lam-gi-de-xay-dung-chuoi-lien-ket-khep-kin-rong-bien-gia-tri-cao?

Làm gì để xây dựng chuỗi liên kết khép kín rong biển giá trị cao?

Khép kín chuỗi rong biển giá trị cao

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, tiến tới hiện đại hóa ngành hàng rong biển Việt Nam, ngày 25/10, tại Hà Nội, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững – Hội Thủy sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khép kín chuỗi rong biển giá trị cao”.

Làm gì để xây dựng chuỗi liên kết khép kín rong biển giá trị cao?- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Gia Khiêm

Tại hội thảo, ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho biết, rong biển Việt Nam được phát triển hơn 10 năm trở lại đây. Diện tích rong biển của Việt Nam năm 2023 đạt 16.500 ha, với sản lượng 150.000 tấn. Rong biển được nuôi trồng nhiều ở vùng biển Bắc Bộ, tiếp đến là Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ… Tuy nhiên, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong biển vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi. Cũng bởi vậy, giá rong biển nguyên liệu còn thấp và bấp bênh. Người dân ven biển cũng chưa mặn mà với rong biển.

Làm gì để xây dựng chuỗi liên kết khép kín rong biển giá trị cao?- Ảnh 2.

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Lập, với rong biển, việc hợp tác cần khép kín liên kết chuỗi từ cây giống, vùng trồng, sản xuất, thương mại, tiêu thụ. Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi để chia sẻ giá trị, tạo động lực để người dân sẵn sàng trồng rong. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao – công nghệ chiết để lấy được dưỡng chất quý của rong, cũng như khắc phục điểm yếu về mùi tanh của rong. Hay những nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến rong để làm thuốc, nhựa sinh học, phụ gia thực phẩm.

Làm gì để xây dựng chuỗi liên kết khép kín rong biển giá trị cao?- Ảnh 3.

Các doanh nghiệp và Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại hội thảo. Ảnh: Gia Khiêm

Để xây dựng chuỗi với sản phẩm đầu ra có giá trị gia tăng cao, tại hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết liên kết khép kín chuỗi giá trị rong biển giá trị cao giữa Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững, Công ty TNHH JapiFoods và STP Group, đồng thời ra mắt các sản phẩm rong biển giá trị cao Việt Nam.

Theo đó, Công ty TNHH JapiFoods là đơn vị thu mua các nguyên liệu rong từ các vùng nguyên liệu trồng của người nông dân, hợp tác xã, đơn vị cung ứng nguyên liệu và chế biến thành phẩm các sản phẩm chiết xuất từ rong. 100% diện tích nuôi trồng trong hợp tác sẽ được doanh nghiệp thu mua với giá không thấp hơn giá trị trường. STP Group với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thử nghiệm và phát triển trồng rong, sẽ là đơn vị cung ứng nguồn giống rong và cung cấp nguyên liệu rong cho doanh nghiệp chế biến.

Kỳ vọng nuôi trồng rong biển

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group chia sẻ, doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa rong biển ra miền Bắc. Hiện doanh nghiệp chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho Công ty Long Hải. Qua hợp tác này, công ty mong muốn tìm kiếm các đơn vị như JapiFoods để tạo giá trị cao hơn cho rong biển Việt Nam, đặc biệt là sẽ tăng thu nhập cho người nuôi trồng khi tham gia chuỗi giá trị này. Cùng với đó là từng bước phát triển ngành công nghiệp chế biến rong với sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Làm gì để xây dựng chuỗi liên kết khép kín rong biển giá trị cao?- Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group chia sẻ, qua hợp tác này, công ty mong muốn tìm kiếm các đơn vị như JapiFoods để tạo giá trị cao hơn cho rong biển Việt Nam, đặc biệt là sẽ tăng thu nhập cho người nuôi trồng khi tham gia chuỗi giá trị này. Ảnh: Gia Khiêm

“Trang trại nuôi biển và trải nghiệm STP tại Đảo Phất Cờ, Vân Đồn, Quảng Ninh, là một mô hình điển hình trong việc phát triển tiềm năng rong biển tại Việt Nam. Mô hình này không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế cho người dân mà còn đóng góp vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đảo Phất Cờ được thiên nhiên ưu ái với điều kiện khí hậu và môi trường lý tưởng cho việc phát triển rong biển. Nước biển trong xanh, giàu dinh dưỡng cùng với nhiệt độ ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho các loài rong biển phát triển mạnh mẽ”, bà Bình chia sẻ.

