LAVENDER, PHÍA SAU CHÙM HOA TÍM ẤY !

Mùa hè năm sau, khi đại dịch chỉ còn là quá khứ, nếu bạn có thể tới Paris, hãy dành một ít thời gian, đi về miền nam nước Pháp. Ở đó, có trời xanh mây trắng, có những cánh đồng oải hương bạt ngàn, ngào ngạt hương thơm, nhuộm tím một vùng. Mùa hè Provence đẹp như tranh vẽ.

Không chỉ có oải hương, Provence còn có nắng và gió của bờ Địa Trung Hải. Có một chút gì đó ở chúng vừa tươi mát, tinh khiết, lại nhẹ nhàng khiến tâm hồn người ta trở nên yên bình, thanh thản. Sinh trưởng ở Grasse, miền nam nước Pháp có lẽ là lý do Jean-Claude Ellena của Hermes có thể đem những điều đẹp đẽ đó vào lọ nước hoa Khu Vườn Địa Trung Hải [ Un Jardin en Méditerranée ] của ông. Nước hoa ấy đã trở thành hương mùa hè kinh điển của vùng nó được mang tên, lưu giữ khoảnh khắc ngọt ngào cho những ai từng đến, từng yêu thích mùa hè ở đây hay đang ở một góc nào đó trên thế giới rộng lớn ngoài kia, lại muốn nhớ về nơi này.

Tôi bắt đầu hành trình từ Paris về Avignon một buổi sáng mùa hè tháng 6. Ga Lyon không ở thành phố Lyon như tôi có lần nhầm lẫn mà toạ lạc tại Paris. Tên gọi đó có thể vì tất cả các chuyến tàu khởi hành từ đây đều đi về phía đông nam nước Pháp, tới Lyon, Dijon, Avignon, Nice, Marseille, dãy Alps của Pháp, rồi Thụy sĩ, Ý đại lợi và cả Barcelona của Tây Ban Nha.

Thời niên thiếu, tôi từng nghe một đoạn nhạc chia ly đầy thương cảm….”Tuyết rơi mong manh buồn. Ga Lyon đèn vàng. Cầm tay em muốn khóc. Nói chi cũng muộn màng… “. Sau này mới biết, chúng là cảm xúc thật của thi sĩ Cung Trầm Tưởng khi du học Pháp, trong một lần ở ga Lyon, tiễn người yêu về lại Provence. Năm tôi đến ga, ánh đèn vàng tình tự của bác đã không còn nữa. Thay vào đó là thứ ánh sáng trắng hiện đại của đèn huỳnh quang….. Ai cũng có một thời để nhớ….

Tôi tin rằng nếu Coco Chanel còn sống, nhắc đến ga Lyon, bà sẽ không thể quên nhà hàng Le Train Bleu mình thường lui tới. Ở ga Lyon, du hành ngược thời gian, trở về thời hoàng kim của Paris hoa lệ là việc hoàn toàn có thể. Hãy bước qua cánh cửa của nhà hàng Le Train Bleu, quá khứ lộng lẫy vẫn đang ở đó.. Cảm giác khi ở bên trong là cảm giác của giới thượng lưu Paris trong những trang phục ” haute couture “đắt tiền, nhàn nhã dùng bữa, chuyện phiếm bên ly vang đỏ Bordeaux, dưới những chùm đèn pha lê sang trọng, trần, tường được chạm trổ, điêu khắc tinh xảo, còn có những bức vẽ công phu của các bậc thầy hội hoạ… Người ta thường nói Le Train Bleu chẳng khác nào một phần thu nhỏ của nhà hát Opera Garnier hay cung điện Versailles, tôi cũng tán đồng như thế.

Không kịp giờ cho một bữa ăn vừa thưởng thức rượu vang vừa chiêm ngưỡng mỹ thuật ở Le Train Bleu, tôi mua vội ổ bánh mì baguette mè đen thịt gà và ly cafe latte ở Paul cho buổi ăn trưa sớm, rồi lên tàu. Chiều hôm sau, khi trở về ga Lyon, kẻ quên làm hẹn trước như tôi may mắn chờ được một chỗ ngồi bên trong nhà hàng. Đó là một hồi ức khó quên khi bạn có thể ngược dòng lịch sử, vừa đắm chìm trong một không gian cực kỳ diễm lệ, vừa dùng một món cổ điển chính gốc Paris — thịt bò xay sống với lòng đỏ trứng gà — le tartare de boeuf, chẳng hạn.

