Theo sử sách, Dương Thị Ngọc Hoan là người làng Long Phúc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Đến tuổi cập kê, bà được chị gái Ngọc Thịnh – ái phi của Chúa Trịnh Doanh đưa vào làm cung tần của Trịnh Sâm. Trịnh Sâm lúc bấy giờ vốn đã không ưa chị gái của bà nên không ưa cả người làng Long Phúc; lại thêm Ngọc Hoan kém sắc, không được học hành gì, Trịnh Sâm càng không thèm đoái hoài tới.
Tương truyền rằng bà Ngọc Hoan nằm mơ nhận được một tấm đoạn có vẽ đầu rồng, tin vào giấc mơ đó nên liền mua chuộc Khê Trung hầu, viên hoạn quan trung đường được Chúa tin cẩn, kẻ được sai gọi phi tần, cung nữ hầu Chúa mỗi tối. Hôm đó, Chúa cho vời Chính phi Hoàng Thị Ngọc Khoan vào hầu, Khê Trung hầu cố ý giả nghe lầm, đưa ngay Ngọc Hoan đến. Thấy bà, Chúa không bằng lòng nhưng không nỡ đuổi ra.
Hôm sau, Chúa cho vời Khê Trung hầu vào trách mắng. Khê Trung hầu cúi đầu tạ tội và kể rõ đầu đuôi câu chuyện cho Chúa nghe. Chúa Trịnh Sâm im lặng, không nói gì cả. Sau đêm ấy, Ngọc Hoan có thai và sinh ra Trịnh Khải (hay tên khác là Trịnh Tông) vào năm 1763.
Khi biết Ngọc Hoan mang thai, Trịnh Sâm đã tỏ ra thờ ơ, đến khi Ngọc Hoan sinh con chúa cũng chẳng màng quan tâm đến. Ngay cả việc đặt tên cho cậu bé, chúa cũng lưng chừng. Ân vương Trịnh Doanh phải giục, chúa cũng khất lần.
Dù đã sinh công tử cho Trịnh Sâm, nhưng địa vị của Dương Thị Ngọc Hoan cũng không khá hơn trước. Thậm chí, con trai của bà còn bị hắt hủi dù dung mạo rất khôi ngô, tuấn tú. Chúa nghĩ: Đầu rồng tuy có khí tượng làm vua, chúa nhưng là rồng vẽ, không phải rồng thật, mà lại chỉ có đầu, không có đuôi, chưa hẳn là điềm tốt. Vì vậy, chúa không vui lòng, lấy cớ không phải chính cung sinh ra nên không nhận lời mừng của viên quan trong triều.
Trong cùng thời gian đó, Tuyên phi Đặng Thị Huệ được chúa hết lòng thương yêu, đã sinh được con trai là Trịnh Cán vào năm 1777. Vì thế lực của Tuyên phi rất lớn nên không ít triều thần ngả theo. Tuyên phi muốn tranh ngôi thế tử cho con trai, khiến nội bộ triều đình chia rẽ, một bên là theo Trịnh Cán, bên kia là theo Trịnh Khải.
Tháng 8 năm Canh Tý (1780), trong cung xuất hiện tin đồn Chúa Trịnh Sâm bị bệnh rất nặng, Trịnh Khải bèn bàn mưu với gia thần là Đàm Xuân Thụ, Thế Thọ, Thẩm Thọ và Vĩnh Vũ bí mật sắm sửa vũ khí, chiêu mộ binh lính, để chờ thời cơ. Ngoài ra, Trịnh Khải còn ngầm liên kết với Trấn thủ Sơn Tây là Hồng lĩnh hầu Nguyễn Khản, Trấn thủ Kinh Bắc là Tuân sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân để sẵn sàng hỗ trợ. Không may thay, sự việc bị phát giác. Chúa giáng Trịnh Khải xuống làm con út, giam lỏng trong nội phủ và lập Trịnh Cán lúc này chỉ mới 4 tuổi lên làm Thế tử và Quận Huy được cử làm A phó để phò tá.
Năm 1782, chúa Trịnh Sâm mất. Trịnh Cán nối ngôi, Đặng Thị Huệ nhiếp chính. Cuộc sống của bà Ngọc Hoan càng thêm khổ sở. Bấy giờ, triều thần không phục, phế bỏ Cán, lập Trịnh Khải làm chúa. Ngọc Hoan được phong Thái phi, liền sai người bắt Đặng Thị Huệ hỏi tội, buộc bà Tuyên phi phải quỳ lạy. Tuyên phi không chịu lạy, Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất, nhưng Huệ vẫn nhất định không chịu lạy. Thái phi giận quá, sai người đánh đập, rồi đem giam vào nhà Hộ Tăng ở vườn sau. Tại đây, Đặng Thị Huệ bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở.
Một lần nọ, Đặng Thị Huệ trên đường bỏ chạy thì bị bắt lại. Khi giáp mặt với Thái phi, bà Huệ nói: “Sao bà không nghĩ lại thân phận mình khi bị chúa bỏ rơi. Rồi chuyện xảy ra năm Canh Tý, lúc đó, nếu tôi cũng ra tay thì bà sẽ ra sao?”. Bấy giờ, bà Ngọc Hoan mới thôi.
Chúa Trịnh Sâm có hơn 400 người vợ. Có thể thấy, không ít phi tần, tú nữ được đưa vào cung, nhưng mấy ai trong số họ được Chúa nhìn đến, chứ nói gì là chuyện sủng ái, thị tẩm. Dương Thị Ngọc Hoan cũng không ngoại lệ. Tuy bị Chúa ghét bỏ, nhưng “mẫu bằng tử quý”, Ngọc Hoan nhờ vào đứa con trai duy nhất mà trở thành Thái phi vinh quang vạn trượng. Nói đến câu chuyện giữa bà và Tuyên phi, chúng ta khó mà chỉ trích được người phụ nữ này. Có chăng cũng là số phận đưa đẩy, từng bị chèn ép khổ sở, con trai bị quản thúc thế nên khi đã có quyền lực trong tay rồi, con người ta khó tránh sinh ra lòng tự kiêu, mong muốn đáp trả lại cái người khác đã từng gây ra cho mình. Nhưng suy cho cùng, bà Ngọc Hoan cũng biết mà dừng chứ không đến mức truy cùng giết tận hay phải diệt cỏ tận gốc cho bằng được mới thôi.
Nguồn ảnh: Phan Đạt
Theo: Chuyện Hậu Cung