Bà Bình cũng cho hay, trước đây mọi người chỉ nghĩ rằng chỉ nuôi trồng rong được ở các tỉnh miền Trung và miền Nam nhưng chính đơn vị đã thực sự thành công với mô hình phát triển rong biển tại Trang trại nuôi biển và trải nghiệm STP ở Đảo Phất Cờ.

Làm gì để xây dựng chuỗi liên kết khép kín rong biển giá trị cao?- Ảnh 5.

Chủ tịch STP Group tiếp đoàn đại biểu và Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan tại farm STP Group. Ảnh: STP Group

“Giá trị của nông nghiệp đạt chuẩn 5 sao tại Việt Nam đang rất khó nhưng chúng tôi kỳ vọng và mong muốn làm tốt nhất, có giá trị, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương thông qua việc bán rong biển và phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, góp phần cải thiện chất lượng nước biển, giảm phát thải CO2 và duy trì sự đa dạng sinh học. Mô hình phát triển rong biển tại Trang trại nuôi biển và trải nghiệm STP tại Đảo Phất Cờ là một bước đi quan trọng trong việc khai thác tiềm năng rong biển của Việt Nam”, bà Bình nói.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group chia sẻ tại hội thảo. Clip: Gia Khiêm

Bà Bình cũng bộc bạch, vừa qua cơn bão Yagi khiến doanh nghiệp này gần như bị mất trắng và phải quay lại với lồng nuôi trồng rong biển đầu tiên.

“Chúng tôi đã tốn rất nhiều mồ hôi, xương máu, tâm sức và thậm chí cả sự đánh đổi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm chuỗi giá trị thêm giàu mạnh, mang lại giá trị cho xã hội. Với những lợi ích kinh tế và môi trường to lớn, mô hình này không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương mà còn mở ra cơ hội mới cho ngành nuôi trồng thủy sản trong tương lai”, bà Bình khẳng định.

Làm gì để xây dựng chuỗi liên kết khép kín rong biển giá trị cao?- Ảnh 6.

Ông Phạm Quốc Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị STP Group kỳ vọng, 5 năm nữa ngành nuôi trồng rong sẽ rất phát triển. Ảnh: Gia Khiêm

Tiếp lời bà Bình, ông Phạm Quốc Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị STP Group cho hay, sản xuất sản phẩm từ rong biển là tạo ra giá trị nền nông nghiệp bền vững cho bà con, tạo gia giá trị thặng dư.

“Rong biển cũng là mục tiêu mà chúng tôi mong muốn 28 tỉnh ven biển được phủ kín, chắc một thời gian nữa thì rất nhiều người cần đến rong, sẽ giải quyết được. Khoảng tầm 5 năm nữa tôi nghĩ ngành nuôi trồng rong sẽ rất phát triển, nên chúng tôi vẫn kiên trì đi đầu. Tiềm năng bán tín chỉ carbon từ rong biển tại Việt Nam là rất lớn và có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế, môi trường.

Để khai thác tiềm năng này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, đầu tư vào công nghệ và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và sự quan tâm ngày càng tăng đến vấn đề bảo vệ môi trường, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc phát triển ngành công nghiệp tín chỉ carbon từ rong biển”, ông Chính chia sẻ.

Ông Dương Long Trì, Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam đánh giá, nếu tận dụng cơ hội, có định hướng phát triển rõ ràng thì rong biển Việt Nam sẽ có tương lai xa. Nhưng để phát triển hiệu quả và bền vững cần sự vào cuộc của các bên trong chuỗi giá trị.

Ông Trì cũng kỳ vọng, thông qua chương trình “Blue Ocean – Blue Foods”, cũng như sự hợp tác khởi đầu của các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết rong biển, ngư dân vùng biển sẽ có cơ hội chuyển đổi nghề hiệu quả và bền vững.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho hay, chiết xuất rong biển chứa lượng lớn các khoáng chất biển như magiê, canxi, đồng, kali, selenium, kẽm, iốt và sắt, chất béo thấp cũng như các chất chống oxy hoá, chất dinh dưỡng và chất xơ, các vitamin A, B, E và K, các axit béo và các axit amin quan trọng cần thiết cho cơ thể, được sử dụng trong các kem trị mụn, kem chống lão hoá, làm săn da, kháng viêm, làm dịu da nhạy cảm, kích ứng do ảnh hưởng của môi trường.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *