi mình đọc lại không có được cái hào hứng khi được nghe một người đương thời kể về sự kiện đang xảy ra trong chính thời đại họ.
-Ư ư phân vân quá à, thui thì đọc cả hai đi anh hehe.
-Kkk được mà. Vậy nhé, sau khi đã nhỏ những giọt dầu bằng những cuốn sử hay về những sự kiện lịch sử quan trọng, em hãy cho nó loang ra, em hãy tiếp tục mở rộng trường tìm hiểu của mình bằng những cuốn thông sử ra theo mọi hướng: về những khoảng trắng giữa các giai đoạn lịch sử em đã biết, về những khoảng trắng trong các dân tộc và vùng đất kế cận những dân tộc và vùng đất mà em đã biết. Lần hồi em sẽ có một cái nhìn tổng quan mang tính lịch đại về các chuỗi sự kiện lịch sử của một chủ thể và tính chất nhân quả của chuỗi sự kiện đó, đồng thời em cũng sẽ nhận ra được tính đồng đại tức là những tác động tương hỗ và tương khắc giữa các chủ thể lịch sử trên bình diện toàn cầu. Kiên trì, không hời hợt, có phương pháp ghi nhớ hiệu quả, và tích cực trao đổi với những bạn sử xung quanh, kkk là anh đây baby, sẽ giúp em đi ngon lành qua bước này.
-Ghê ghê, anh có thể không biết tuốt như google nhưng mà…
-Sao em?
-Hehe google không biết dẫn em đi ăn.
-Ok ok, vài hôm nữa anh mời em ăn một món ăn lịch sử nhé, kkk là món bánh tét ngày tết ớ, còn giờ mình tiếp nè. Bước thứ hai nhé, ưm, sau khi đã có cái nhìn tổng quan một xíu về mọi chuyện xảy ra từ cổ chí kim dưới gầm trời này cho loài người, em có thể thoải mái nhảy vào bước hai. Ựa mà không nhất thiết cứ phải biết hết rõ ràng mọi thứ mới qua bước này được, mà ngay trong quá trình thực hiện bước một, thì bước hai đã tự manh nha trong em rồi. Khi đọc các cuốn tiểu sử, đoạn sử và thông sử, em có lẽ đã nhận ra có những sự kiện lịch sử ‘giông giống nhau’, có thể là gần tương tự nhau từ đầu đến cuối, hoặc có nguyên nhân tương tự nhưng kết quả lại hơi khác, hoặc có nguyên nhân hơi khác nhau nhưng kết quả lại gần như tương đương. Chính khi gặp và nhớ ra được là ‘đâu đó mình đã đọc rồi, à là chuyện này chuyện kia ở sách này sách nọ’ mà cả hai sự kiện, sự kiện đã đọc từ lâu và sự kiện mới gặp thấy, sẽ khắc sâu vào nhận thức em, và để lại những đường rãnh ký ức giúp em ghi nhớ và hiểu cả hai sự kiện tương tự nhau này. Khi đã có cái vốn sử kha khá, em có thể tự lấy giấy ra hoặc đơn giản là ngó mây bay mà trầm ngâm so sánh về những diễn biến tương đồng về đại thể mà dị biệt về tiểu tiết của những chuỗi sự kiện đó, chính là cái ‘phương pháp so sánh’ mà Jared Diamond đã dùng để viết ‘Súng, vi trùng và thép’, ‘Sụp đổ’ và ‘Biến động’ đó. So sánh chán chê, em có lẽ sẽ theo cái khuynh hướng lý tính khá chuẩn của em để phân loại các diễn biến sự kiện đó theo từng nhóm, rồi lại tổng hợp các nhóm diễn biến đó thành các quy luật ngắn gọn. Kkk có kết quả rồi em tha hồ mà thử thách cho nó cứng cáp bằng cách chiêm nghiệm, nghi vấn, tra cứu mở rộng thêm, hehe hay xài nó để đi lại trên giang hồ tranh luận bút chiến đủ các kiểu. Ngoài ra, em còn có thể dùng nó để áp vào các sự kiện lịch sử khác, dùng một loạt các phân tích logic chặt chẽ để thử xem nếu thay đổi cái biến số lịch sử đó thì sự kiện đó sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào, món đó gọi là ‘Lịch sử ứng dụng’.
-Ựa em căng não quá à, rút cuộc thì ngâm cứu một núi giấy tờ ghi chép về ba cái việc của những người đã tèo từ muôn thuở rùi nó đem lại lợi ích gì gần gần mà bự bự tí không anh?
-Hehe em cứ bình tĩnh. Sau những bước trên, em có thể đi tới bước thứ ba. Từ việc thường xuyên luyện tập nhận diện những yếu tố cấu thành, theo dõi những diễn biến khó lường, để tâm đến những hệ quả lũy tiến của những sự kiện lịch sử trong quá khứ của toàn nhân loại rồi so sánh chúng với nhau để rút ra những nhận định, và thử thách những ý tưởng và kết luận của mình cách nghiêm túc nhất, em sẽ dường như có năng lực nhìn xuyên qua những ‘vũ điệu loạn óc của những diễn biến đương thời’ mà thấy được bản chất của vấn đề, mà thật ra tất cả những vấn đề của toàn cầu đều liên quan tới nhau, ựa là cái lý ‘Thiên Địa Vạn Vật nhất thể’ đó em, nên chi nắm được cái cốt lõi rồi, em sẽ có thể phăng ra được mọi thứ.
-Wow, cái này nghe quá được luôn anh nè.
-Chưa hết, đi đến bước cuối cùng, nếu để hết tâm trí vào việc nghiên cứu và chiêm nghiệm lịch sử, có thể em còn thủ đắc một kĩ năng thuộc loại bí hiểm nhất: nhìn thấy một thoáng tương lai, hehe không phải là món ‘haki quan sát’ được rèn luyện tới mức thượng thừa của gã Katakuri trong One Piece đâu nha. ‘Nhìn thấy một thoáng tương lai’ anh nói ở đây không là bói toán, mà là dùng kiến thức bao quát quá khứ và khả năng nhận chân thực tại để đoán định tương lai, ví dụ như cuốn ‘Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử’ (1660 – 1783) của Alfred Thayer Mahan hay cuốn ‘Định mệnh chiến tranh’ của Graham Allison. Dĩ nhiên, việc đoán trước tương lai này không được chính xác 100%, lý do là vì nó có mắc mớ tới tính chất bất định cố hữu của những thứ liên quan tới ý chí con người. Hehe thường thì các vị cao nhân cũng chỉ rơi vào tầm tầm nào đó, tức là đoán đúng một phần, và nếu có đoán gần sát, thì cả đời chắc cũng đưa ra được hai lần như vậy là cùng à.
-Chời quá dữ luôn, ứ mà anh ơi, nãy giờ anh nói hay quá, hehe em nghe cũng chăm chú lắm nhưng mà nó dài quá à, hay anh túm nó lại trong một vài câu cho em dễ nhớ với có được không?
-Ưm được mà cưng. Thế này nhé, túm lại, việc ngâm cứu lịch sử nhằm mục đích định lượng những sự việc đã xảy ra trong quá khứ nhân loại, nó dẫn tới việc ước lượng ra những quy luật mà những sự kiện đó tuân theo, và từ việc thấu hiểu lịch sử và chân nhận thực tại, mà ta có thể tiên lượng được tương lai.
-Ui anh hay quá nha, zậy túm lại của túm lại, Lịch Sử là ĐỊNH LƯỢNG, ƯỚC LƯỢNG VÀ TIÊN LƯỢNG đúng không anh?
-Đúng rùi, ui em hơi bị siêu á
Lạc Vũ Thái Bình