Hầu hết những cây viết dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp mà mình biết, họ đều sẽ có những khoảng thời gian làm hoặc viết những thứ bản thân không thích.
Mình bắt đầu làm Freelance Writer từ năm 3 đại học và cũng nhiều lần làm công việc với tâm thế không thích như vậy.
Đa phần những chủ đề mà các cây viết, trong đó có mình, đều nhắm đến hoặc thích viết về thường nằm ở lĩnh vực như: làm đẹp, giáo dục trẻ em, mẹ và bé, tình yêu – hôn nhân – gia đình, phát triển bản thân,…
Mình đặt tên cho các lĩnh vực này là lĩnh vực “mềm” vì nó không khó để tìm ý tưởng hoặc trải nghiệm thực tế. Còn các lĩnh vực còn lại đều thuộc team “cứng” – những thứ thiên vì kỹ thuật, công nghệ, số liệu,…
Vậy lý do khiến chúng ta vẫn có xu hướng nhận job là gì?
- Nhuận bút/thù lao tốt
- Muốn thử thách bản thân
- Vì đó là một phần công việc bị buộc phải làm hoặc bạn làm việc với một công ty chuyên về các lĩnh vực “cứng”
Theo mình, đây là ba lý do chính khiến một người nào đó nhận job với chủ đề không thích. Bản thân mình đã lần lượt trải nghiệm qua cả 3 lý do đó khi bắt đầu con đường làm Freelance writer.
VẬY LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ LÀM VIỆC NGHIÊM TÚC, HIỆU QUẢ VÀ KIẾM ĐƯỢC TIỀN VỚI CÁC CHỦ ĐỀ ĐÓ?
1. Xác định rõ ràng mục tiêu trong công việc:
Mục tiêu về tài chính: bản thân sẽ kiếm được bao nhiêu khi mình hoàn thành tốt những lô bài viết này? Đây cũng là lý do nhiều lúc mình lười và mệt nhưng nghĩ đến số tiền sẽ kiếm được là sẽ làm ngay.
Mục tiêu về phát triển: có 2 loại phát triển gồm tư duy/kiến thức và kỹ thuật viết bài. Khi bạn làm một thứ gì đó đủ lâu, nó sẽ ăn sâu vào trí não và hình thành nên một thói quen bền vững.
Giống như mình, đã viết S.E.O tổng cộng 5 năm, dù thời gian đầu tiên làm nghề mình cảm thấy công việc này rất nhạt nhẽo và nhàm chán vì nó thiên về kỹ thuật phần nhiều. Nhưng khi nhìn lại chặng đường đã qua, mình phát hiện ra, bản thân đã phát triển và nạp rất nhiều kiến thức có ích – hữu dụng, hỗ trợ mình xây dựng Freelance Business ổn hơn.
Mình cũng từng nhận những bài S.E.O với thù lao không hề cao. Nhưng lúc đó mình là newbie nên chấp nhận và nghĩ rằng người kiểm duyệt bài viết cũng cần đào tạo mình, sửa lỗi bài viết rất nhiều nên xem như là học phí mà bản thân phải bỏ ra để học. (Tất nhiên là chỉ một thời gian thôi, khi mình đã có được thêm kỹ năng, kinh nghiệm thì cũng sẽ tìm job có thù lao khá tốt hơn)
2. Điều chỉnh thái độ và tư duy làm việc:
- Bạn thật sự thích viết không? Nếu có, với chủ đề không thích, bạn sẽ đỡ vất vả hơn trong việc kết nối ngôn từ.
- Đây có phải là công việc mà bạn muốn gắn bó? Ý mình là việc viết. Nếu bạn chưa xác định được viết có phải là công việc bạn theo đuổi cả đời không, thì những giai đoạn làm nội dung không thích này sẽ giúp bạn nhận ra mình có nên tiếp tục làm nghề hay nên đổi hướng.
- Bạn có xu hướng trì hoãn công việc nhiều lần không, và lý do sâu xa thực sự là gì? Khi chúng ta có xu hướng trì hoãn quá nhiều lần dù chỉ là lý do bé xíu nhưng cũng khiến mình có thể đẩy lùi việc luyện viết, hoặc “trả bài” cho khách thì có lẽ viết lách chưa hẳn là con đường nên chọn.
Dù là một người sống chủ yếu bằng cảm xúc nhưng mình đã kịp rèn cho bản thân tư duy lý trí đủ để có thể làm việc mình không thích lắm nhưng ít ra vẫn dũng cảm làm hết và biết rõ mình làm việc đó VÌ MỤC ĐÍCH GÌ.
Tư duy tích cực và Thái độ tốt sẽ không chỉ giúp bạn làm việc tốt hơn, dễ chịu hơn. Mà khi đó, bạn còn có thể được ghi điểm với người làm việc cùng.
Như có lần mình đã kể, lần đầu mình vào team SEO cho tập đoàn lớn mình là đứa lầy lội và bị phàn nàn nhiều nhất team, nhưng sau đó đã trở thành người kiểm duyệt bài cho toàn team. Về sau, chị quản lý team cũng luôn tìm đến mình cho các dự án tiếp theo mà mình không phải mất thời gian bắt đầu tìm job lại.
Chỉ với việc xác định được mục tiêu và thay đổi suy nghĩ, thái độ khi làm việc chúng ta hoàn toàn có thể “nuốt” trôi được các job lĩnh vực không thích. Nhưng, mình nghĩ để đi đường dài hơn và xem viết lách là sự nghiệp, bạn nên cân nhắc đổi hướng, tìm ra lĩnh vực bản thân say mê nhất hoặc có thể tìm ra con đường phát triển ở lĩnh vực bạn chọn.
Chúc cho tất cả các cây viết của chúng ta đều sẽ luôn tiếp tục hành trình viết và phát triển sự nghiệp viết chuyên nghiệp.
Theo: Phương Loan