Câu trả lời của Pedro Medario, sống ở Madrid, Tây Ban Nha
———————————-
Có một điều kì lạ mà có lẽ ít người biết đó là quốc kì Tây Ban Nha lại là một đề tài khá gây chia rẽ ở Tây Ban Nha. Có điều này mà người ngoài các bạn cần biết về đất nước chúng tôi. Tây Ban Nha chưa bao giờ là một quốc gia thống nhất. Nhìn kĩ vào cái quốc huy này:
Ta có thể thấy nhiều yếu tố:
- Vương miện, bản thân nó cũng gây tranh cãi, nhưng từ từ ta sẽ vòng lại sau.
- Hai cái cột chống trời của Hercules và dải ruy băng mang dòng chữ Plus Ultra, chúng nằm đó vì lí do lịch sử và theo tôi biết thì không có ai phàn nàn gì về chúng.
- Dấu chấm xanh ở giữa tượng trưng cho nhà Bourbon (cái này tí nữa ta cũng sẽ giải quyết sau).
- Góc phần tư đầu tiên, màu đỏ với tòa lâu đài vàng, tượng trưng cho vùng Castilla, nơi khởi nguồn của tiếng Tây Ban Nha (tên gọi khác là tiếng Castilla). Vùng này nằm ở khoảng Trung Bắc Bộ của bán đảo Iberia.
- Góc phần tư thứ hai, có con sư tử hồng trên nền trắng (“bạc”), tượng trưng cho vùng León ở phía Tây.
- Góc phần tư thứ ba, với các sọc đỏ và vàng, tượng trưng cho Vương triều Aragon cũ, gồm các vùng Aragón, Catalonia, Valencia và quần đảo Balearic ngày nay.
- Góc phần tư thứ tư, các sợi xích trên nền đỏ, tượng trưng cho vùng Navarre và, ở một chừng mực nào đó, xứ Basque.
- Bông hoa ở dưới cùng, thật ra là một trái lựu, tượng trưng cho Granada, vương quốc Hồi giáo cuối cùng ở phía Nam.
Tất cả những vùng đất này đều từng một thời là các vương quốc độc lập với ngôn ngữ và luật lệ riêng. Về cơ bản các chúng được thống nhất thông qua hôn phối giữa các vương tộc hoặc trực tiếp thông qua chinh phạt (Bồ Đào Nha bằng cách nào đó lại không bị lôi kéo vào), và Castilla, vương quốc hùng mạnh nhất, trở thành, nói sao nhỉ, lãnh đạo, nhưng tất cả các vương quốc đều gìn giữ văn hóa của riêng mình. Đó cũng là lí do chính mà đến tận bây giờ vẫn còn các phong trào dân tộc mạnh mẽ tại các khu vực như Catalonia hoặc xứ Basque (và cả ở Galicia và các vùng khác nữa, nhưng yếu hơn). Những vùng này mặc dù về lịch sử và pháp lí đều thuộc về Tây Ban Nha nhưng lại không hề chấp nhận lá cờ Tây Ban Nha mà vẫn dùng lá cờ riêng của mình.
Đây là lá cờ senyera của Catalonia. Ai ở Catalonia cũng có thể dùng nó bất kể ý thức hệ. Bạn có thể đã từng thấy qua phiên bản với một hình tam giác đỏ, vàng, hoặc (thường thấy hơn) xanh ở bên trái với một ngôi sao ở bên trong; phiên bản đó được gọi là estelada và những người dùng nó là những người đòi độc lập cho Catalonia.
Còn đây là lá cờ ikurriña của xứ Basque, khá rõ ràng là nó chịu ảnh hưởng từ cờ Liên hiệp Anh.
Ngay cả những người đòi độc lập cho Galicia, dù ít nhưng vẫn đáng kể, cũng có lá cờ của riêng họ gọi là estreleira. Lá cờ vùng “Tiêu chuẩn” của Galicia cũng tương tự như vậy nhưng không có ngôi sao.
Bây giờ hãy cùng quay lại vụ chiếc vương miện và dòng họ Bourbon. Như bạn đã biết, Tây Ban Nha hiện nay là một vương quốc với quốc vương là Felipe VI của nhà Bourbon có nguồn gốc từ Pháp. Nhưng ngày xưa không phải lúc nào cũng vậy.
