Món ăn đặc sản ở Hà Nội: Nước dùng trắng đục như sữa được làm từ cá nguyên bản, không pha trộn
Trên con đường dẫn vào làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), du khách và người dân địa phương không khỏi tò mò khi thấy tấm biển hiệu ghi dòng chữ “Bún cá sữa” khác biệt với những món bún thông thường của thủ đô. Tọa lạc tại vị trí “đắc địa” ngay mặt đường lớn, sát làng lụa nổi tiếng vốn là điểm du lịch “hút khách”, quán bún cá sữa được nhiều thực khách ghé vào thưởng thức dù chỉ mới mở được 3 tháng.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Nguyễn Văn Thức (38 tuổi, Chủ quán) cho biết: “Tôi mở bán món bún cá sữa, bánh đa sữa đã được hơn 1 năm nay, chuyển về cơ sở mới này 3 tháng trước. Món bún cá sữa đặc biệt chưa ở đâu có vì tôi tự sáng tạo ra, tự chế biến và thấy hợp khẩu vị thì mới mở phục vụ cho khách hàng. Trước đây tôi từng làm bếp ở Trung Quốc, biết đến món canh cá hầm nên đã nảy ra ý tưởng chế biến thành món bún phở của Việt Nam cho phù hợp hơn.
Nước dùng làm hoàn toàn từ cá sữa, nó là cá sông, cá hồ từ trên Thái Nguyên, khác với cá nuôi. Tôi ninh cá trong vòng 12 tiếng đồng hồ để nhừ ra và có màu trắng như vậy chứ không phải cho sữa vào. Nhiều khách hàng lần đầu nhìn thấy bát bún cá được bê ra cứ tưởng tôi cho sữa.”
Sau khi có được những mẻ cá tươi rói, anh Thức sơ chế sạch sẽ, cho cá vào nồi và ninh 12 tiếng để cá nhừ xương. Khi cá nhừ thành bột, anh lọc phần thịt và phần cốt chính, bỏ phần xương to rồi nêm nếm gia vị. Mỗi tô bún cá sữa bao gồm cá rán, cá rim, chả cá và nước dùng, ăn cùng rau ngót và rau cải. Toàn bộ các khâu được anh Thức cùng nhân viên làm thủ công, chuẩn bị từ 5 giờ sáng để kịp phục vụ thực khách.
Cá rô đầu vuông được làm sạch và tẩm ướp, sau đó đem rim khoảng 1 tiếng. Cá rô để chiên giòn là loại cá từ 1,6 – 2kg, còn chả cá có sụn được cắt nhỏ thành từng viên tròn khi đã chiên xong. Tất cả “dung hòa” tạo nên một bát bún cá sữa mang hương vị béo ngậy, thơm nức và không có mùi tanh của cá.
Lần đầu thưởng thức tô bún cá sữa đặc biệt giữa lòng Hà Nội, chị Nguyễn Ngọc Thảo (24 tuổi, Long Biên) cho biết rất bất ngờ bởi chưa từng ăn một món bún nào có nước dùng như vậy. “Khi chưa thưởng thức thì tôi cứ nghĩ người ta dùng sữa cho vào nước dùng thật, nhưng tôi vẫn tò mò muốn thử xem thế nào.
Ấn tượng đầu tiên khi bát bún được mang ra bàn là topping rất đầy đặn, vừa có cá chiên, cá rim mà thêm chả cá nữa. Nước dùng trắng đục như sữa nhưng không hề đặc, không có vị sữa như tôi tưởng. Đó là nước ninh từ loại cá đặc biệt”, chị Thảo gắp những sợi bún ngập trong nước dùng trắng đục lên “xuýt xoa” thưởng thức.
Món ăn đặc sản ở Hà Nội: Bán 1.200 suất/ngày, bún cá sữa độc lạ khiến thực khách phải xếp hàng đợi chỗ, nhân viên phục vụ “luôn tay luôn chân”
Dù không gian rộng rãi có thể chứa tới 200 khách cùng 1 lúc vào những giờ cao điểm, song có những ngày cuối tuần, lượng khách tăng ồ ạt khiến nhiều thực khách phải xếp hàng để được thưởng thức hương vị đặc biệt từ món bún cá sữa “chưa từng có” này. Gần 10 nhân viên tất bật các công đoạn, mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ tạo thành “dây chuyền sản xuất” bài bản để kịp phục vụ đến từng thực khách.
Theo anh Thức, ngày vắng khách nhất quán bán được 700 suất, ngày cao điểm sẽ lên đến 1.200 suất. Trước đây khi còn bán trong ngõ nhỏ, vào thời điểm sau Tết, số lượng bún cá sữa bán ra lên đến gần 2.000 suất bởi nhu cầu “giải ngấy, thanh nhiệt” tăng cao.
“Ở đây là cổng làng Vạn Phúc, cổng làng lụa nên có rất nhiều khách du lịch và khách quốc tế. Khi tham quan làng lụa xong, họ ghé vào quán và nói rằng đây là món ăn độc đáo chưa từng có ở nơi nào khác nên họ muốn thử. Cũng có khách xem trên nền tảng xã hội, khi đến Hà Nội công tác hay du lịch họ ghé vào ăn. Còn khách quen thì họ ăn sáng ở đây cả tuần. Khi khách hàng ăn xong, nhìn thấy bát bún hết sạch thì tôi vui lắm, vì lúc đó tôi biết họ cảm thấy ngon miệng”, anh Thức cho biết.
Sau lần thưởng thức đầu tiên, đều đặn 3-4 lần/tuần, anh Phạm Đức Cường (Kim Giang, Hà Nội) lại phóng xe máy 13km đến Hà Đông để ăn bún cá sữa.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Cường cho hay: “Tôi đi làm qua đường này thì tôi thấy biển ghi bún cá sữa. Lúc đầu tôi tò mò lắm, không biết sữa là gì, sao lại kết hợp với bún. Sau khi ăn thì mới biết sữa là nước dùng ninh từ cá, rất mộc và rất thật, không phải từ xương thịt heo. Tôi thích vì cá nguyên bản, không pha trộn gì cả. Vị cá rất thanh, bình vị. Thường tôi rất sợ bún cá sẽ có mùi hành, mùi tỏi và mùi tanh của cá. Nhưng bún cá sữa ở đây thì không, cho nên tôi ăn buổi sáng lúc đi làm cũng được, buổi trưa ăn cũng được, hợp khẩu vị của tôi. Tôi đi khoảng 13 cây đến đây, dù có hơi xa nhưng đã “nghiền” rồi thì khó bỏ lắm.”
Để phục vụ thực khách dịp Tết Nguyên đán năm nay, anh Thức cho biết sẽ mở bán xuyên Tết, trừ sáng ngày mùng 1. Dự định sắp tới với số lượng khách đông và đều, anh sẽ mở thêm cơ sở mới tại Linh Đàm, quận Hoàng Mai với không gian rộng rãi để tránh tình trạng khách xếp hàng đợi quá lâu, đồng thời mong muốn lan tỏa hương vị độc bản của bún cá sữa đến nhiều khách hàng trên địa bàn thủ đô.