Lê Văn Duyệt: ông là sủng thần, khai quốc công thần của hoàng đế Gia Long – Nguyễn Ánh.
Xuất thân thường dân, lại là kẻ yếm hoạn bẩm sinh nhưng Lê Văn Duyệt là người có chí lớn, lại hết mực trung thành. Ông theo phò chúa Nguyễn Ánh từ lúc hoạn nạn đến khi công nghiệp phục hưng và thống nhất giang sơn nước Việt đại thành. Được biết, ông từng bị quân Tây Sơn bắt được, chúa Tây Sơn thấy ông là người tài, dũng mãnh hơn người, từng có ý thu dụng, nhưng ông không phục, sau lại trốn thoát trở về phò tá chúa Nguyễn lập nhiều đại công.
Trong trận cửa Thị Nại (1801) bất chấp việc tướng Võ Di Nguy người cùng chỉ huy với ông bị trúng đạn tử trận, Duyệt lại càng hăng hái cố sức đánh, đốt được hết chiến thuyền Tây Sơn – lập được “võ công đệ nhất” của nhà Nguyễn, cũng là võ công lớn nhất của ông.
Vì vậy mà ông được hưởng đặc ân “nhập triều bất bái” – gặp vua không phải quỳ lạy hành lễ. Vua còn đứng ra làm chủ hôn, gả cung nhân Đỗ Thị Phẫn cho ông, để ông có người lo việc nâng khăn, sửa túi.
Ông là người cương trực, nóng nảy, khi giận thường ăn nói cộc lốc không nể sợ ai, nhiều lúc hành xử lạm quyền, dung dưỡng những người phản loạn, ủng hộ các cha xứ truyền đạo Cơ Đốc, lại không ủng hộ thế tử Minh Mạng. Nên vua Minh Mạng về sau rất là căm ghét ông.