Chúng tôi từng có hai nền cộng hòa, đều được lập ra sau khi lật đổ nhà Bourbon. Lần đầu tiên là vào năm 1863 và lá cờ lúc đó vẫn với hai màu đỏ vàng huyền thoại như mọi khi, nhưng không có quốc huy. Nền Đệ nhất Cộng hòa Tây Ban Nha này chỉ tồn tại được một năm: giai đoạn đó khá hỗn loạn và đột ngột kết thúc với một cuộc phản cách mạng lập lại chế độ quân chủ sẽ tồn tại mãi cho đến năm 1931. Vào thời điểm đó, do tình trạng bất ổn ngày càng tăng, Alfonso XIII cũng bị lật đổ và nền Đệ nhị Cộng hòa được thiết lập. Đi kèm với nó là một lá cờ hoàn toàn mới, kết hợp màu đỏ và vàng truyền thống và một dải màu tím. Bởi vì, tại sao không?
Ngay trước thềm thế chiến thứ hai, nền Cộng hòa Tây Ban Nha, vốn nằm dưới sự lãnh đạo của các đảng cánh tả (kể đảng cộng sản) trong phần lớn thời gian tồn tại của mình, hứng chịu một cuộc đảo chính do Franco cầm đầu và tiếp theo là một cuộc chiến tranh kéo dài ba năm, sau đó những người ủng hộ Franco giành chiến thắng và thiết lập một chế độ phát xít, cực đoan công giáo cầm quyền suốt gần 40 năm. Hành động đầu tiên của họ là khôi phục lá cờ đỏ-vàng truyền thống, chỉnh sửa quốc huy một chút (cơ bản là thêm một con đại bàng):
Franco đích thân chỉ định Juan Carlos, người thừa kế của dòng họ Bourbon, làm người kế vị mình. Trong thời gian ông cai trị, lá cờ quân chủ cũ, cũng màu sắc đó nhưng khác quốc huy, được khôi lục, và đó chính là lá cờ mà ngày nay chúng tôi đang dùng dưới triều của con trai ông, Felipe.
Nhưng vì mối liên hệ giữa những màu sắc này với chế độ cánh hữu cực đoan của Franco, cũng như việc các đảng phái cánh hữu (một số do chính các chính trị gia có máu mặt dưới thời Franco như Manuel Fraga thành lập) đến nay vẫn đang sử dụng rộng rãi lá cờ này, ở Tây Ban Nha ngày nay, quốc kì Tây Ban Nha thay vì là một biểu tượng đại diện cho tất cả chúng tôi, lại chủ yếu bị liên tưởng đến các ý thức hệ hữu khuynh hoặc bảo hoàng. Nếu bạn là một người cánh tả hoặc thậm chí là một người cánh hữu ôn hòa, sẽ khó có chuyện bạn dùng lá cờ này. Và ngoài ra cũng sẽ cực kì khó có chuyện bạn dùng nó nếu bạn là người Catalan hoặc xứ Basque và mong muốn xứ sở của mình được độc lập.
Điều này đồng nghĩa với việc khoảng một nửa dân số Tây Ban Nha không hề thích lá quốc kì một chút nào và sẽ tránh nó bằng mọi giá, trong khi nửa còn lại sẽ thể hiện lòng tự hào thái quá và có phần đáng sợ đối với nó và sẽ trưng nó khắp nơi. Chẳng hạn, nếu một đảng cánh hữu giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương ở bất kì thị trấn nào, họ sẽ ngay lập tức chi ra một khoảng tiền lớn để dựng lên những cây cột khổng lồ để treo những lá cờ đỏ-vàng to quá mức, còn phe cánh tả sẽ gỡ bỏ chúng ngay khi giành lại quyền kiểm soát.
Guiris mấy người hẳn là chưa bao giờ nghe tới vấn đề này của chúng tôi phải không?
Theo: https://www.facebook.com/notes/qrvn/lá-quốc-kì-nào-gây-tranh-cãi-nhất/265772481136547/