Liberia – cuộc chiến hoang dại của thế kỷ 21.

Liberia – cuộc chiến hoang dại của thế kỷ 21

Phần 1: Sự trỗi dậy của Charles Taylor và nội chiến Liberia lần 1
Năm 1997, phái đoàn Liên hợp quốc ở Liberia phải chứng kiến cuộc bầu cử kỳ lạ bậc nhất lịch sử nhân loại. Người dân Liberia đổ xô đi bầu chọn Tổng thống cho người không phải tài năng hay được yêu mến nhất, mà là người họ sợ hãi nhất. Toàn bộ cuộc bầu cử được gói gọn trong khẩu hiệu huyền thoại được người dân truyền nhau: “He killed my ma, he killed my pa, but I will vote for him.” – dịch là ”Ông ấy giết mẹ tôi, ông ấy giết cha tôi, nhưng tôi sẽ bầu cho ông”.
”Ông ấy” được nhắc tới ở đây là Charles Taylor, Tổng thống đắc cử của Liberia năm đó, cũng chính là nhân vật trung tâm của cuộc chiến đẫm máu ở Liberia. Khẩu hiệu ngắn gọn trên đã phần nào phác họa được bối cảnh của cuộc chiến này, một cuộc chiến của những chuyện mà nhân loại sẽ khó có thể bắt gặp ở nơi nào khác trong thế kỷ 21, như chuyện ăn thịt người tưởng chừng của thời nguyên thủy lại diễn ra hàng ngày trước ống kính phóng viên.
1/ Charles Taylor và nước Liberia.
Đất nước Liberia trước đây nổi tiếng vì 2 chuyện đáng tự hào. Một, họ là nước thứ 2 ở châu Phi giữ được độc lập trước thực dân phương Tây. Đừng dựa vào chuyện người da đen từ Mỹ trở về để phủ nhận công sức giữ độc lập của người Liberia. Họ đã phải nhún nhường, đàm phán căng thẳng cũng như tận dụng vị trí vùng đệm giữa 2 thuộc địa là Freetown (nay là Sierra Leone) của Anh và Bờ Biển Ngà của Pháp, và cuối cùng là cầu viện người Đức để giữ được nền độc lập khỏi sự nhòm ngó của Pháp-Anh. Đổi lại 3/4 thương mại của Liberia do Đức nắm.
Thứ 2, không phải quốc gia hùng mạnh nào, chính Liberia là nước có ngành vận tải biển phát triển với đội tàu cho thuê lớn thứ 2 thế giới trước năm 1990, chiếm 11% số tàu đang đi trên đại dương. Nhưng những điều này đã thành cát bụi theo cuộc nội chiến. Nhưng ít ra, nó cũng để lại cho Liberia một thời kỳ đầy thịnh vượng huy hoàng. Năm 1979, nước này là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân cao nhất châu Phi, và là một trong những nước trên lục địa châu Phi đủ sức ”tài trợ” cho Tổ chức Châu Phi thống nhất. Thực tế thì phần lớn các nước châu Phi thời đó không đủ để đóng góp như Liberia.
Tuy vậy, do di sản là từ những người Mỹ gốc Phi trở về, chức Tổng thống của Liberia luôn nằm trong tay những người từ Mỹ về này, dù 90% dân số Liberia là thuộc 16 sắc dân bản địa. Phải đến năm 1980, Samuel Doe, một người dân tộc Krahn mới trở thành Tổng thống bản địa đầu tiên, xóa bỏ ”tính chất Mỹ” trong chính quyền Liberia.
Tuy nhiên, số phận Tổng thống bản địa đầu tiên đã bị hủy hoại bởi một viên chức tham nhũng. Charles Taylor, một viên chức bộ Tài chính năm 1983 ôm 1 triệu USD tiền tham ô chạy sang Mỹ, nhưng bị chính quyền Liberia nhờ Mỹ bắt giữ được. Trong khi ở tù bang Massachusetts, năm 1985, Charles Taylor cưa song sắt vượt ngục thần kỳ. Bằng một cách nào đó, hắn đã có mặt ở Libya.
