BƯỚC ĐẦU TIÊN LÀ TỰ HỎI RẰNG MÌNH ĐÃ CHUẨN BỊ ĐỂ BƯỚC TIẾP HAY CHƯA
Tác giả: Kelly Eden
Tôi đoán bạn đang đọc bài này vì bạn không muốn đau lòng nữa. Tôi ở trong tình trạng y như bạn mới 2 năm trước thôi. Trong một thoáng chốc bạn nghĩ bạn đã ổn và rồi một vài ký ức nho nhỏ hiện lên trong đầu, một cái ảnh trên Facebook, hay bạn đi ngang qua một quán cafe ưa thích của cả hai… và chúng nhắc lại cho bạn rằng bạn từng hạnh phúc như nào. Không có gì giống như đắm chìm trong tình ái và khi nó kết thúc chúng ta lao thẳng vào một sự rút lui cực kỳ đau thương và đầy đau đớn. Tôi vẫn chưa quên cái cảm giác đó như thế nào đâu. Nhưng tôi muốn hỏi bạn – và điều này có thể hơi kỳ kỳ – bạn đã sẵn sàng để vượt qua “người cũ” chưa?
Tôi biết bạn sẽ nói gì. Câu hỏi ngớ ngẩn thế. Chả có ai muốn khổ sở và đau đớn như vậy cả, đúng không? Thực ra thì, nhiều người làm thế lắm. Họ nói họ muốn quên đi người cũ, không muốn cảm thấy đau nữa, và bước tiếp nhưng họ lại níu chặt lấy nỗi đau và sự khốn khổ của mình – có lúc đến tận vài năm sau.
Tự hỏi rằng mình đã sẵn sàng vượt qua “người cũ” chưa chỉ là bước khởi đầu.
THỜI GIAN SẼ KHÔNG CHỮA LÀNH
Hồi tôi tầm 30 tuổi tôi đã chứng kiến bạn của mình Hà và Phong ly dị nhau. Họ đã có một cuộc hôn nhân dài nhưng cũng đầy trắc trở – vì vậy chuyện li dị không bất ngờ gì lắm – nhưng khi Hà rời đi, Phong từ chối chấp nhận chuyện đó.
Anh ấy nói với mọi người rằng Hà sẽ quay trở lại. Điều này tiếp diễn vài năm sau đó, kể cả khi rõ ràng là cô ấy sẽ không làm thế. Hà cuối cùng cũng tái hôn và thậm chí sau chuyện đó, Phong vẫn từ chối chấp nhận rằng cô ấy đã rời đi thật rồi. Họ đã có vài đứa con với nhau và mỗi khi gia đình gặp nhau Phong sẽ cố nói chuyện với Hà, gọi cô ấy là “em yêu” và cứ nhắc lại về quãng thời gian tốt đẹp họ từng có.
Anh cứ liên tục than phiền với những đứa trẻ giờ-đã-lớn, cố gắng tìm hiểu Hà đang quan tâm về cái gì và nói rằng anh muốn cô quay lại nhiều như nào. Anh thực sự mắc kẹt trong nỗi đau mất đi người vợ của mình. Cuối cùng đến cả những đứa trẻ của anh cũng thấy chán ngán với chuyện đó; chúng hoàn toàn không đến thăm anh nữa.
Phong là một trường hợp cực đoan. Nhưng mắc kẹt trong nỗi đau tan vỡ không phải là điều hiếm gặp. Chúng ta luôn được bảo rằng thời gian sẽ chữa lành, và owr một mức độ nào đó thì nó có, nhưng chỉ khi chúng ta thực sự xắn tay vào làm mà thôi. Một mình thời gian thì chẳng chữa lành được cái gì cả. Con người có khả năng chịu đựng nỗi buồn và sự tan vỡ trong nhiều năm. Đấy là thứ bạn muốn trở thành à?
“Nếu một người làm tan vỡ trái tim bạn, thì họ và/hoặc mối quan hệ đơn giản là không tuyệt vời như bạn nghĩ đâu.” – Tiến sĩ Guy Winch.
BẠN ĐANG Ở TRONG BƯỚC NÀO CỦA GIAI ĐOẠN TAN VỠ?