Thời điểm 2 giờ 45 phút là thời gian cho một chuyến tàu trực tiếp từ ga Lyon đi Avignon. Từ trạm cuối của tàu ở trung tâm thành phố tới văn phòng du lịch Avignon mất không đến 10 phút đi bộ. Thêm 15 phút nữa là khách sạn Mercure Avignon. Chưa đến trăm bước rời khách sạn là Cung Điện Đức Giáo Hoàng, Palais des Papes hay Palace of the Popes. (Sau khi được chọn làm Giáo hoàng năm 1305, Clement V đã dọn toàn thể bộ máy hành chính của Tòa Thánh Vatican về Avignon để tránh các bạo lực chống lại ông ở Rome. Lúc đầu Clement V sống tại tu viện của dòng Dominic, nhưng ngay sau đó, ông và các Giáo hoàng kế nhiệm đã ban lệnh xây một cung điện cho Giáo hoàng. Khi hoàn thành, cung điện này là một lâu đài khổng lồ (11.000 m²) được xây theo kiến trúc gothic, dùng một phần rất lớn tài sản của các Giáo hoàng và mất khoảng 30 năm để xây cất (1334-1364). Có tất cả 9 đời Đức Giáo Hoàng đã ở đây.)

Có thể bạn sẽ hỏi sao tôi lại chọn Avignon làm trạm dừng chân đầu tiên ở miền nam nước Pháp. Ồ, ở đó có Cung điện Giáo Hoàng, có chiếc cầu Avignon huyền thoại đã gãy, vắt qua sông Rhone hiền hoà, nổi tiếng với bài hát trẻ con dễ thương “Sur le pont d’ Avignon” . Chúng đều được ghi nhận là di sản văn hóa thế giới UNESCO.

Hoàng hôn mùa hè buông rất chậm. 8 giờ tối, trời vẫn còn chưa tắt nắng. Tôi tản bộ dọc bờ sông Rhone, rồi tới lui chụp ảnh cây cầu đang soi bóng xuống dòng nước trong vắt . Bất chợt, một cơn gió mùa hè thoảng qua, mang theo hương hoa từ những luống oải hương nở sớm ngào ngạt cả một khoảng trời. Mệt mỏi, muộn phiền sau một ngày, dường như cũng theo nhau mà tan biến.

Rảo bước về nhà, tôi đi qua những luống oải hương đang nô đùa rung rinh trước gió. Tà dương say sưa kéo những nét cọ vàng, cam thật dài, hoạ vội lên chân trờI ở phía xa. Nó cũng bất giác phủ một lớp bụi vàng mỏng lên những bông hoa li ti, bé nhỏ khiến màu tím thẫm đơn sắc của chúng phút chốc nhạt đi nhưng lấp lánh. Khung cảnh tôi đang trông thấy như thật … cũng như tranh.

*

…Đời tôi vốn nhiều bất hạnh, con đường tôi đi chỉ toàn là hoa hồng…gai. Tôi xin tiếp tục câu chuyện TÔI SẼ ĐƯA ANH ĐI CÙNG của người bạn trẻ thân mến của tôi, cô W. U.Catherine, người mà vì tế nhị tôi đã đổi tên của cô đôi chút. Hai chúng tôi vốn chỉ biết nhau qua không gian mạng. Chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau chưa thấy mặt nhau, nhưng chúng tôi cảm mến nhau vì chúng tôi đều có các điểm chung, như cùng yêu t nước Pháp và có một điểm tương đồng là yêu thi ca và hội họa.

Tôi đặc biệt yêu thích bài viết ngay từ đầu khi có post lên trang Du Lịch Khám Phá Châu Âu, vì thế cách đây vài tháng tôi có đề nghị cô tôi sẽ chấp bút, viết tiếp bài viết một đoạn về loài hoa màu tím, cô đồng ta tỏ ý đồng ý nhưng rồi không biết tại sao cô cắt đứt liên lac.

Hiện nay tôi hoàn toàn không biết chuyện gì đã khiến cô “nghỉ chơi” với tôi, nhưng tôi vẫn nuôi ý định là sẽ viết tiếp bài viết của cô.

Tôi biết chắc là các cô gái mỗi khi “nghĩ chơi” với nhau, họ thì thường hay có ý muốn “đòi lại quà”.Vì thế tôi đã tạm thời viết tắt tên của cô cho khác một chút để phòng hờ rắc rối. Cô W. U.Catherine vốn là một nhân viên y tá tuyến đầu ở Las Vegas. Trong những ngày căng thẳng nhất của đại dịch bỗng dưng cô ngừng liên lại với tôi. Sự cố này đã làm tôi hụt hẫng rồi lại…lẩn thẩn bâng khuâng. Thật lòng mà nói tôi rất lo cho cô về một điều không may gì đó, dù lòng tôi vẫn tự nhủ:” bậy nào đừng có mộng mơ vớ vẩn “. Tôi đã tìm mọi cách để có các thông tin về cô nhưng tôi cũng không biết mình lo lắng về cố để mà làm gì? Này thì mùa hè đã đến và dịch bệnh cũng đã giảm nhiều, nhưng Facebook của cô vẫn im ẳng như một nấm mồ. Về phần tôi mọi việc đều đã như ý tốt đẹp. Tôi đã hoàn tất cuộc thi quốc tịch và đã có passport Mỹ. Tôi và cô có lẽ đều không ai nghĩ là mình sẽ cùng đi Provence với nhau. Chúng tôi chỉ mong muốn có dịp gặp nhau ở sân bay CDG Paris để trò chuyện với nhau về chuyện in sách, chuyên màu tím hoa oải hương, tím cả chiều hoang… biền biệt. Sau đó cô đi miền Nam con tôi thì về vùng Freche Comte miền đông nước Pháp. Những sự cố lại không như ý muốn, vừa rồi tôi đã phải cắt ngắn một tuần đi thăm thân để đi Provence thử xem những gì mà cô Catherine nói chính xác được mấy mươi phần trăm.

Tôi thật bất ngờ và đã không hề hối hận vì đã quyết đình đi đến Provence một mình. Sáng hôm sau ngày tôi đến tôi đã vội tìm đến Tu viện L’Abbaye de Senanque có chuyện, không phải là chuyện tôi đang hận đời đen bạc mà muốn đi tu, mà tôi đến để gặp một vị cha cô năm nay đã ngoài 80 mà tôi có duyên được gặp ở Los Angeles trước kia. Tại tu viện tôi được ông kể chuyện về Provence. “Ngày xưa..” Ông cha cố tiếp tục kể, tại một ngôi làng có hai đứa trẻ vẫn thường chơi đùa trên cánh đồng oải hương. Đôi bạn thơ ngây đã hẹn khi nào lớn lên họ sẽ cưới nhau làm chồng vợ. Cô gái ngắt một bó hoa lớn , chia làm hai cho vào hai túi vải mỗi người giữ lấy một túi khác nhau như một bằng chứng của tình yêu. Một hôm tai nạn đã đến với chàng trai khiến cậu ta phải đi xa để chữa trị. Sau 10 năm cậu bé quay về mà không ai còn nhận ra cậu, và cậu ta cũng không nhận ra ai, cũng không ai biết vì sao chàng lại trở thành một người hát rong. Giờ đây cậu ta cũng đã thay đổi quá nhiều không còn nhớ gi quá khứ. Còn cô bé thì nay cũng đã trưởng thành, cô đẹp một cách hoang dại vẻ đẹp của người phụ nữ miền nam nước Pháp, cô mở một trang trại trồng hoa ngay dưới chân đồi, với hy vọng một ngày nào đó cô ta sẽ gặp lại người cũ.

Vào một buổi chiều thu có một chàng nghệ sĩ hát rong đi về phía chân đồi nơi có cánh đồng hoa oải hương. Chàng trai gặp cô gái hai người hoàn toàn không nhận ra nhau, rồi họ lại trở thành một đôi bạn cho đến một hôm chàng trai kể cho cô gái nghe về một câu chuyện ngày xưa cũ và chàng trai cho cô gái xem cái túi hạt giống. Cô gái sững sờ nhìn thẳng vào mặt chàng trai rồi hỏi: ” Vậy anh còn nhớ tên cô gái tên gì không?” Chàng trai trả lời ” Grasse”.Cô gái la lên rồi bật khóc:“ Là… em đây”. Ôi hạnh phúc đến với đôi bạn rất bất ngờ. Thế rồi đôi bạn lại trở thành vợ chồng, họ đem hai cái túi hạt giống đos ra trồng trên một cánh động, và cánh đồng của họ lan tỏa trên một vùng núi đồi mà ngày nay người ta gọi là xã Grasse.

