Lâu lâu lấn sân ngoài lề: “Africa Addio'' – phim kinh dị mang giá trị lịch…

Lâu lâu lấn sân ngoài lề: “Africa Addio” – phim kinh dị mang giá trị lịch sử

Lâu lâu lấn sân ngoài lề: “Africa Addio” – phim kinh dị mang giá trị lịch sử.
Trước tiên nói một chút về thể loại phim. Mình gọi là ”phim kinh dị” bởi vì tiếng Việt chưa thấy từ nào thích hợp để gọi loại phim này, chắc chắn nó không phải phim kinh dị thể loại ”Horror film” để phục vụ đông đảo khán giả xem rạp như bình thường. Vì vậy nên ai nghĩ mình nói về một bộ phim kinh dị chiếu rạp bình thường thì ngừng ở đây được rồi .
Thể loại phim kinh dị nói đến ở đây, tiếng nước ngoài thì người ta ưa dùng từ ”shockumentary”
(ghép từ shock+documentary: phim tài liệu gây sốc), hoặc thuật ngữ chuyên môn tiếng Ý mà dễ nghe hơn là “Mondo film”. Cái tên cũng nói lên bản chất của nó: đây là các bộ phim quay những cảnh gây sốc với người xem, có thể là thật, có thể dàn dựng, không cần nội dung cụ thể.
Thể loại phim này rất phổ biến ở phương Tây những năm 60s đến 80s, sau này Nhật Bản cũng sản xuất khá nhiều và đôi khi bị coi là sản phẩm quái dị của chủ nghĩa tư bản. Nội dung của nó được coi là phục vụ cho những sở thích kỳ dị biến thái của một số khán giả phương Tây, và thường mang một màu sắc tiêu cực về các nước ở thế giới thứ 3 (điều này mình hoàn toàn tự rút ra được sau khi xem một số phim). Các nội dung trong phim Mondo thường thấy là về những cảnh chết chóc, tự tử, hành quyết, tình dục, tra tấn, những hủ tục kỳ lạ, ngược đãi động vật, hay những cảnh ăn thịt trong thế giới tự nhiên,…. và một sản phẩm được coi là đỉnh cao của ghê tởm nội dung là ăn thịt người. Chính vì nội dung kỳ quái và bị coi là sản phẩm tư bản nên thể loại phim này không phổ biến và thậm chí là bị cấm ở hầu hết các nước trên thế giới.
Những tác phẩm nổi tiếng nhất về thể loại này gần như chủ yếu đến từ nước Ý – quốc gia được coi là sản sinh ra nó. Các bộ phim nổi tiếng có thể kể đến là: Mondo Cane (nội dung tổng hợp), The Faces of Death (nổi tiếng bị cấm trên khắp thế giới – nội dung là quay trực tiếp cảnh chết người), Banned from Television (nội dung là những cảnh giết người trên truyền hình bị cắt đi), This Violent World (nội dung là bạo lực khắp thế giới), Shocking Asia (nội dung là những hủ tục kì quái ở châu Á – một bộ phim phân biệt chủng tộc khủng khiếp),… Ngoài ra, ở Hoa Kỳ người ta lại tận dụng thể loại phim này, quay những cảnh chết chóc khi lái xe trên đường để giáo dục về giao thông an toàn, trong khi Nhật Bản sau này cũng học theo phương Tây, quay những cảnh chết chóc, tình dục và bị coi là khởi nguồn cho những sản phẩm văn hóa kỳ dị của họ sau đó như phim khiêu dâm, phim kinh dị, phim hành xác – thứ mà sau này Nhật Bản đã gây sốc cho thế giới với ”Guinea Pig”. Ngoài ra, sự xâm nhập của phim Mondo được coi là nguyên nhân gây ra tỷ lệ tội phạm giết người của Nhật Bản gia tăng vào cuối thâp niên 80s.