Để biết được bạn đã sẵn sàng bước tiếp hay chưa, sẽ phụ thuộc vào bạn đang ở giai đoạn nào của tan vỡ.
Giai đoạn Rút Lui
Trong vòng 48 giờ sau khi chia tay, cơ thể bạn sẽ hoàn toàn loại bỏ hoocmon “tình yêu”. Nghiên cứu (1) đã chỉ ra rằng bộ não khi có một sự chia tay sẽ giống như của một người nghiện ma túy vậy. Đau lòng là một phản ứng vật lý và đúng rồi đó, nó đau thiệt (2). Nỗi đau mà bạn cảm thấy chính là sự đau đớn về mặt vật lý.
Nếu bạn ở trong giai đoạn này, bạn chưa thể bước tiếp được đâu. Đây là khoảng thời gian mà bạn nên đối xử tốt với bản thân mình. Có một người bạn ở bên. Cho mình một ngày nghỉ ở nhà. Ngủ cả ngày. Khóc thật to. Hốc cả một thanh chocolate! Bất cứ thứ gì giúp bạn lết qua 2 ngày này, thì làm đi.
Hãy kìm lại cái mong muốn liên lạc với người ta ngay lúc này. Bạn sẽ kết thúc với cảnh van xin, cãi nhau, khóc lóc, và trở nên lộn xộn. Hãy để 48 giờ trôi qua – đặt một bộ đếm nếu bạn cần. Đừng nhắn tin với người ta, hãy cắt mọi liên lạc và cho phép bản thân đau đớn. Hãy để cho não bộ của bạn được ổn định lại.
Giai đoạn Thành Công hay Công Cốc
Một khi đã qua 2 ngày, bạn sẽ đến giai đoạn này. Đây là lúc mà bạn sẽ quyết định rằng bạn có thể hàn gắn lại hay là sẽ bước tiếp. Tôi biết là có những người đã quay lại được với nhau, kể cả sau khi đã chia tay được 1 năm, nhưng hiếm lắm. Liệu có một cơ hội thực tế nào để nó xảy ra không?
Hãy tự hỏi bản thân mình xem mối quan hệ này có đnags để cứu vãn không? Nó có lành mạnh không? Chúng ta thường níu kéo những mối quan hệ “độc hại” quá lâu bởi vì chúng ta “đắm chìm trong tình ái”.
Khi bạn mê đắm trong tình yêu thì sẽ rất khó để suy nghĩ thông suốt về tình hình của mình. Hãy tham khảo góc nhìn của một người bạn thân hoặc một thành viên trong gia đình sẽ có ích hơn. Hãy nói chuyện với người nào nắm rõ mọi chuyện ý.
Nếu bạn muốn làm cho nó thành hiện thực, vậy thì người ta có cho thấy dấu hiệu là người ta cũng muốn như thế không? Hãy thành thật với bản thân: Người ta có nói rằng người ta muốn nghe tư vấn từ các cặp đôi, muốn cùng ngồi xuống nói chuyện, và tạo ra thay đổi hay không? Bạn không thể cứu vãn mối quan hệ một mình được đâu.
Nếu người ta nói với bạn rằng người ta muốn thoát khỏi đó, cứ tin là thế đi.
Giai đoạn Ký Ức Màu Hường
Thường thì sau một vài tháng người ta sẽ quay lại với người cũ trong một khoảng thời gian ngắn (hoặc chỉ cho một đêm thôi!) Đấy là bở vì chúng ta sẽ nhớ những điều tốt đẹp hơn là những điều tệ hại. Tất cả những ký ức đáng yêu đó sẽ khiến chúng ta chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng lao vào vòng tay của họ – bất kể chuyện đó kinh khủng thế nào trong thực tế.
Nếu bạn ở giai đoạn này, hãy cân nhắc xem bạn có muốn quay lại cái quy trình đó một lần nữa, với đầy rẫy rủi ro hay không. Bạn đang mở rộng lòng mình cho những nỗi đau mới đấy à?
Giai đoạn Nát Tan Mãi Mãi
Một số người sẽ bị khóa chặt với niềm đau. Nếu bạn ở trong giai đoạn này bạn sẽ cảm thấy như bạn sẽ yêu người yêu cũ mãi mãi vậy. Không ai có thể hoàn hảo được như thế. Bạn đã mất đi người bạn tâm giao của mình.
Tôi xin lỗi nhé. Khi mà mọi người nói với tôi cái này, và có một vài người như thế, tôi chỉ có thể tưởng tượng ra chuyện đó đau đớn đến thế nào. Cảm giác bạn không thể kiểm soát được chuyện đó. Tôi muốn nói rằng – tôi biết có thể bạn không tin tôi – không phải bạn không kiểm soát được đâu. Tôi tin rằng, vì lợi ích của ích của chính bạn, bạn sẽ cân nhắc ý kiến này.
Bạn hoàn toàn kiểm soát được chuyện bạn đã hồi phục hay chưa. Bạn có thể nói “Tôi sẵn sàng để cho họ ra đi” và bắt đầu quy trình của việc bước tiếp.
Nhà tâm lý học, Guy Winch có nói, “Nếu người ta làm tan vỡ trái tim bạn, thì người ta và/hoặc mối quan hệ đó đơn giản là không tuyệt vời như bạn nghĩ đâu.”
KHI BẠN ĐÃ SẴN SÀNG, THÌ ĐÂY LÀ 6 BƯỚC ĐỂ HỒI PHỤC NÈ:
Hồi phục từ những nỗi niềm đau lòng thì cũng giống như là chữa lành các vết thương vật lý thôi. Có một vài cách mà khoa học đã chứng minh đó. Đấy là thực tế, giống như những buổi vật lý trị liệu cho trái tim bạn thôi! Một điều quan trọng đó là phải biết cách làm đúng là gì, để tránh làm tổn thương bản thân bạn thêm nữa.
“Một trong những lý do chính để mất nhiều thời gian hồi phục lại từ những nỗi niềm tan vỡ,” Tiến sĩ Guy Winch nói, “đó là mọi người cứ đắm chìm trong những suy nghĩ và thói quen tưởng chừng như rất tự nhiên và thuyết phục nhưng thực tế thì chỉ làm mọi việc tệ hơn mà thôi.”
Khi bạn đã sẵn sàng, đây là 6 bước Tiến sĩ Winch khuyên bạn nên làm:
1. Hiểu những gì đang xảy ra trong bộ não của bạn
Có một số lượng những hoocmon chạy rần rần trong não bộ của bạn khi bạn đắm chìm trong ái tình. Một trong số đó là dopamine. Dopamine giúp chúng ta cảm thấy hưng phấn, cảm thấy tâm trạng thay đổi thất thường, gây ra sự thèm muốn, và là nguồn gốc của những suy nghĩ ám ảnh.
Trong tình yêu, dopamine sẽ luôn đạt đỉnh và khiến cho ta cảm thấy tuyệt vời. Nhưng khi bạn chia tay, và lượng dopamine giảm đi rõ rệt, bạn sẽ bị ám ảnh với việc muốn lấy lại cái cảm giác dễ chịu đó. Đấy là lý do bạn không thể ngừng suy nghĩ về người yêu cũ. Mỗi lần bạn nghĩ về người ta, bạn nhận được một lượng nhỏ dopamine.
Nếu bạn muốn nghe một nhà nghiên cứu nói về chuyện này, Helen Fisher có một bài Ted talk tuyệt vời có tên là Não Bộ Khi Yêu (3)
2. Xóa bỏ những thứ gợi nhớ lại
Cái này bao gồm cả những thứ tồn tại trên mạng xã hội đó. Lén lút theo dõi người ta trên Instagram hoặc giữ lại tất cả ảnh, quà, và tin nhắn từ người yêu cũ thì hấp dẫn thiệt đó nhưng bạn nên hỏi bản thân rằng chuyện đó có ích hay không. GIữ mấy thứ gợi nhớ đó ở quanh mình không phải là một ý hay bạn đang cố gắng để quên đi người ta. CHúng sẽ giữ người ta trong tâm trí bạn và ngăn bạn không bước tiếp được.
3. Tạo một danh sách Không-Hoàn-Hảo-Lắm
Lý tưởng hóa người yêu cũ là một chuyện thường thấy, nhất là khi bạn đã không gặp họ trong một khoảng thời gian rồi. Bạn bắt đầu tin rằng họ thật là hoàn hảo và quên đi những lỗ hổng của họ. Một bước quan trọng trong chuyện bước tiếp đó là đem họ và mối quan hệ xuống khỏi cái bệ thờ đấy đi.
Để đem lại cho bạn cân bằng, Winch khuyên bạn nên lập một danh sách về những thứ mà họ không lý tưởng: những thứ làm bạn khó chịu, những khía cạnh tiêu cực trong tính cách của họ, những khoảng thời gian họ không đối xử tốt với bạn. Đây không phải là bẩn tính; đây là trở nên thực tế – không có mối quan hệ hay người nào hoàn hảo cả.
4. Có một “cú chốt”
Khi người ta bỏ đi thì thường không có lý do. Bạn sẽ cảm thấy như là không có “cú chốt” và điều đó sẽ khiến bạn mắc kẹt. Bạn sẽ tự hỏi bản thân xem đã làm gì sai và quá chú tâm vào lỗi lầm của mình.
Nếu bạn không thế nhận được “cú chốt” từ người yêu cũ, bạn cần phải tự đưa nó cho bản thân. Cứ hỏi đi hỏi lại “tại sao” sẽ chẳng đưa bạn đến đâu cả. Hãy tìm một lý do và đảm bảo rằng đấy là thứ bảo vệ lòng tự trọng của bạn (Bạn đã bị tổn thương rồi, không cần xát thêm muối nữa đâu!)
“Người ta không đủ chín chắn về mặt cảm xúc cho mối quan hệ này.”
“Cách giao tiếp của chúng tôi quá khác nhau. Cô ấy không hiểu về bản chất của tôi.”
5. Hãy lấp đầy những khoảng trống
GIao tiếp với xã hội và đi ra ngoài chơi có thể là lựa chọn cuối cùng trong những thứ bạn thích làm nhưng chính xác đây là những gì bạn cần. Hãy quyết định khoảng thời gian đau buồn hợp lý là như thế nào và khi nó đã kết thúc, hãy đi chơi đi.
Hãy chọn những thú vui bạn từng có, thử một cái gì đó mới, gật đầu với lời rủ đi hốc của bọn bạn, hoặc đi hẹn hò. Kể cả khi bạn chưa thích làm mấy thứ đấy làm, cứ cố gắng đi. Chuyện đó sẽ giúp bạn nhớ lại bạn là một con người độc lập như nào và xây dựng lại sự tự tin của mình.
6. Cắt bỏ hoàn toàn những kết nối về cảm xúc
Đừng cố gắng làm bạn với người yêu cũ. Họ không còn là bạn tâm tình hay người trợ giúp cho bạn nữa đâu. Nếu bạn bắt buộc phải giao tiếp (bởi vì còn những đứa trẻ, ví dụ thế), hãy giữ các cuộc hội thoại ngắn gọn và không có cảm xúc nhiều nhất có thể – chỉ có thông tin thôi.
“Anh sẽ ở với lũ trẻ Chủ Nhật này.”
“San San sẽ đi cắm trại vào tuần tới. Con bé cần đôi giày đang để ở nhà em.”
Nếu bạn có thể, thì không liên lạc gì là tốt nhất. Khoảng thời gian không-liên-lạc là cần thiết để bạn có thể vượt qua người yêu cũ, nhưng mà nó không dễ đâu. Không phải là mãi mãi không liên lạc, nhưng nói ra thì, “làm bạn nhé” sẽ chỉ làm nỗi đau thêm dài mà thôi. Bạn cần một quãng nghỉ cho đến khi bạn hoàn toàn thoát khỏi hình bóng họ và thường sẽ phải mất ít nhất vài tháng đấy.
Những người mà có con thì sẽ cần phải giữ liên lạc cho chuyện chăm sóc nhưng bạn có thể sắp xếp để giữ cho chuyện đó ở mức tối thiểu hoặc nhờ một ai đó đưa đón trong một khoảng thời gian.
TÌm ra bạn đang ở trong giai đoạn nào và sau đó, khi bạn sẵn sàng, hãy làm những bước cần thiết để chữa lành (Bài Ted Talk của Guy Winch cũng rất đáng xem đó) (4)
Bước tiếp chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, nhưng đáng. Cuộc sống sẽ tốt hơn sau những lần đau thương tan vỡ, tin tôi đi!