lao-dong-di-nghia-vu-quan-su-co-duoc-tam-hoan-hop-dong-lao-dong?

Lao động đi nghĩa vụ quân sự có được tạm hoãn hợp đồng lao động?

Đi nghĩa vụ quân sự được tạm dừng hợp đồng lao động?

Theo Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành, độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Riêng trường hợp công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi.

Công dân được gọi nhập ngũ phải có lý lịch rõ ràng và đáp ứng các tiêu chuẩn về chính trị, sức khỏe, văn hóa. Trong đó, tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự thực hiện theo quy định tại Thông tư 105/2023/TT-BQP của Bộ Quốc phòng.

Chính bởi quy định trên mà có khá nhiều lao động trong độ tuổi được gọi đi nhập ngũ. Nhiều người quan tâm rằng liệu đi nhập ngũ họ có còn được bảo lưu công việc, có bị cắt đứt hợp đồng lao động không?

Điểm A khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Lao động trong các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là “Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ”.

Lao động đi nghĩa vụ quân sự có được tạm hoãn hợp đồng lao động?- Ảnh 1.

Lao động đi nghĩa vụ quân sự được tạm hoãn hợp đồng lao động. Ảnh: NN

Như vậy, khi nhận được lệnh gọi nhập ngũ tại nơi cư trú, người lao động có thể thông báo cho cơ quan, doanh nghiệp nơi đang làm việc, và hai bên thực hiện quy định về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Doanh nghiệp không có quyền chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 thì “Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”.

Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”.

Căn cứ vào quy định trên, trong trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự, người lao động không được doanh nghiệp trả lương và các lợi ích khác theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và công ty phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, người lao động đi nghĩa vụ quân sự có quyền thỏa thuận với chủ sử dụng về việc tạm dừng hợp đồng lao động, hoặc bảo lưu hợp đồng. Nếu bảo lưu, người lao động phải quay lại nơi làm việc khi hết nghĩa vụ quân sự và thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động. Chủ sử dụng cũng bắt buộc phải tiếp nhận lao động trở lại nếu bảo lưu hợp đồng làm việc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *