Tất cả tên thật của họ đã được thay đổi và tỷ giá ngoai tệ được tính vào thời điểm thực hiện bài viết.
Giá cả tiêu dùng tăng 2,2% trong tuần đầu tiên xảy ra cuộc xâm lược, thực phẩm tăng giá cao nhất. Một số cửa hàng đã giới hạn số lượng thực phẩm thiết yếu được bán sau khi có thông tin về người mua đầu cơ tích trữ. Dù thuốc men không phải là mặt hàng chịu lệnh trừng phạt nhưng vì các công ty vận tải lớn ngừng dịch vụ nên sản lượng cung cấp đã bị ảnh hưởng.
Daria, sống tại trung tâm Moscow nói cô chưa từng thấy những kệ hàng trống rỗng: Thực phẩm sẽ không biến mất nhưng trở nên đắt đỏ hơn. Còn đắt thêm bao nhiêu thì tôi không thể tưởng tượng nổi – và tôi sợ khi phải thậm chí nghĩ đến điều đó.
Jan, một công dân EU đang sống và làm việc tại Moscow cho biết: Vào ngày 20/2 tôi đặt mua 5.500 rouble [khoảng 57 USD] tiền rau quả và giờ đây phải trả đến 8.000 rouble cho một rổ rau như vậy. Sữa đã tăng giá gần như gấp đôi trong vòng 2 tuần qua.
Giá đường và ngũ cốc cũng đã tăng khoảng 20% vào tháng 2 so với cùng thời điểm cách đây một năm. Hãng tin nhà nước Nga Tass nói rằng một số nhà bán lẻ đã đồng ý giới hạn mức tăng giá đối với một số loại thực phẩm thiết yếu là 5%. Một số khác thì giới hạn số lượng hàng hóa thiết yếu được mua như bột mì, đường và dầu ăn.
Daria đã bắt đầu tích trữ thực phẩm: Chúng tôi đã mua 4 kg cà phê, 4 lít dầu hướng dương, 4 lít dầu olive và 4 chai whisky. Tôi cũng đã đặt thêm thuốc dùng trong 3 tháng vì bệnh cao huyết áp – và cho biết rằng những loại thuốc này hiện đã trở nên khó mua hơn trước.
Giá cả mặt hàng tiêu dùng đã tăng đáng kể. Giá điện thoại và tivi đã tăng hơn 10% và chi phí một chuyến đi du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 29%. Các thương hiệu lớn như Apple, Ikea và Nike không còn bán hàng hóa tại Nga.
Daria đã cân nhắc mua laptop mới cho gia đình và phải mua ngay khi giá cả không ngừng tăng lên: Vào thời điểm đầu tháng 2 thì giá laptop là 70.000 rouble [730 USD] thế nhưng cuối tháng thì đã tăng lên 100.000 rouble, đó là số tiền chúng tôi phải trả. Rồi sau đó giá đã tăng lên 140.000 rouble trước khi hết sạch hàng tại Moscow. Họ không mua đồ sạc iPhone, mặc dù nhiều người đã mua chúng khi Apple tuyên bố hôm 2/3 rằng sẽ dừng tất cả việc bán sản phẩm trực tiếp tại Nga. Chúng tôi lẽ ra nên mua. Có lời nói đùa rằng tất cả chúng tôi đang có chiếc iPhone cuối cùng. Giá xe ô tô cũng tăng lên. Chúng tôi đã mua bộ lọc và dầu cho xe khi cần bảo dưỡng. Chúng tôi đã xoay sở mua được với giá cũ trước khi giá tăng lên gấp đôi trước mắt mình.
Pavel, một giảng viên đại học có vợ và hai con đang tìm mua thiết bị gia dụng cho căn hộ của mình tại Moscow. Vào ngày cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát, anh đã chứng kiến giá cả tăng gần 30%. Anh mua được tủ lạnh, nồi cơm điện, máy giặt, ấm bếp, đặt thêm được một cái giường, tủ bếp từ Ikea chỉ một ngày trước khi các cửa hàng đóng cửa. Anh không cho rằng giá tại Ikea thay đổi. Đơn giản là họ không có thời gian để tăng giá, Pavel nói đùa một cách buồn bã.
McDonald’s đã đóng cửa 847 cửa hàng tại Nga sau khi là một trong những thương hiệu phương Tây đầu tiên mở cửa hàng tại Liên Xô cách đây hơn 30 năm. Trong vòng vài giờ sau tuyên bố đóng cửa hàng tại Nga thì đã xuất hiện hàng ngàn tờ quảng cáo của người Nga rao bán lại thức ăn của McDonald’s với giá gấp đến 10 lần so với mức thông thường cùng thông điệp như Hãy mua nugget và bánh táo trước khi McDonald’s đóng cửa. Cơ hội cuối cùng nếm thử hương vị nước ngoài.
Nhưng Vladmir, người sống tại Saratov, tây nam Nga nói vẫn chưa cảm giác tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây: Vatniki [những người ủng hộ Kremlin] sẽ không bị ảnh hưởng khi đồng rouble mất giá bởi vì họ không mua hàng hóa nước ngoài đắt tiền.
Các ngân hàng của Nga bị cắt đứt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift. Visa, Mastercard, American Express, Apple và Google Pay giới hạn dịch vụ tại Nga. Ngân hàng Trung ương Nga nói nền kinh tế bị sụt giảm 8%. Natasha, một người làm trong lĩnh vực thể hình cho biết: Tình hình này đã có tác động lớn đến việc kinh doanh của chúng tôi. Số lượng khách hàng của chúng tôi sụt giảm. Họ yêu cầu chúng tôi hoàn lại chi phí thành viên. Và chi phí thuê nhà, thiết bị và lau dọn tất cả đều tăng lên. Trung bình chi phí mất đi đã tăng trung bình 30% kể từ khi xuất hiện các lệnh trừng phạt. Tôi dự đoán nhiều doanh nghiệp như mình sẽ đóng cửa. Và những doanh nghiệp không đóng cửa thì sẽ phải chật vật tìm nhà sản xuất của Nga để thay thế cho các thiết bị nhập khẩu.
Ekaterina điều hàng một số trường ngoại ngữ và cho biết các lệnh trừng phạt đã gây vấn đề: Chúng tôi có giáo viên ở những quốc gia khác và chúng tôi không thể trả tiền cho họ vì hệ thống thanh toán bị đóng băng. Chúng tôi cũng có sinh viên tại Mỹ, Đức và Latvia không thể chuyển tiền học vào tài khoản chúng tôi. Chúng tôi đã tìm cách xoay sở nhưng thời gian này mỗi ngày làm việc bắt đầu với việc đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới. Tôi cũng lo ngại không biết sẽ xoay sở ra sao nếu Zoom bị cấm tại Nga. Còn Daria thì lo lắng về chuyện thất nghiệp khi các tập đoàn quốc tế rút khỏi Nga: Cho đến nay thì chưa có thông tin cắt giảm những dự án do chính phủ tài trợ mà tôi đang thực hiện nhưng tôi rất lo sợ bị mất việc làm.
Nga đã ban bố luật mới theo đó những ai được xem là lan truyền thông tin giả mạo về cuộc xâm lược có thể bị bắt giam. Những hãng truyền thông quốc tế và độc lập đã bị hạn chế hoạt động. Hơn 13.000 người đã bị bắt giữ sau các cuộc biểu tình phản chiến tại Nga.
Daria cho rằng Tổng thống Putin phải chịu trách nhiệm cho các lệnh trừng phạt thế nhưng hầu hết người dân Nga đều xem tin tức từ các cơ quan truyền thông nhà nước, vốn tuyên truyền chống Ukraine. Nhiều người ủng hộ Putin và lên án phương Tây vì các lệnh trừng phạt. Số khác thì không đồng tình với cuộc chiến nhưng im lặng vì việc chỉ trích Putin sẽ mang đến nhiều rủi ro.
Quan điểm cho rằng chỉ có người giàu của Nga mới chịu tác động từ các lệnh trừng phạt đang bị tranh cãi. Không ai chắc điều gì sẽ diễn ra tiếp theo thế nhưng những tác động lên nền kinh tế Nga được cho sẽ nghiêm trọng và kéo dài. Chính Ngân hàng Trung ương Nga nói rằng có sự thay đổi kinh tế “nghiêm trọng” kể từ khi cuộc xâm lược xảy ra.
Daria nói rằng nhìn bên ngoài thì không thể đoán được những gì đang xảy ra tại Moscow. Nhà hàng, quán cà phê vẫn đầy ắp khách hàng, metro vẫn hoạt động, tại trung tâm vẫn xảy ra kẹt xe. Đó là nếu bạn không chứng kiến các cuộc biểu tình, lục soát và những người lên tiếng rời khỏi Nga. Nhiều người đang âm thầm rời đi. Điều này khiến tôi có cảm giác rằng chúng tôi đang dần hết không khí để thở. Những sự kiện ngày nay làm gợi nhớ những ký ức vào những năm 1990, khi nền kinh tế của Nga sụp đổ sau khi Liên Xô tan rã. Thật thú vị khi nói chuyện với những người đang ở tuổi 30 về quãng thời gian đó và về tem phiếu mà chúng tôi mang đi để mua thức ăn. Tôi nhớ những hàng người dài xếp hàng mua xúc xích…Thường cãi nhau lớn tiếng, chỉ trích chuyện bán cho những người sống ở nơi khác. Thật xấu hổ. Tôi hy vọng chuyện này không lặp lại một lần nữa.