Tuy nhiên, sau cùng em muốn giới thiệu ở đây một bộ phim không có quá nhiều những nội dung kỳ quái trên kia, mà ngược lại trở thành một trong những bộ phim có giá trị lịch sử: Africa Addio (chiếu năm 1966). Bộ phim này chưa cần đến nội dung đã có đủ yếu tố để hấp dẫn: nó được thực hiện bởi 2 đạo diễn Gualtiero Jacopetti và Franco Prosperi – những người trước đó đã rất nổi tiếng vì sản xuất ra bộ phim “Mondo Cane” – bộ phim biểu tượng của dòng phim Mondo này.
Tên tiếng Anh của bộ phim là ”Africa: Blood and Guts” (Châu Phi: máu và bạo lực). Cái tên đã nói lên nội dung: là những cảnh máu me và bạo lực diễn ra ở châu Phi. Nhưng thời gian ở đây, là châu Phi hậu thuộc địa, nghĩa là vào thập niên 60s khi các nước châu Phi lần lượt độc lập khỏi châu Âu. Chính vì quay trong bối cảnh lịch sử như thế mà bản thân bộ phim đã có trong mình tính lịch sử: nhiều cảnh quay trong bộ phim là những tư liệu duy nhất ghi lại các sự kiện diễn ra, không có trên bất cứ thước phim nào khác. Dưới đây, mình sẽ liệt kê ra một số nội dung trong bộ phim.
Mở đầu phim không có gì lạ thường. Đó là những cảnh nước Anh trao trả độc lập cho 2 nước Kenya và Tanzania ở Đông Phi, sự hân hoan của người dân, sự bàn giao quân đội và vũ khí, gặp mặt của các lãnh đạo châu Phi với lãnh đạo Vương Quốc Anh,…
Nhưng ngay sau đó là những chuyện bi kịch đã xảy ra, khi chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại dâng cao: đầu tiên những người dân châu Phi đổ hết những sản phẩm của người châu Âu trong nhà máy ra đường: trứng, sữa, cam, bia,…một cách lãng phí không thể tưởng tượng. Sau đó là cảnh những lớp học giáo dục người dân châu Phi một cách phi lý phản khoa học về chủng tộc, cho rằng người da đen là giống dân thượng đẳng, còn người da trắng là sinh vật thấp kém. Rồi đến cảnh phiên tòa xử những kẻ tội phạm châu Phi, những người đã xông vào nhà và trang trại người châu Âu để giết người, cướp bóc, hãm hiếp,…Tiếp đó là cảnh những nông trại của người châu Âu bị bỏ hoang, rao bán vì chủ nhân đã bỏ đi. Người châu Phi tràn vào nông trại, quê mùa trước những vật phẩm hiện đại như váy áo, đồng hồ, lò sưởi, bồn tắm… và sau đó họ phá hủy chúng như không có ích lợi gì. Còn lại có cảnh những phụ nữ châu Âu làm nghề múa thoát y trong quán bar trước những người đàn ông châu Phi lạ lẫm vì thứ văn hóa này.
Một nội dung xuyên suốt phim là cảnh săn bắn và ngược đãi động vật. Được lý giải là Luật bảo vệ động vật sụp đổ sau khi các nước châu Phi độc lập, nạn săn bắn tràn lan đã diễn ra, giết hại vô số động vật. Việc săn bắn đến từ cả những người châu Âu giàu có đến những bộ lạc châu Phi nghèo khó, nhưng điểm chung là đều gây sốc cho người xem vì sự đối xử tàn bạo với động vật, không thiếu những cảnh máu me giết chóc ghê rợn. Cùng với đó, phim cũng thể hiện những nỗ lực của những tình nguyện viên cố gắng giúp đỡ những động vật bị săn bắt bừa bãi.
Tiếp đến là những nội dung có tính chất lịch sử. Quan trọng nhất trong các nội dung này chính là cảnh quay cuộc cách mạng Zanzibar đầu năm 1964, một quốc đảo nhỏ bé ở Đông Phi ít người biết tới nhưng trong lịch sử nổi tiếng là nơi người Arab đã bắt giữ và buôn bán hàng triệu nô lệ da đen. Vào thời điểm quay phim năm 1964, đoàn làm phim đã vô tình bay qua Zanzibar và quay được những thước phim quý giá về cuộc thảm sát trả thù đẫm máu của người châu Phi nhằm vào người Arab – cuộc thảm sát mà sau đó đã quét gần hết dân số Arab của Zanzibar. Những hình ảnh gây sốc như xác người Arab chất đầy xe tải, hố chôn, trên bãi biển,… cho đến ngày nay vẫn là tư liệu video duy nhất ghi lại sự kiện này, không có tư liệu nào khác ghi lại.
Còn lại, những thước phim lịch sử khác có thể kể đến là cuộc nổi dậy Mau Mau ở Kenya, bạo loạn giữa người da đen và Arab ở Tanganyka (nước Tanzania ngày nay – trong đó có cảnh đạo diễn Gualtiero Jacopetti bị bắt khi đang quay phim), bạo loạn và diệt chủng ở Rwanda năm 1959 (lâu nay người ta chỉ nói đến diệt chủng Rwanda năm 1994 mà quên mất năm 1959 này), chiến tranh thuộc địa Bồ Đào Nha,…
Phần lớn thời lượng sau của phim là về cuộc khủng hoảng ở Congo diễn ra từ năm 1960 đến 1965 trong giai đoạn cao trào của chiến tranh Lạnh. Trong đó phim đã dành một phần quan trọng đi theo chân những người lính đánh thuê châu Âu ở Congo – những con người đóng vai trò quyết định trong cuộc khủng hoảng này. Những cảnh chiến đấu ở Congo trong phim cũng là những thước phim hiếm hoi, vì cuộc khủng hoảng Congo lúc đó dù nóng bỏng nhưng vẫn bị truyền thông quốc tế ngó lơ do diễn ra ở một lục địa còn xa lạ.
Phần cuối của phim kết thúc ở đất nước Nam Phi – cực nam của lục địa và cũng là một cuộc gia Tây hóa hiện đại nhất châu Phi. Ở đây phim thể hiện sự hiện đại và giàu có của Nam Phi so với phần còn lại của châu Phi, nơi cả người châu Âu đến các bộ lạc châu Phi đều có những trang phục và dụng cụ hiện đại, những cảnh vui chơi bên bãi biển và trong sàn giao dịch, nhưng cũng không quên ghi lại cuộc sống của công nhân da đen trong hầm mỏ,…
Cuối cùng, tổng kết lại Africa Addio tuy là bộ phim thuộc thể loại ”tài liệu gây sốc” Mondo phim, nhưng lại là một phim Mondo có giá trị lịch sử. Nội dung có thể được diễn tả không chính xác, mang tính thiên vị và phân biệt chủng tộc. Bản thân 2 đạo diễn Gualtiero Jacopetti và Franco Prosperi cũng đã hứng rất nhiều chỉ trích sau khi bộ phim được phát hành, cáo buôc nội dung phân biệt chủng tộc hạ thấp người châu Phi. Sau đó để xoa dịu, 2 đạo diễn đã làm một bộ phim Mondo khác tên là ”Goodbye Uncle Tom” (Vĩnh biệt bác Tom), nội dung nói về chế độ nô lệ da đen ở Hoa Kỳ, dĩ nhiên là với những cảnh phim máu me kinh dị. Nhưng ít nhất ”Africa Addio” cũng là những tư liệu quý hiếm rất có giá trị với những sự kiện quan trọng trong lịch sử châu Phi, có thể xem để tham khảo với những ai hứng thú với lịch sử châu Phi hậu thuộc địa. Hiện tại có nhiều người dùng đã upload bộ phim này lên Youtube, nhưng phần lớn đều được ghi nhận là những bản đã cắt xén và kiểm duyệt bớt so với bản gốc năm 1966 của phim.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *