LÁ THƯ CỨU MẠNG

Ở tuổi mười sáu Chuck Amb đã vào làm nhân viên chất hàng tại một hiệu thuốc nhỏ. Sau mỗi buổi học, trong khi các bạn đá banh và chơi bóng rổ, Chuck miệt mài chất thuốc lên các kệ trong cửa hàng. Bố của Chuck làm lính cứu hỏa tình nguyện. Rồi một tối định mệnh kia, ông đã không bao giờ trở về nhà nữa. Năm đó, ông 53 tuổi.

35 năm sau, Rite-Aid Pharmacy, công ty dược phẩm nhỏ nơi Chuck làm việc ngày nào, đã trở thành một trong những chuỗi hiệu thuốc lớn nhất nước Mỹ và Chuck cũng trưởng thành cùng với sự phát triển của công ty. Trải qua gần như mọi công việc, từ sắp xếp hàng, lau sàn, thu ngân, chùi nhà vệ sinh, đổ rác, Chuck đã thăng tiến lên chức phó chủ tịch phụ trách khu vực East Coast với hơn 200 hiệu thuốc cùng vài ngàn nhân viên.

Mỗi khi xuống thăm hiệu thuốc nào, Chuck đều ân cần thăm hỏi từng nhân viên. Chăm chỉ, tận tâm, anh lãnh đạo mọi người bằng cách làm gương.

Một hôm, Chuck nhờ tôi viết một lá thư gửi lên tổng hành dinh của công ty. Nhiều năm trước Chuck và tôi làm việc chung với nhau, nhưng giờ đây tôi đã rời công ty còn Chuck hiện tại là chồng tôi.

Tôi bảo Chuck rằng mình chẳng biết tí gì về viết thư giao dịch công việc, bởi xét cho cùng, nghề của tôi đâu phải là thư ký. Chuck nói anh không cần thư giao dịch, anh muốn tôi viết câu chuyện cuộc đời của Donna.

Chuyện này thì không thành vấn đề vì tôi vẫn làm bạn với Donna sau khi nghỉ việc. Tôi và Donna từng chia ngọt sẻ bùi suốt nhiều năm. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường chơi trò “Ai xui hơn” – một trò chơi như con nít vậy. Lúc nào Donna cũng khăng khăng cho rằng tôi xui hơn còn tôi thì bảo Donna là điên quá.

Tôi mắc chứng đa xơ cứng, Donna bị ung thư. Chúng tôi hay bất đồng quan điểm nhưng lại luôn cụng ly mừng nhau, mừng hai phụ nữ mới ba mươi tuổi đã đầy bệnh tật, đang cố bám víu cuộc sống với tất cả sức lực và tình bạn dành cho nhau.

Gần đây, hai chúng tôi không quan tâm đến số calorie hay lượng chất béo trong thức ăn nữa. Sức khoẻ của Donna mới là vấn đề cấp bách hơn chuyện liệu ngày mai cô còn mặc vừa quần áo hay không. Tôi có nhiệm vụ tìm cách làm Donna vui cười và lắng nghe cô, thường là vào những lúc cô kỳ kèo cuộc sống với thượng đế. “Mình chỉ muốn kịp thấy Kendall học xong lớp tám thôi,” Donna nghẹn ngào. “Có phải vậy là mình cầu xin quá nhiều không Beth?”

Chứng ung thư xuất hiện lần đầu cách đây năm năm. Trong lúc nhìn Kendall, đứa con gái tám tuổi của cô, vui đùa qua cửa sổ, Donna tình cờ phát hiện một khối u cứng cỡ hạt đậu ở vùng ngực. Donna bắt đầu thấy lo. Nếu là trước đây, có lẽ Donna sẽ bỏ qua chuyện này. Nhưng bây giờ cô đã làm mẹ, mọi chuyện đều đổi khác.

Nhiều lần đi bác sĩ khám bệnh và các kết quả xét nghiệm đều khẳng định cô bị ung thư vú. Donna phải chịu giải phẫu cắt bỏ ngực khi mới 38 tuổi. Năm năm sau, ung thư tái phát và bắt đầu tấn công nhiều nơi khác trên người Donna. Đầu tiên, các khối u di căn xuống chân. Donna phải chịu thêm hoá trị và các liệu pháp mệt mỏi khác. Cô bị rụng hết tóc và phải đội nón khi đi làm trở lại. Lúc ngồi ăn pizza với nhau, hai chúng tôi đều nhất trí là trông Donna khá ngộ nghĩnh khi không có lông mi nhưng khỏi phải cạo lông chân nữa thì đúng là phần thưởng trời ban.

