Chính thức “nhờ cậy” bố mẹ chồng
Từ 2 năm nay công việc của chị Lê Thị Lan (39 tuổi, Thanh Hóa) trở nên khó khăn. Dù là viên chức trong một đơn vị sự nghiệp công lập lớn tại Hà Nội, có thời điểm tiền lương của chị được 20-25 triệu đồng/tháng nhưng gần đây thu nhập của chị chưa được 10 triệu đồng, tiền lương chỉ được 5,5 triệu đồng, cộng thêm mấy khoản phụ cấp tổng thu nhập chỉ được chừng hơn 7 triệu đồng/tháng.
Tương tự chồng chị Lan thu nhập cũng không khá khẩm hơn là bao. Mang tiếng là công chức văn phòng ở một quận nhưng với hệ số lương 3,3 x 2,34 lương tháng của chồng cũng chỉ được gần 8 triệu đồng/tháng.
“Nhà có 4 người (2 vợ chồng và 2 con) một tháng mà thu nhập chỉ 16-18 triệu đồng là không thể đủ. Cũng may là chúng tôi không chịu áp lực vì phải phụng dưỡng cha mẹ hai bên. Nhiều khi ông bà còn phải hỗ trợ ngược cho con cháu”, chị Lan nói.
Theo chị Lan, hiện nay, lương hưu của bố mẹ chồng chị khá cao. Bố chồng chị là quân nhân về hưu tiền lương của ông được hơn 15 triệu đồng/tháng, còn lương hưu của mẹ chị là giáo viên hơn 8 triệu đồng/tháng.
“Nhiều khi nghĩ ngậm ngùi vì tiền lương của mình còn thấp hơn cả lương hưu của ông bà, nên về thăm bố mẹ chẳng có tiền mua quà cáp. May ông bà hiểu, khó khăn ông bà còn phải gửi đồ ăn ra cho con cháu, lâu lâu ông bà ra chơi còn cho các cháu tiền đi học”, chị Lan chia sẻ.
Không chỉ công chức, đời sống nhiều công nhân, lao động cũng đang dối diện với rất nhiều áp lực, khó khăn. Chị Lương Thị Hà Anh (32 tuổi, Hà Nội) là mẹ đơn thân, nuôi 1 con gái học lớp 3.
Chị hiện là kế toán cho một doanh nghiệp xây dựng, nhưng từ 5 tháng nay công ty chậm lương, chỉ trả gối đầu. Các khoản phụ cấp khoản thì bị cắt, khoản thì bị nợ, bởi vậy cuộc sống mẹ con chị bị ảnh hưởng khá nhiều.
“Tôi cắt giảm tiền ăn hàng ngày, mỗi ngày giới hạn khoảng 100.000 đồng mua thức ăn, mỗi tháng 3 triệu đồng tiền ăn, cộng thêm 3 triệu đồng tiền thuê nhà, điện nước, tiền học chính và học thêm của con khoảng 4 triệu đồng, chưa kể các khoản thăm hỏi, ma chay… Một tháng 2 mẹ con tôi cũng phải chi khoảng 10 -12 triệu đồng, đây là khoản tiền khá lớn với tôi khi tiền lương hàng tháng chỉ khoảng hơn 6 triệu đồng”, chị Hà Anh kể.
Thu nhập bình quân tăng, nhưng vì sao đời sống người lao động vẫn khó khăn?
Báo cáo của Tổng cục thống kê về tình hình lao động – việc làm quý II/2024 cho thấy thu nhập bình quân đầu người có tăng, đạt 7,6 triệu đồng người/tháng. Tuy nhiên, nhiều công nhân, công chức, viên chức, người lao động đều cho rằng đời sống của họ đang gặp nhiều khó khăn.
Lý do được cho là bởi giá cả leo thang, chỉ số giá tiêu dùng quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù tiền lương bình quân của người lao động trong quý II/2024 là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% – tăng cao hơn cả chỉ số giá tiêu dùng nhưng mức tăng tiền lương vẫn không đủ để đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Chia sẻ với PV Dân Việt sáng 20/10, ông Phạm Minh Huân – Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, thông thường chỉ số lạm phát và chỉ số giá thường quay quanh nhau. “Chỉ số CPI là chỉ số giá sinh hoạt, tiêu dùng, còn chỉ số về tiền lương bình quân ở trên cũng chỉ là chỉ số thống kê, thực tế chưa biết con số này thế nào. Tuy nhiên, nếu con số thống kê ở trên mà đúng thì chỉ số tốc độ tăng lương bình quân đang cao hơn tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (lần lượt là 7,4% và 4,3%). Như vậy, nếu tốc độ tiền lương tăng đang là 7,4% trừ đi tốc độ tăng giá 4,3% thì tốc độ tăng lương thực tế không đáng kể, chỉ còn khoảng 3,1%.
Phân tích là như vậy, nhưng từ con số thống kê tới đời sống thực tế của người lao động còn một khoảng cách khá lớn. Lương tăng một chút chưa đủ để cải thiện cuộc sống. Tiền lương cả khu vực công và khu vực tư đều tăng đầu quý III/2024, vì thế cần thời gian để đánh giá tác động, nếu muốn biết cụ thể, đánh giá tác động cần phải xem con số thống kê vào quý IV/2024″, ông Huân phân tích.
Cũng theo ông Huân, dù tháng 7 vừa qua tiền lương ở cả khu vực công và tư đều tăng lên nhưng nhiều mặt hàng giá cả cũng tăng theo như giá điện, giá xăng dầu, giá thực phẩm, đặc biệt là rau, củ, quả… và giá nhà. Điều này đương nhiên tác động lớn tới đời sống người dân.