2/ Mặt trận Yêu nước Liberia và những hành động trước chiến tranh
Ở Libya, Charles Taylor thuyết phục được Muammar Gaddafi rằng ông sẽ giúp mở rộng ảnh hưởng của Libya vượt qua vành đai Sahel, xuống đến bở Đại Tây Dương. Do đó, Gaddafi đã giúp Charles Taylor tập hợp những người Liberia lưu vong thành lập ”National Patriotic Front of Liberia” – gọi tắt là NPFL – Mặt trận yêu nước quốc gia Liberia, chuẩn bị về nước lật đổ Samuel Doe.
Để chuẩn bị cho cuộc chiến, Gaddafi đã chuẩn bị sẵn các căn cứ cho NPFL ém quân xung quanh Liberia, nhất là ở Ghana và Bờ Biển Ngà, những nước mà các lãnh đạo ở đó nhận nhiều tiền viện trợ của Gaddafi. Tuy nhiên, một nơi thực sự quan trọng là Burkina Faso. Và nó cũng gắn với một câu chuyện đau lòng về Thomas Sankara – ”Che Guevara” của châu Phi.
Burkina Faso (trước kia là Thượng Volta), thuộc địa cũ nghèo đói của Pháp. Năm 1983, 4 sĩ quan Cộng sản đứng đầu bởi Thomas Sankara đã lên nắm quyền, tiến hành những cải cách khó tin, thay đổi bộ mặt đất nước. Nhiều chính sách của ông đến ngày nay vẫn còn dấu ấn, như việc trồng 10 triệu cây xanh ngăn Sa mạc Sahara mở rộng xuống Tây Phi. Thomas Sankara trở thành nhà lãnh đạo được yêu mến và kính nể kể cả ở các nước phương Tây, nhưng lại là cái gai trong mắt Gaddafi vì ông từ chối viện trợ của Libya cũng như bất kỳ tổ chức nào. ”Ai cho bạn ăn, sẽ kiểm soát bạn” – câu nói của Thomas.
Tuy nhiên, vào ngày 15/10/1987, một nhóm lính đánh thuê Liberia bất ngờ chặn đường bắn chết Thomas Sankara trên đường đến phủ Tổng thống. Cái chết của Thomas Sankara đưa Blaise Compaoré – một đồng chí cũ nhưng thân Gaddafi lên nắm quyền tận 30 năm sau. Nhóm lính đánh thuê kia không đâu khác chính là của Charles Taylor. Sự lên ngôi của Blaise Compaoré cũng cho Charles Taylor một hậu phương to lớn, và thêm một lực lượng khoảng 9 vạn lính đánh thuê Burkina Faso theo ông sau này để ”đền ơn”.
Đến năm 1989, gần 100.000 quân của các lực lượng trung thành với NPFL đã tập trung quanh biên giới Bờ Biển Ngà, sẵn sàng tiến vào Liberia lật đổ Samuel Doe.
3/ Nội chiến Liberia lần 1 – Charles Taylor lên làm Tổng thống.
Đêm Giáng sinh – 24/12/1989, hàng trăm nghìn chiến binh của NPFL âm thầm băng qua biên giới Bờ Biển Ngà vào Liberia. Ban đầu, họ được chào đón bởi một số dân tộc như Dan và Mano – những dân tộc có quan hệ gần gũi với nước láng giềng Bờ Biển Ngà. Nhờ đó, việc thâm nhập của NPFL được che giấu khỏi chính phủ Samuel Doe.
Chẳng bao lâu, quân NPFL tiến sâu vào trong lãnh thổ phía Bắc Liberia, nơi nó bắt đầu tàn sát dân tộc Krahn của Tổng thống Samuel Doe. Đến lúc này, chính phủ Samuel Doe mới biết đến sự hiện diện của quân Charles Taylor. Nhưng việc đầu tiên Samuel Doe làm không phải là gửi quân đi ứng phó Charles Taylor, mà là … tàn sát Giáo hội và giáo dân Liberia do cho rằng họ ủng hộ Charles Taylor. Tại một nhà thờ ở thủ đô Liberia, tháng 7 năm 1990, quân chính phủ Liberia nhốt 600 người, chủ yếu phụ nữ và trẻ em Công giáo và thiêu chết.
Lẽ ra quốc tế sẽ ngồi yên nếu không có vụ thảm sát ghê rợn này. Nhưng việc 600 người bị thiêu chết trong một nhà thờ là quá sức chịu đựng với nhiều nước Thiên chúa giáo, vì vậy tháng 8 năm 1990, Nigeria đứng đầu một liên minh các nước châu Phi, xin được gửi quân gìn giữ hòa bình đến Liberia. Tuy nhiên, có lẽ như người ta nói thời điểm đó: ”chẳng ai quan tâm đến một vùng đất không có dầu mỏ”, đề xuất của Nigeria đã bị ngó lơ. Vương quốc Anh – nước đứng đầu Khối thịnh Vượng chung, cũng hứa hẹn nhưng rồi không gửi lực lượng quân sự nào tới. Sau cùng, chỉ có vài nghìn lính Nigeria cùng Ghana đến Liberia bảo vệ cơ quan Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế ở đây.
Trong khi đó, Tổng thống Samuel Doe tỏ ra quá chủ quan với Charles Taylor, nghĩ rằng NPFL chỉ là nhóm lính ô hợp của những dân tộc thiểu số chống đối, mà không hề biết sự chống lưng của Libya phía sau. Sự chủ quan này hại chết Samuel Doe. Tháng 9 năm 1990, khi mà Samuel Doe đang để ý lên phía Bắc chống Charles Taylor, một tướng khác của quân NPFL là Prince Johnson âm thầm mang quân qua ngả Sierra Leone ở phía Tây, đánh úp thủ đô Monrovia. Thủ đô Monrovia choáng váng vì nghĩ phiến quân NPFL còn ở phía Bắc xa xôi, nay lại nã pháo vào trúng phủ Tổng thống. Cả thành phố tán loạn, và sứ quán Mỹ phải sơ tán khẩn cấp, dẫn theo cảnh tượng hàng nghìn dân thường Liberia tràn ngập sứ quán Mỹ tìm đường thoát thân.
Cuộc tấn công của Prince Johnson quá bất ngờ, trong bối cảnh quân chính phủ Liberia đã dồn lên phía Bắc đánh Charles Taylor. Không có quân bảo vệ, thủ đo Monrovia nhanh chóng bị đánh chiếm. Ngày 9/9/1990, hòa cùng dòng người bỏ chạy hoảng loạn, Tổng thống Samuel Doe chạy đến cơ sở của lính gìn giữ hòa bình của Nigeria để trốn. Nhưng quân NPFL đã có mặt ở đây trước. Sau khi giết vài lính Nigeria để đe dọa, quân NPFL đã buộc lính Nigeria phải giao Tổng thống Samuel Doe cho họ.
Những việc sau đó đã đi vào lịch sử một cách ”sống động”. Chỉ huy quân NPFL Prince Johnson sắp xếp một buổi quay trực tiếp trên truyền hình quốc gia, phát đi khắp khu vực. Trên sóng truyền hình, người ta thấy Tổng thống Samuel Doe bị lột quần áo, đánh đập, tra khảo dã man. Sau đó, cảnh tượng kinh hoàng diễn ra, khi quân NPFL xẻo một bên tai của Tổng thống. Tiếp đó họ đổ phân và nước tiểu lên người ông để loại bỏ ”ma thuật” – một hình thức mê tín của các dân tộc bản địa châu Phi.
Hàng nghìn người dân Tây Phi không tin vào mắt mình khi nhìn trực tiếp qua truyền hình. Cuối cùng, sau gần 12 tiếng đồng hồ bị hành hạ, Tổng thống Samuel Doe bị dẫn ra đường, xả một loạt đạn giết chết và quăng xác lên xe tải, kết thúc cuộc đời của Tổng thống bản địa đầu tiên của Liberia.
Sau khi hành quyết Tổng thống, NPFL giết nốt 80 tùy tùng của ông, nhưng thả cho toàn bộ lính Nigeria được an toàn.
4/ Bất ổn và đấu đá sau năm 1990 (sẽ nói kỹ hơn ở phần sau).
Cuộc dẫn quân đánh úp thủ đô bất ngờ của Prince Johnson mang lại chiến thắng giòn giã cho quân nổi dậy, tuy nhiên cũng chính nó là nguyên nhân dẫn đến những đấu đá sau khi chiến thắng, mà thực tế đây mới là phần cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong cuộc chiến.
Số là việc đánh úp thủ đô Monrovia thắng lợi làm Prince Johnson thấy mình ”có giá trị” hơn. Vậy là sau khi quân nổi dậy NPFL đón Charles Taylor từ phía Bắc về thủ đô để chuẩn bị làm lãnh đạo mới, Prince Johnson bất ngờ đứng lên phản đối, cho rằng bản thân mình xứng đáng làm Tổng thống hơn. Thế là ông đứng ra thành lặp Mặt trận riêng cho mình, lấy nguyên tên cũ nhưng chỉ thêm chữ ”độc lập” – ”Independent” thành Independent National Patriotic Front of Liberia (INPFL). Vậy đấy, NPFL và INPFL.
Những tranh cãi giữa hai nhóm đối lập nhau trong nội bộ quân nổi dậy khiến tình hình hỗn loạn và người dân Liberia vô cùng bối rối, bởi cả 2 phe đều là từ NPFL ra, không có cách nào phân biệt được. Các dân tộc thiểu số ủng hộ NPLF trước kia ”xin được tránh xa” khỏi xung đột giữa Taylor và Johnson. Lực lượng của 2 bên ở thủ đô ngang bằng nhau, sự ủng hộ của người dân cũng như nhau, nên cuộc chiến có vẻ như bất phân thắng bại.
Giữa lúc đó, Charles Taylor đã tận dụng quân bài bí mật của mình: lính Burkina Faso. Vốn trước kia giúp nhà lãnh đạo Burkina Faso, Blaise Compaoré giết Thomas Sankara để lên ngôi, Charles Taylor được trả ơn bằng hàng chục nghìn lính đánh thuê Burkina Faso sẵn sàng giúp đỡ.
Vì thế, tháng 10 năm 1992, Charles Taylor đã cho hàng chục nghìn lính đánh thuê Burkina Faso tràn vào giúp chống lại quân INPFL của Johnson. Chiến dịch mang tên ”Chiến dịch Bạch tuộc” – ”Operation Octopus”. Chiến dịch thắng lợi nhờ lợi thế quân số, buộc Prince Johnson và INPFL phải chấp nhận từ bỏ tham vọng chính trị.
Nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, sau chiến dịch Bạch tuộc, Charles Taylor đã cho lính Burkina Faso được thỏa sức cướp bóc, giết người, hãm hiếp ở các làng mạc ủng hộ Prince Johnson. Điều này đã dẫn đến các hành động tàn bạo làm chết hàng chục nghìn người trong năm 1992, triệt hạ nhiều làng mạc. Các hành động chỉ kết thúc khi lính Burkina Faso rút đi.
Với chiến thắng năm 1992, Charles Taylor vươn lên thành nhân vật quyền lực duy nhất ở Liberia. Nhưng ông vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức từ những lực lược chống đối khác sau này. Để biết những việc sau đó, hãy chờ những phần sau của bài viết.
Ảnh: Charles Taylor (đeo kính) – thủ lĩnh NPFL- đang trực tiếp chiến đấu và hỗ trợ một người bị thương trên đường phố.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *