“Hạnh phúc cũng chỉ như đồng hồ cát chảy ngược Mà anh chỉ có thể trơ mắt nhìn từng phút ngọt ngào ấy biến mất…” (Lian Xi – Lưu Đức Hoa)
“…September-twenty-second-Sunday-twenty-five-after-nine…” (The day you went away – M2M)
“Chúa đã đến. Tôi gặp ông ấy trên chuyến tàu vào năm giờ mười lăm.” (J. M. Keynes)
“Trận đấu đã trôi đến phút 89….trọng tài đã nhìn đồng hồ… vậy là trận đấu có thêm 4 phút bù giờ!” (Bình luận viên bóng đá)
Thời gian và công cụ, kỹ thuật để đo nó là đồng hồ đã luôn một cảm hứng bất tận trong thơ ca nghệ thuật và đồng thời là một trong những công cụ, kỹ thuật hay công nghệ quan trọng nhất của lịch sử phát triển của con người, bài viết điểm lại một số loại đồng hồ từng xuất hiện trong lịch sử.
Đầu tiên, con người sử dụng đồng hồ bóng Mặt Trời, nó là một thanh chữ T cắm trên mặt đất. Khi hoàng hôn dần buông thì bóng nắng chiều đổ xuống càng dài và người ta tính toán tỷ lệ sao cho bóng đổ ở một mức nào đó thì tương ứng với một vạch giờ (có sự bất tiện là càng về chiều bóng đổ càng dài nên vạch đồng hồ không đều). Đấy là loại đồng hồ đầu tiên của nhân loại, có lẽ chúng ta trong tuổi thơ của mình, ai cũng từng nhìn vào bóng nắng, góc nghiêng của nó, và có những ấn tượng về thời gian trong ngày trôi.
Tuy nhiên, có thể thấy ngay là đồng hồ bóng Mặt Trời có bất lợi là chỉ đo được những khi nào có nắng, những trận mưa giông vần vũ và đêm tối làm cho đồng hồ bóng Mặt Trời bất lực, đồng hồ bóng Mặt Trời đo làm sao được thời gian khi Mặt Trời …khuất bóng? Mưa nắng thất thường, làm sao “nhốt” được thời gian?
Đồng hồ nước ra đời thay thế cho đồng hồ Mặt Trời, đồng hồ nước đơn giản chỉ là một bình, hay một bát đựng nước có đục lỗ nhỏ để nước chảy ra (người ta cải thiện chất liệu miệng lỗ để lâu bị hư hỏng do nước chảy …đồng hồ mòn); bình đựng nước có những vạch để đánh dấu mực nước hạ dần tương ứng với những khoảng thời gian trôi. Tuy nhiên, do nước chảy mạnh khi bình đầy và chảy chậm hơn khi nước vơi nên người ta đã làm những chiếc bình hay bát đựng nước vát nhỏ dần xuống đáy. Ưu điểm của đồng hồ nước, rõ ràng đỡ thất thường hơn bóng nắng, có thể chảy cả đêm lẫn ngày.
Ban ngày, sử dụng đồng hồ “săn” bóng mặt trời, ban đêm sử dụng đồng hồ nước. Như vậy đã ổn chăng?
Có một vấn đề là, ở các xứ thời tiết khác nhau, độ quánh của nước thay đổi gây ra sự khó khăn cho việc đo đếm thời gian. Do đó, người ta nghĩ đến việc dùng cát rơi để đếm thời gian, và tạo ra đồng hồ cát. Người ta liên tục làm chính xác hóa đồng hồ cát bằng việc bịt kín đồng hồ để cát không bị ảnh hưởng bởi độ ẩm trong không khí và tinh chế các loại các sao cho chất lượng cát tốt hơn. Đồng hồ cát thích hợp hơn đồng hồ nước để đo những khoảng thời gian rất ngắn khi người ta chưa biết đến thiết bị đo nào khác.
Do cứ phải lộn đầu trở lại, đồng hồ cát lại khá bất tiện trong việc đo thời gian ban đêm, một hạn chế cũng có ở đồng hồ bóng Mặt Trời; hoặc người ta phải chế tạo đồng hồ cát to cồng kềnh chứa nhiều cát đến mức phải lật đầu chỉ sau 12 tiếng.
Trí khôn của con người tiếp tục được tung ra, không đầu hàng trong nỗ lực “nhốt” thời gian. Đồng hồ lửa ra đời để khắc phục đồng hồ cát; đồng hồ nến ra đời như là một phương cách vừa để đo thời gian trôi, vừa để thắp sáng bóng đêm, rồi đồng hồ đèn dầu đo lượng dầu cạn dần. Thế nhưng, nến cháy rồi cũng phải sớm tàn, dầu cũng phải khô, như nước phải cạn.
Qua một thời gian dài, con người mới tạo ra đồng hồ cơ khí, là một bước chuyển cách mạng của đồng hồ, tách hẳn khỏi các ưu tư về Mặt Trời và ánh sáng cũng như thời tiết. Đồng hồ cơ khí chỉ quan tâm đến quy luật cơ học của nó. Mọi sáng chế, phát minh vĩ đại nhất dường như đều giản dị về nguyên tắc, đồng hồ cơ khí dựa vào một công cụ gọi là cái ngàm, cái ngàm ngắt quãng một cách đều đặn lực rơi của vật nặng, phát hiện cơ bản này là cơ sở cho mọi đồng hồ cơ ngày nay.
Bóng mặt trời không còn ám ảnh, thời tiết không còn ám ảnh, các loại đồng hồ còn lại hầu hết trở thành những thứ hoài cổ nằm trong tiềm thức của nhân loại, hoặc trở thành đồ trang trí, lưu niệm. Từ đây, con người đã “nhốt” được thời gian vào một cái khung tròn, đều đặn 24h, 60 phút, 60 giây, quay đều bất tận.