Sau khi nghe câu chuyện tôi tức tốc tìm đến Grasse với một tâm trạng của một kẻ hành…hương.. Công nghệ trồng hoa và sản xuất nước hoa ra đời tại đây khoảng 500 năm qua, khi những xưởng thuộc da ở địa phương tìm cách để các sản phẩm da của họ có mùi dễ chịu. Thời tiết tại vùng từ lâu đã rất phù hợp để trồng hoa, oải hương, hoa huệ và nhiều loài hoa khác. Nếu có ai đó bảo thành phố Paris là “kinh đô của ánh sáng”, thì với tôi Grasse là “kinh đô của các mùi hương”. Grasse là một xã của Provence được bao bọc giữa biển và núi của hạt Alpes-Maritimes, với chưa tới 60.000 dân nhưng lại sở hữu những cánh đồng hoa nổi tiếng nhất châu lục.

Vào thời kỳ Phục Hưng Grasse với ngành thuộc da có gốc gác Italia, đặc biệt là kể từ khi Nữ hoàng Catherine de Medicis xuất hiện đã tác động không nhỏ tới nghề đồ da truyền thống ở đây. Bị thúc giục phải khử mùi hôi của đồ da, cư dân Grasse đã sáng tạo ra nhiều loại dầu thơm từ các giống hoa phổ biến nhất là hoa hồng, huệ, oải hương . Các đôi găng tay bằng da phảng phất mùi thơm được giới quý tộc Pháp yêu thích nồng nhiệt, tới mức vua Louis XIII phải cho phép một hiệp hội nước hoa ra đời vào năm 1614.

Tại Parfumerie Fragonard ở Grasse, theo tên của Jean-Honoré Fragonard, họa sĩ thế kỷ 18 sinh tại Grasse, khách du lịch được thăm một bảo tàng với chủ đề lịch sử 3.000 năm của ngành nước hoa. Ngắm những chai lọ sử dụng để giữ thứ dung dịch đắt như vàng, trong đó một số chai có từ thời Ai Cập và Trung Quốc cổ đại. Hàng năm, nhà sản xuất nước hoa lại tôn vinh một loài hoa nhất định. Tại các nhà xưởng, từng nhóm khách được học hỏi và tự tay làm ra mùi hương theo ý mình

Trong tòa nhà được Gustave Eiffel thiết kế, một nhà sản xuất nước hoa của hãng Molinard sẽ giúp khách du lịch tạo ra mùi hương của riêng mình. Hương thơm cổ điển của hãng này, Molinard de Molinard có gần 600 thành phần và loại nước hoa bán chạy nhất của họ, Habanita đã có 90 năm tồn tại.

Parfumerie Galimard được thành lập năm 1747 và là nhà cung cấp hương thơm cho triều đình vua Louis XV. Hãng này lưu những loại nước hoa mà khách tự chế tạo vào cơ sở dữ liệu để dễ dàng tìm kiếm khi khách muốn đặt lại loại của mình. Khách cũng thoải mái ngửi kem dưỡng da, sữa tắm, kem cạo râu và đặt mua ngay. Được sự hướng dẫn của một nhà làm vườn hạng nhất, khách có thể dạo chơi, ngắm cảnh trên những cánh đồng hoa tại làng Gourdon gần đó.

Les Routes de la Lavande, tức “Những Con Đường Hoa Lavender” là những chuyến đi thăm quan dọc các cánh đồng trồng hoa oải hương tại Provence. Khách sẽ tới những địa điểm có liên quan tới việc trồng và chế tạo hương thơm từ oải hương, như các đồn điền, các vườn hoa có mô hình minh họa các kỹ thuật chưng cất. Nếu đi từ Nice hoặc Cannes, bạn có thể dễ dàng tới Grasse bằng xe ô tô. Le Couvent des Minimes Hotel and Spa, tại Mane cạnh đó, tọa lạc tại một nhà tư cũ xây từ nhiều thế kỷ trước, có truyền thống chế tạo sản phẩm dưỡng da thiên nhiên. Cơ sở này hiện thuộc sở hữu của L’Occitane và các sản phẩm của hãng được sử dụng tại đây.

Từ ngày 5 tới 30 Tám có lễ diễu hành Oải hương tại Valreas. Lễ hội Oải hương tại Sault vào ngày 15/8 có âm nhạc, đặc sản, kem oải hương của vùng Provence. Một cánh đồng oải hương nằm ở trung tâm nơi diễn ra lễ hội và khách du lịch có cơ hội thử tự tay thu hoạch loài hoa mê hoặc này. Nếu có ai đó bảo Paris xinh đẹp là “nơi lưu giữ văn minh của con người”, thì Provence chính là nơi “lưu giữ mùi thơm của nhân… loại”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *