Lê Lễ là khai quốc công thần nhà Hậu Lê, người hầu cận bên cạnh Thái Tổ Lê Lợi, sử liệu chép về ông hiện nay còn rất ít ỏi, tiếng tăm, công tích trong sử cũng chẳng còn tư liệu ghi nhận.
Chỉ biết rằng, ông có xuất thân thấp kém, là gia thần của Lê Lợi, có sức mạnh hơn người, đi theo chủ công từ những ngày đầu khởi nghĩa, từng nhiều lần giúp Lê Lợi thoát khỏi cảnh hiểm nguy và hết mực trung thành.
“Lê Lễ, sức vóc khoẻ hơn người, nối đời làm thần bộc nhà Lê Thái Tổ. Khi mới khởi nghĩa, Lễ có nhiều công trong việc giúp Bình Định vương thoát khỏi vòng vây, vượt qua nguy hiểm. Ông làm đến Nhập nội thị trung, tước Đình thượng hầu” – KĐVSTGCM
Có thể nói Lê Lễ đã kinh qua trăm cay ngàn đắng cùng với Nghĩa quân Lam Sơn, ba lần theo chân chủ tướng trốn vào Chí Linh cạn lương tuyệt thực, dù rằng bao kẻ ngã lòng bỏ đi, ông vẫn tận tâm đi theo bước chân chủ tướng, trung thành phò tá Lê Lợi vượt qua trăm trận chiến chông gai tận cho đến ngày chiến thắng khải hoàn.
Thái Tổ đối với Lê Lễ hết mực tin cậy, cũng chưa từng tị hiềm thân phận thấp kém của ông mà từng nói rằng: “Nếu tính công lao thì ngôi tể tướng chẳng ngươi còn ai? Trẫm chẳng tiếc gì với ngươi, chỉ vì tài của ngươi không xứng đó thôi”. Lê Lợi dốc lòng đề bạt nhưng tiếc là Lê Lễ lòng trung có thừa, tài năng, thân phận lại không đủ phục chúng.
Khi gia phong tước vị cho 93 công thần khai quốc Lam Sơn, Lê Lễ được ban tước Định Thượng Hầu. Họ Lê cũng là được ban quốc tính theo họ của vua.
Trước khi băng hà, vì lo cho ông khờ khạo sau này sẽ bị người bắt nạt Lê Thái Tổ từng gọi ông vào khóc rằng: “Nếu trẫm không còn thì ai biết đến khanh nữa, chỉ sợ ngày sau bị giáng truất mà thôi”
Và quả thật, sau đó Lê Lễ bị Nguyễn Thị Lộ thiếp của Nguyễn Trãi buông lời gièm pha giáng xuống làm Thái tử thiếu bảo, đúng như lời Thái Tổ đã từng nói trước lúc lâm chung.