Những người ở vùng quê chắc hẳn chẳng còn xa lạ gì với cây cảnh mắc cỡ, hay còn gọi là cây trinh nữ, cây cỏ thẹn, hàm tu thảo, cây ngủ ngày. Đây là cây mọc dại ở ven đường, bờ ruộng, trên nương rẫy,… xưa thường bị cuốc bỏ đi.
Sở dĩ có cái tên mắc cỡ, trinh nữ vì mỗi khi chúng ta chạm tay hoặc dùng vật gì đó động vào, lá sẽ tự động cụp lại. Đó là cơ chế bảo vệ tự động của cây.
Đây là loại cây thân thảo, thân cây có nhiều gai nhọn xung quanh. Lá có màu xanh, kích thước nhỏ, cây có hoa mọc dạng chùm với màu hồng nhạt hơi ngả tím. Loài cây này thường nở vào mùa hè, từng đốm nhỏ như cục bông xen lẫn với màu xanh của lá trông rất đẹp mắt.
Thân cây có độ dài từ 75-150cm. Cây non thường đứng thẳng, khi trưởng thành lại có xu hướng trườn bò nên có thể dễ dàng uốn nắn, tạo hình tùy thích.
Hiện nay loại cây này được nhiều người săn lùng, đưa trồng trong chậu làm cây cảnh bonsai.
Thậm chí, nhiều người còn thu được lợi lớn khi trồng loại cây này. Theo Thanh Niên, anh Bùi Thiện Tính (quê ở Đắk Lắk) trung bình bán được 5 cây trinh nữ bonsai mỗi ngày, có hôm khách mua nhiều đóng hàng không kịp.
Anh Tính cho biết, cây trồng 2 tháng sẽ bán với giá giao động từ 200.000 – 500.000 đồng/cây, tùy cây to nhỏ hoặc đẹp, xấu. Nếu chăm tốt, cây 6 tháng sẽ đẹp hơn và giá thành cũng cao hơn, có cây lên đến tiền triệu.
Tại sao nhiều người thích trồng cây cảnh trinh nữ bonsai? Ý nghĩa phong thủy của cây trinh nữ bonsai
Nhiều người thích trồng cây trinh nữ bonsai vì loại cây này mang vẻ đẹp mộc mạc, bình dị và gần gũi. Loại cây này cũng rất dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc.
Trong phong thủy, cây trinh nữ bonsai mang đến sự bình yên, xua đuổi tà ma và những điều xấu xa, rước may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Cây cảnh có sức sống mãnh liệt, dù trong điều kiện đất đai khô cằn, trên hốc đá thì cây trinh nữ vẫn phát triển. Vì vậy, cây trinh nữ còn tượng trưng cho sức sống dẻo dai và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Cũng chính vì vậy mà cây cảnh trinh nữ bonsai đã trở thành món quà tặng khai trương, tân gia đầy ý nghĩa.
Ngoài tác dụng trang trí nhà cửa, mang ý nghĩa phong thủy tốt lành thì cây trinh nữ bonsai còn có nhiều công dụng chữa bệnh vô cùng hiệu quả.
Cụ thể, nó có tác dụng lợi tiểu, giảm đau, tiêu viêm, kháng khuẩn, giúp ổn định huyết áp, điều hòa kinh nguyệt, chống lo âu, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, kể cả ung thư gan,… Đặc biệt, cây trinh nữ còn có tác dụng trung hòa nọc rắn độc.
Cách trồng và chăm sóc cây trinh nữ bonsai
Cây cảnh trinh nữ rất dễ sống, để trồng loại cây này thì bạn có thể áp dụng phương pháp giâm cành hoặc đào lấy gốc. Tuy nhiên, với cách đào lấy gốc thì tỷ lệ cây sống sẽ cao hơn.
Khi đào xong, bạn cần phải bọc cây cảnh trong túi nilong để tránh cây mất nước. Khi trồng cần rửa sạch gốc, cắt tỉa gọn, bôi keo để liền sẹo các vết cắt lớn. Để khô khoảng 30 phút rồi mới trồng vào bầy ươm. Về đất trồng, bạn nên trộn đất với trấu, gạch đập nhuyễn hoặc xỉ than.
Sau khi trồng, tưới ẩm 1 lần rồi trùm túi nilong 7 ngày. Khi cây ra mầm, cắt túi nilong dần dần cho cây làm quen với không khí. Trong giai đoạn này, bạn chỉ nên tưới phun sương cho thân cành, tránh tưới gốc để tránh cây bị úng rễ.
Khi lên chậu thay đất, hãy trộn thêm phân chuồng hoai mục vào giá thể trồng cây cảnh. Cây trinh nữ bonsai không cần tưới nước thường xuyên, 5-7 ngày tưới 1 lần là được. Loại cây cảnh này ưa sáng, vì vậy bạn nên trồng cây ở nơi có đủ ánh sáng ít nhất từ 8-10 tiếng/ngày.