Và rồi chúng tôi nâng cốc uống mừng nhau. Các khối u nhanh chóng lan khắp hai chân và hông. Donna vật vã với những cơn đau khủng khiếp. Cô lại phải nhập viện, lần này là để ghép các ống thép vào chân vì các bác sĩ sợ rằng nếu không, xương chân của cô sẽ vỡ vụn.

Vào thời điểm đó, Donna là cửa hàng trưởng một hiệu thuốc và đã làm việc hơn 20 năm cho công ty. Cô đã sử dụng hết số ngày nghỉ bệnh và nghỉ lễ. Cô cũng đã tiêu hết khoản trợ cấp bệnh tật ngắn hạn của chính phủ trong lần đầu tiên đánh vật với căn bệnh. Cần tiền, Donna chẳng có chọn lựa nào khác ngoài việc đi làm trở lại ngay khi vết mổ ở chân vừa lành.

Căn bệnh chẳng những tàn phá sức khoẻ mà còn cả khoản tiết kiệm của cô nữa. Tuy nhiên, chứng ung thư vẫn bám theo Donna khi cô đi làm lại. Donna tỏ ra cứng cỏi nhưng ý chí đang giảm sút. Luôn đau đớn, cô phải uống thuốc giảm đau như ăn kẹo sô-cô-la M&M để có thể tiếp tục làm việc. Bác sĩ đã phải dùng đến Oxyconton, thuốc giảm đau cực mạnh dành cho bệnh nhân ung thư, thế nhưng tác dụng phụ của một loại thuốc giảm đau mạnh như thế lại khiến cho Donna không thể làm việc được. Chính điều này thúc đẩy Chuck viết bức thư.

Trong lần thăm hiệu thuốc do Donna quản lý, anh thấy cô rất yếu và đau đớn. Hai mươi năm trước, chính Chuck đã phỏng vấn và tuyển cô vào làm việc. Giờ đây nhìn cô chịu đau đớn như vậy, anh thấy tim mình thắt lại.

Chuck thở dài, “Donna sẽ chết nếu chúng ta không để cô ấy ở nhà chữa bệnh. Cô ấy không thể tiếp tục làm việc được nữa.” Tôi nói trong nước mắt, “Phải có ai đó làm gì đi chứ! Chẳng lẽ công ty không thể coi đây là trường hợp ngoại lệ và trả viện phí cho cô ấy hay sao?” “Ta không thể làm như thế được, vì sẽ phạm luật. Nhưng hãy cứ tin anh, Beth ạ! Anh đang vạch ra một kế hoạch. Em cứ viết thư giúp anh đi, với tư cách là một người bạn của Donna viết về cô ấy.”

Thế là tôi viết. Tôi trải lòng mình ra, bày tỏ với một tổ chức lớn. Tôi nài xin giúp đỡ, xin họ làm ơn làm chuyện gì đó. Tôi đứng vào vị trí đứa con gái tám tuổi của Donna để kêu gọi trợ giúp. Tôi bảo, dĩ nhiên, mọi người có thể cứ để mặc Donna chết. Tôi biết cách làm người khác cảm thấy tội lỗi, tôi không có gì để ngượng khi làm như vậy. Tôi cầu xin, thuyết phục, ca tụng, đe doạ để họ đưa tay ra với nhân viên đã làm việc cho họ 20 năm, giờ đang thập tử nhất sinh.

Rồi tôi trao lá thư cho Chuck.

Tuần kế tiếp, Chuck nhờ phòng tư pháp và nhân sự xem xét kế hoạch của anh. Họ xác nhận bản kế hoạch hoàn toàn hợp pháp. Vậy là công ty đã bật đèn xanh cho Chuck tiếp tục. Chuck chỉnh sửa rồi email bức thư tôi đã viết đến tất cả cửa hàng trưởng các hiệu thuốc trong khu vực anh quản lý. Anh đặt tên cho chương trình hành động này là “Giúp Donna được ở nhà”.

Tôn trọng quyền riêng của Donna, Chuck đã không sử dụng đầy đủ họ tên của cô. Anh chỉ thông báo với các cửa hàng trưởng khác rằng một đồng nghiệp của họ bị ung thư và đang cần ngày nghỉ phép cũng như tiền để chữa bệnh. Mục tiêu mà anh nhằm đến là quyên góp số ngày nghỉ phép Donna cần để cô có thể nghỉ mà vẫn hưởng lương. Việc quyên góp là hoàn toàn tự nguyện vô danh. Mọi người có thể chỉ góp một giờ nghỉ phép có lương thôi cũng được. Chuck cần tới 1800 giờ như thế.

Tin tức lan nhanh. Cũng có người đoán ra Donna là ai nhưng phần đông thì không biết. Hàng trăm thư điện tử tới tấp, làm nghẹt luôn máy tính của Chuck. Các cửa hàng trưởng gửi tình yêu thương và hy vọng đến người phụ nữ bất hạnh họ không hề biết mặt.

Việc quyên góp nhanh hơn Chuck nghĩ. Một số cửa hàng trưởng còn tặng nguyên tuần nghỉ phép mà họ đã làm việc lâu năm và nghiêm túc mới được hưởng. Còn các nhân viên thu ngân thì tặng vài ba ngày lưong. Tất cả những người tham gia quyên góp đều có thư riêng gửi cho Donna bị ung thư. Hầu hết đều viết sẵn lòng tặng thêm tiền lương của kỳ nghỉ phép nếu cần thiết.

Chỉ trong vài tuần, tin về Donna đã lan tới khu vực New York của công ty. Thế là nhân viên trong khu vực này cũng muốn góp phần giúp đỡ Donna. Chuck cảm ơn nhưng cho biết họ không cần phải làm thế.

Đến cuối tuần lễ tiếp đó, Chuck đã đạt được gấp đôi mục tiêu kiếm một năm nghỉ có lương cho Donna. Nhân viên trong khu vực Chuck quản lý đã đóng góp tặng đủ tiền và thời gian để Donna nghỉ chữa trị suốt hai năm.

Tuần đó, Chuck hẹn Donna ăn trưa. Anh muốn đích thân báo tin cho cô. Trước tiên, Donna hết sức bàng hoàng rồi liền sau đó nước mắt tuôn rơi trên má cô. Chuck đưa Donna xem những bức thư điện tử từ những người cô không hề quen biết. Donna không ngờ lại có quá nhiều người giúp cô đến thế và cấp trên của mình lại làm cho cô một điều khó tin đến vậy. Cô thốt lên thành lời tự hỏi không biết làm sao để cảm ơn Chuck và tất cả những người tốt bụng tuyệt vời ấy. Một công ty bỗng nhiên không còn là một thực thể vô hình nữa mà đã trở thành một cộng đồng người có hình dạng, tên tuổi, tấm lòng biết chia sẻ tình thương và thời gian cho nhau.

Chuck cười và nói, “Phải có ai đó làm điều gì chứ. Chị cần phải thấy con mình khôn lớn. Mà tôi cũng cần chị khỏe mạnh để quản lý hiệu thuốc tốt nhất của công ty nữa. Hãy khoẻ lại để đi làm. Đó là cách cảm ơn mọi người hay nhất đấy.”

Trong hai năm ở nhà trị bệnh, ung thư đã di căn lên não Donna. Ngày nhận được tin này, cô gọi điện cho tôi. “Mình thắng rồi,” Donna nói qua điện thoại. Tôi thoạt bối rối. “Đầu mình có khối u. Vậy là mình đã thắng cuộc thi ‘Ai xui hơn’ rồi.” Tôi lặng người. “Bồ còn ở đó không vậy, Beth?” Phải mất một lúc tôi mới lấy lại được bình tĩnh đề tiếp tục nói chuyện.

Nhưng Donna đã nói đúng. Cô đã chiến thắng. Trong hai năm đó, cô trải qua các cuộc giải phẫu não, xạ trị, hoá trị. Rồi chứng ung thư bắt đầu thuyên giảm.

Bác sĩ bắt đầu tin Donna đã thắng trong cuộc chiến với bệnh tật. Khi tôi báo tin này cho Chuck, anh đã khóc. Donna cũng đã trở lại làm quản lý hiệu thuốc. Ngày đầu tiên Donna đi làm trở lại, Chuck gửi thư báo cho mọi người trong khu vực rằng Donna đã khoẻ và trở về với công việc, đồng thời một lần nữa tri ân sự giúp đỡ của họ. Thế là, hàng trăm thư điện tử lại đổ vào, làm nghẽn máy tính của Chuck. Mọi người đều nói mình may mắn được giúp Donna và cảm ơn Chuck đã cho họ có cơ hội làm điều đó.

Hiện này, Donna vẫn khoẻ, không ung thư và làm việc chăm chỉ. Tôi nói với Chuck, chồng tôi, rằng tôi tự hào về anh biết bao. Và chắc chắn cha anh, người lính cứu hoả đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ năm xưa, cũng sẽ tự hào về anh. Cũng như cha, anh đã bước lên trước, hành động để lôi cuốn người khác làm theo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *