Lao động nữ di cư “khó chồng khó”, liệu có cơ hội thoát nghèo?
0 giờ đêm, khi ánh đèn đường phủ xuống khu chợ Long Biên (Ba Đình, Hà Nội), tiếng động cơ xe tải ồn ã hòa cùng tiếng kéo lê của những chiếc xe thồ chất đầy hàng hóa. Nhiều lao động nữ cặm cụi dỡ hàng, tiếng gọi nhau í ới vang vọng khắp nơi.
Bà Chu Thị Hà (55 tuổi, quê Hưng Yên) vốn là nông dân nghèo từ quê lên Hà Nội tìm việc. Bà Hà đã làm việc ở chợ Long Biên được 8 năm có lẻ. Dưới cái lạnh như cắt da cắt thịt, bà Hà khéo léo luồn lách giữa những lối đi chật chội, vừa đẩy xe vừa nhìn trước sau để chắc chắn đống hàng trên xe không bị đổ. Đôi bàn tay với không ít vết chai sạn của bà siết chặt lấy tay cầm xe, những khớp ngón tay lộ rõ dưới ánh đèn mờ nhạt. Bà Hà đã gắn bó với từng góc chợ, từng con ngõ quanh khu vực này gần 30 năm nay.
Người phụ nữ quê Hưng Yên chia sẻ: “Không có kỹ năng, tay nghề, tôi chỉ có thể làm những công việc tay chân nặng nhọc, bấp bênh và không ổn định. Mỗi ngày, tôi kéo hàng từ 19 giờ tối hôm trước tới 6 rưỡi sáng hôm sau, khoảng vài chục chuyến, nếu thuận lợi thì được từ 200.000 – 300.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ cần ốm đau phải nghỉ là sẽ bị mất mối quen ngay”.
Vật lộn với những bao tải hàng nặng trĩu, cố gắng kiếm đủ tiền để trang trải cho cả gia đình, nhưng thu nhập lại “phập phù”, khi nhiều, khi ít, lúc lại chẳng đủ trả tiền thuốc men của bản thân. “Những đồng tiền ít ỏi kiếm được chỉ đủ để tôi cầm cự qua ngày. Mỗi đợt giá cả leo thang hay hàng hóa ế ẩm, mối lo cơm áo gạo tiền dường như thêm phần đè nặng đối với tôi”, bà Hà nói.
Khó khăn, chồng chất khó khăn vì giờ chỉ cần ốm nằm một chỗ là cả gia đình bà phải đối mặt với “bẫy nghèo” đang hiện hữu.
Trước thực trạng không ít lao động nữ phải di cư đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống, hiện nay, có nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo tại Việt Nam, tập trung vào việc cung cấp vốn, đào tạo nghề và hỗ trợ phát triển kinh tế.
Tại Hà Nội, việc hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm bền vững cho nhóm lao động nữ di cư luôn được thành phố khuyến khích triển khai. Chẳng hạn, tổ chức Plan International Việt Nam từng phối hợp với UBND huyện Đông Anh thực hiện dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư”.
Kết quả của dự án là hơn 2.000 nữ thanh niên di cư ở huyện Đông Anh đã được cung cấp thông tin, tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập, trong đó có khoảng 800 người được đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Hiện nay, đa số phụ nữ di cư học nghề đã được các doanh nghiệp nhận vào làm việc hoặc tự tạo ra việc làm ổn định.
Không riêng Hà Nôi, nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng xuất hiện các mô hình hỗ trợ nữ nông dân có hoàn cảnh khó khăn tạo việc làm và phát triển sinh kế.
Trong năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tịnh Ấn Tây (Quảng Ngãi) đã ra mắt mô hình kinh tế “Xưởng May gia công” tại hộ gia đình chị Lê Thị Kim Xuân ở chi hội phụ nữ thôn Cộng Hoà 1. Mô hình chuyên hợp đồng may các mặt hàng trang phục nam nữ cho các công ty tại TP.HCM. Mô hình đã giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động nữ, thu nhập bình quân từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Tạo việc làm, nâng cao thu nhập là cách giảm nghèo bền vững cho lao động nữ
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam là 8,5 triệu đồng/tháng. Trong đó lao động nam có thu nhập trung bình đạt 9 triệu đồng/tháng, cao gấp khoảng 1,14 lần so với thu nhập trung bình của lao động nữ (7,9 triệu đồng/tháng).
Nghiên cứu Giới và thị trường lao động ở Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng chỉ ra, phụ nữ dành trung bình 20,2 giờ mỗi tuần để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái, trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này.
Bà Valentina Barcucci – chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam từng nhấn mạnh: “Bất bình đẳng đối với phụ nữ về chất lượng việc làm và phát triển nghề nghiệp cũng bắt nguồn từ trách nhiệm kép mà họ phải gánh vác. Phụ nữ phải dành thời gian làm việc nhà nhiều hơn gấp đôi so với nam giới”.
Đây cũng là lý do vì sao những lao động nữ làm trụ cột gia đình thường dễ rơi vào vòng đói nghèo nhiều hơn nam giới. Là nhóm lao động yếu thế, sức khỏe yếu lại cùng lúc gồng gánh nhiều vai trò trách nhiệm, nên những hộ gia đình có phụ nữ làm chủ hộ là hộ nghèo thường rất khó để thoát nghèo.
Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tổng quát là “tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.
Khẳng định về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ di cư, bà Trần Thị Minh Thi – chuyên gia nghiên cứu về Gia đình và Giới chia sẻ: “Đào tạo nghề phải gắn với tạo việc làm nhằm tăng tính hiệu quả, thiết thực.
Những chính sách cho phụ nữ di cư như vấn đề nhà ở, sử dụng dịch vụ công, sử dụng bảo hiểm y tế khám chữa bệnh,… cũng cần được triển khai một cách cụ thể, thiết thực, phù hợp với tính chất việc làm của nhóm đối tượng này. Cùng với đó, nên mở rộng các khu vui chơi, thể thao, giải trí miễn phí để người lao động có thể tham gia”.