Lê Niệm là cháu của Trung Túc Vương Lê Lai, dòng dõi trung hiếu, là một trọng thần đương triều dưới thời Lê Thánh Tông rất được vua tin tưởng trọng dụng.
Lê Thánh Tông từng có lời khen ông rằng: “Lê Niệm là người khí độ trầm hùng, thông minh sáng suốt. Dòng dõi công huân, đáng nòi trung nghĩa. Rực rỡ bấy cánh hoa vườn quý, thơm ngát hương danh, văn võ song toàn. Trấn thủ cõi nam phiên; xây dựng thành căn cứ vững.
Toàn gia trung hiếu, ông ngươi trước đã hy sinh, tiếng tốt mấy đời, hầu tước nay ngươi kế tập…”
Lê Niệm về sau tấn thăng lên đến Kỳ quận công, kiêm cả quyền văn võ trong triều, trong chiến dịch đánh Chiêm Thành ông cùng Đinh Liệt chỉ huy thủy quân, đánh thành Đồ Bàn, bắt được Trà Toàn, luận công ban thưởng chức Bình Khấu tướng quân, sau lại cùng phó tướng Trịnh Công Lộ thống lĩnh 3 vạn quân Thanh Nghệ – Thuận Hóa tiến đánh Quảng Nam, bắt Trà Toại đem về kinh đô.
Năm 1479, làm tướng quân đem quân đánh Bồn Man đại phá quân địch, Cầm Công chạy trốn, quân ta đuổi đến tận sông Trường Sa giáp Miến Điện mới rút về, thu Bồn Man vào lãnh thổ Đại Việt dưới tên gọi Trấn Ninh.
Về sau ông được gia phong lên đến Suy trung Bảo chính Minh nghĩa Hồng đức Thuần Tín công thần khai phủ Thái phó Tĩnh quốc công.
Lê Quý Đôn từng có lời nhận xét về ông: “Lê Niệm là dòng dõi công thần, có công từ trước, làm chức phụ tướng, nắm quyền ngôn luận của nhà nước trong 30 năm. Mấy lần đem quân đều lập đại công, uy đức danh vọng nổi bật, thanh danh trọn vẹn, phúc phần đầy đủ, được cả đương thời khen ngợi. Ông có học vấn, giỏi thơ, vua Thánh Tông mỗi khi có làm thơ đề vịnh thường bảo ông họa lại. Nhà ông ở gọi là Thuyền Hiên, có chí hâm mộ phong cách Đào Chu (Tức Phạm Lãi), thân ở lang miếu mà nếp sống phơi phới thoát trần.”
Trước kia, Trung Túc Vương Lê Lai dùng thân hy sinh đổi áo chết thay vua Thái Tổ để Lam Sơn dựng nên nghiệp lớn, ba con của Lê Lai là Lê Lư, Lê Lộ và Lê Lâm (Cha của Lê Niệm) đều bất hạnh hy sinh tuẫn quốc, tử trận sa trường, gia cảnh đơn chiếc, may mắn thay Lê Niệm không chỉ lập nên đại công, quyền trông văn võ, rạng rỡ tổ tông, mà còn khai chi tán diệp cho gia tộc truyền đến đời sau không phụ lòng mong đợi của cha ông.
Ông có tất cả 25 người con đa số đều được vinh hiển, quan cao lộc hậu, trong đó có 15 con trai, 3 người tước hầu, 2 người tước bá 2 người làm tả đô đốc, 1 người làm đến thượng thư, 10 con gái thì 1 người làm hoàng hậu, 1 người là cung tần. Gia tộc vinh quý không ai sánh được.
=====================================
Nguồn: Đại Việt Thông Sử – LQĐ