lao-dong-dang-bao-luu-ket-qua-tham-gia-bhxh-khong-may-qua-doi,-than-nhan-duoc-huong-che-do-gi?

Lao động đang bảo lưu kết quả tham gia BHXH không may qua đời, thân nhân được hưởng chế độ gì?

Theo quy định của Luật BHXH, người lao động chẳng may bị mất khi đang bảo lưu quá trình tham gia BHXH thì người thân vẫn không bị mất quyền lợi. 

2 khoản tiền mà người thân được lĩnh trong trường hợp này là trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất, có thể là trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.

Cụ thể, người lo mai táng cho người lao động (NLĐ) qua đời (đã đóng BHXH đủ 12 tháng) được hưởng một lần trợ cấp mai táng, mức hưởng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đó chết. Hiện trợ cấp mai táng được tính là 14,9 triệu đồng. Từ ngày 1/7, trợ cấp mai táng sẽ là 18 triệu đồng.

Ngoài ra, trong trường hợp NLĐ qua đời khi đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên và chưa hưởng BHXH một lần, thân nhân của họ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Khi NLĐ này qua đời, có tối đa 4 thân nhân thuộc 4 nhóm sau được nhận trợ cấp tuất hàng tháng.

Thứ nhất là con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai.

Lao động đang bảo lưu kết quả tham gia BHXH không may qua đời, thân nhân được hưởng chế độ gì? - Ảnh 1.

Theo chế độ BHXH hiện hành, đang bảo lưu quá trình tham gia BHXH nếu không may bị mất, người thân sẽ được hưởng 2 khoản tiền: trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất 1 lần. Ảnh minh họa

Thứ 2 là vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Thứ 3 là cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ.

Thứ 4 là cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Trừ nhóm thân nhân thứ nhất, thân nhân 3 nhóm còn lại chỉ được nhận trợ cấp tuất hằng tháng nếu không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở (hiện là 1,49 triệu đồng/tháng, từ ngày 1/7 là 1,8 triệu đồng/tháng).

Mức trợ cấp tuất hằng tháng mà mỗi thân nhân được nhận bằng 50% mức lương cơ sở (hiện là 745.000 đồng/tháng, từ ngày 1/7 là 900.000 đồng/tháng). Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở (1.043.000 đồng/tháng, từ ngày 1/7 là 1.260.000 đồng/tháng).

Thân nhân của NLĐ thuộc diện được nhận trợ cấp tuất hằng tháng như trên nhưng không muốn hưởng trợ cấp hằng tháng thì có thể lựa chọn nhận trợ cấp tuất một lần (ngoại trừ trường hợp con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ/chồng của NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên).

Ngoài ra, NLĐ qua đời mà không đủ năm đóng BHXH để thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì thân nhân của họ được nhận trợ cấp tuất một lần.

Mức trợ cấp tuất một lần được tính theo số năm mà NLĐ đã đóng BHXH. Cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 2 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *