LÀ NGƯỜI NHẠY CẢM CÓ MỆT KHÔNG?

“Là người nhạy cảm có mệt không?” – Đó là tiêu đề của một video dài chỉ hơn 2 phút trên facebook nhưng thu về tới gần 2 triệu lượt xem và gần 200 nghìn lượt reacts.

Theo tiến sĩ Elaine Aron – tác giả cuốn “Người nhạy cảm, món quà hay lời nguyền”, tỷ lệ người nhạy cảm chiếm khoảng từ 15%-20% dân số. Nhưng mình tin rằng phải tới 80-90% những người xem video kia đều phần nào thấy mình trong đó.

Mình tự hỏi từ lúc nào mà chúng ta – thế hệ trẻ, lại trở thành “thế hệ nhạy cảm”?

Ta đang sống trong thế giới mà công nghệ là một phần thiết yếu của cuộc sống. Internet xuất hiện giúp con người đến gần nhau hơn nhưng lại khiến ta xa cách với chính mình. Việc liên tục nhìn thấy quá nhiều sự hoàn hảo và hào nhoáng khiến ta cảm thấy nhỏ bé và tự ti. Ta trở nên “nhạy cảm” bởi sự “nhạy” bén với cuộc sống ngoài kia khiến ta mặc “cảm” về bản thân. Mạng xã hội khiến ta trở nên mong manh và dễ vụn vỡ.

Ngày nay Gen Z được biết đến là thế hệ của sự bùng nổ, sáng tạo, là thế hệ dẫn đầu và làm chủ công nghệ. Nhưng Gen Z cũng được xem là thế hệ hoa tuyết, thế hệ của sự nhạy cảm, của sự áp lực với tỷ lệ gặp vấn đề về tâm lý ngày một cao. Họ là những người trẻ dám nghĩ dám làm, dám nói lên tiếng nói của bản thân nhưng đôi khi lại sợ nói lên chính mình. Người nhạy cảm sợ bị người khác hiểu nhầm nhưng họ thà để vậy còn hơn là bị hiểu đúng. Nỗi sợ thể hiện con người thật là thứ đáng sợ hơn cả.

Trong bài phát biểu của nhóm nhạc BTS tại Liên hợp Quốc vào năm nay, mình rất thích một ý mà họ nhắc tới rằng “Thay vì nói rằng họ đã lạc lối, chúng ta nên công nhận những người trẻ này đang thu thập can đảm để dũng cảm đón nhận những thử thách mới. Tôi nghĩ đó là lý do thay vì nói đó là Thế hệ lạc lối thì một cái tên thích hợp hơn là Thế hệ chào mừng”.

Thay vì là thế hệ nhạy cảm, một cái tên thích hợp hơn có thể là thế hệ thấu cảm, thay vì là thế hệ áp lực thì chúng ta cũng có thể là thế hệ nội lực. Và nếu chưa thể là những người trẻ tài năng thì chúng ta vẫn có thể là những người trẻ tiềm năng.

Mọi thứ đều có hai mặt và sự nhạy cảm cũng vậy. Người nhạy cảm vẫn luôn là những người nhạy bén với cảm xúc của người khác. “Thế hệ nhạy cảm” có thể mang trong mình những nỗi lo vô hình, nhưng đó cũng là lý do họ để kết nối với chính mình. Và để từ đó xây dựng kết nối sâu sắc với mọi người xung quanh.

“Nhạy cảm” có thể là một đặc điểm tính cách nhưng đôi khi đó là hành trình ta phải đi qua. Ta cần học cách tổn thương, học cách vụn vỡ, bởi những vết nứt là con đường duy nhất để ánh sáng bước vào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *