Đã bao giờ bạn nổi giận thậm chí mất bình tĩnh trước hành vi cư xử một cách hết sức thản nhiên và thờ ơ của một người đang mắc lỗi. Thái độ dửng dưng của họ trước việc làm sai trái khiến bạn nổi đóa lên nhưng không thể làm gì. Bạn không thể tiếp tục tranh luận và làm sáng tỏ khi thái độ của đối phương luôn “dĩ hòa vi quý” hoặc kiểu “tôi sai, bạn là nhất”. Dần dần mối quan hệ đó trở nên độc hại và xói mòn nhưng bạn chẳng thể làm gì khác.
Khác với những hành động phá hoại, gây chiến của tính hung hăng chủ động, thái độ của những người có xu hướng “hung hăng thụ động” hoàn toàn ngược lại. Họ không công khai thể hiện sự gây hấn trong giao tiếp. Và đôi khi bạn sẽ có cảm giác như mình bị đẩy vào một trò chơi “cân não” dù bạn không hề đăng ký.
Người có hành vi hung hăng thụ động thường được mô tả là kiểu người “hai mặt”. Họ rất giỏi trong việc kìm nén cảm xúc bất đồng, giận dữ, bức xúc hoặc đau đớn mà không thổ lộ. Ban đầu họ cư xử đồng thuận, nhưng sau đó lại hành xử khác, ngấm ngầm phá hoại, làm tổn thương hoặc có hành vi trả đũa.
Nếu bạn thấy ai đó đang cố tình chọc tức bạn nhưng lại ra thân thiện và điềm tĩnh đôi khi là “khen đểu” thì rất có thể bạn đang đối diện với một người hung hăng thụ động. Tuy nhiên không phải điều ta không muốn thì người khác không làm, dù thế nào đi nữa chúng ta cũng nên trang bị một vài kỹ năng khi đối diện với kiểu người này.
Giữ thái độ tích cực
Người “hung hăng thụ động” thường đẩy bạn đi vào con đường tiêu cực. Tuy nhiên nếu bạn luôn giữ thái độ lạc quan, không mất bình tĩnh hoặc đẩy bản thân “ngang hàng” với họ bằng những hành vi trả đũa, chắc chắn đối phương sẽ không thể “chạm” vào bạn.
Hãy thẳng thắn
Bạn nên nói với người đó một cách trực tiếp với thái độ không gay gắt hoặc kích động. Cố gắng tập trung vào chính bạn thay vì tập trung vào người đó. Bạn hãy bám vào sự thực và đưa ra dẫn chứng.
Cố gắng thấu hiểu
Nếu là nhưng người quan trọng với bạn hãy giúp họ cởi bỏ nút thắt, bởi hành vi hung hăng thụ động thường là một chiến thuật đối phó của những người từng trải qua những trải nghiệm tiêu cực khiến họ có cảm giác yếu đuối và bất lực.
Quyết định có nên giữ lại mối quan hệ này không?
Dựa vào cách phản ứng của người đó khi bạn chất vấn về hành vi hung hăng thụ động của họ, bạn có thể nhận ra liệu có cơ hội để cứu vãn mối quan hệ không, hay người đó có vẻ sẽ không bao giờ thay đổi.
Có ai đã từng gặp phải những trường hợp như vậy chưa ạ?