Kỷ lục thế giới về thời gian giữ vững lâu đài của tổ tiên: gần 9 thế kỷ!

Lâu đài Eltz (tiếng Đức: Burg Eltz) là một lâu đài thời trung cổ nép mình trên những ngọn đồi ở vùng Trier, Đức. Nó vẫn thuộc sở hữu của cùng một gia tộc (gia tộc Eltz) suốt từ thế kỷ… 12, kéo dài 33 thế hệ. Đâu là bí quyết trường tồn của dòng họ này?

1 – Án ngữ vị trí đắc địa:

Lâu đài được bao quanh ba mặt bởi sông Elzbach, một phụ lưu ở phía bắc của sông Moselle. Nó nằm trên một mỏm đá cao 70 mét, án ngữ một tuyến đường thương mại quan trọng giữa các vùng đất nông nghiệp trù phú và các khu chợ của Đế quốc La Mã thần thánh thủa xưa (ê dừng nhầm với La Mã – Rome thời cổ đại nhé 

 ). Vị trí tốt giúp nguồn thu từ thuế, lợi tức v.v.. tốt, mà duy trì một lâu đài tất nhiên quan trọng nhất là tiền (đóng thuế lên hoàng đế để được sống yên, nuôi lính bảo vệ chống giặc giã, trộm cướp, nuôi người để chăm sóc, vận hành, chi tiền sửa chữa, mở rộng v.v..)

2 – Gắn kết nội tộc… và ngoại tộc vững chắc:

Lâu đài đã qua nhiều lần mở rộng, được chia thành nhiều phần, thuộc về các nhánh khác nhau của gia tộc Eltz. Ở Đế quốc La Mã Thần thánh của Quốc gia Đức, luật thừa kế yêu cầu chia di sản cho tất cả những người kế vị. Những người kế vị này, mỗi người thừa kế riêng sẽ không đủ để xây một lâu đài của riêng mình. Do đó, gia tộc Eltz lựa chọn phương án là cùng nhau xây dựng và mở rộng chỉ một lâu đài. Trong đó mỗi nhánh sở hữu các phần riêng biệt để làm nơi ở nhưng cả giòng họ cùng nhau chia sẻ quyền lợi từ thuế cũng như nghĩa vụ phòng thủ toa lâu đài.

Phần chính của lâu đài cao tới tám tầng là sự kết hợp của tám tòa tháp với chiều cao từ 30 đến 40 mét. Bao quanh 8 toà tháp là những bức tường đá vững chắc. Khoảng 100 thành viên của giòng họ Eltz sống trong hơn 100 căn phòng của lâu đài. Một ngôi làng đã từng tồn tại ở dưới chân lâu đài, cư dân của ngôi làng chính là những người hầu, thợ thủ công cùng gia đình của họ. Ngôi làng và toà lâu đài hỗ trợ nhau về nhân lực, thực phẩm, và an ninh.

3 – Kiên gan trước lịch sử biến động

Tiền thân của lâu đài xuất hiện từ thế kỷ… 9, là một trang viên đơn giản với một hàng rào bằng đất. Đến năm 1157, dòng họ Eltz đã xây dựng một pháo đài đóng vai trò quan trọng trong Đế chế La Mã Thần thánh dưới thời vua Frederick Barbarossa, án ngữ con đường thương mại giữa Thung lũng Moselle và vùng Eifel. 

Trong những năm 1331–1336, lâu đài đã trải qua những cuộc chiến khốc liệt. Chủ nhân của lâu đài, các lãnh chúa Eltz, cùng với các hiệp sĩ tự do khác của Đế quốc La Mã thần thánh, đã phản đối chính sách lãnh thổ của Tổng giám mục và Tuyển hầu tước Balduin vùng Trier. Kết quả là lâu đài Eltz đã bị bao vây và bị tấn công bằng máy bắn đá bởi quân đội của Tổng giám mục Giáo phận Trier. 

Cuộc bao vây kéo dài hai năm, kết thúc khi các hiệp sĩ tự do của đế quốc chịu khuất phục Tuyển hầu tước Balduin. Balduin vẫn cho phép dòng họ Eltz sở hữu toà lâu đài nhưng với tư cách là chư hầu và không còn các một hiệp sĩ tự do nữa. 

4 – Tranh thủ dựng xây và mở rộng trong thời bình

Năm 1472, toà Rübenach của lâu đài được xây dựng theo phong cách Gothic muộn, những phòng khách và phòng ngủ với những bức tường được trang trí lộng lẫy.

Toà nhà 10 tầng Greater Rodendorf được khởi công vào năm 1470. Phần lâu đời nhất là đại sảnh với trần hình vòm kiểu Gothic muộn, có lẽ ban đầu đóng vai trò là một nhà nguyện. Việc xây dựng được hoàn thành vào khoảng năm 1520. Ngôi nhà Rodendorf nhỏ được hoàn thành vào năm 1540, cũng theo phong cách Gothic muộn.

Năm 1615 toà Kempenich được xây dựng và thay thế đại sảnh thủa xưa. Mọi căn phòng trong khu vực này của lâu đài đều có có lò sưởi; ngược lại, các phần khác của lâu đài chỉ có một hoặc hai phòng có lò sưởi (như nhiều lâu đài thời ấy). Lưu ý đến thế kỷ 15 hệ thống lò sưởi mới được phát minh, trước đó thì lâu đài là nơi rất lạnh, phải sưởi ấm bằng củi chất thành đống, như tôi đã nói ở bài trước.

5 – May mắn ở đúng phe thắng

Trong Cuộc chiến 30 năm giữa phe Tin Lành và phe Cơ Đốc hầu hết các lâu đài ở vùng Rhenish đã bị phá hủy. Tuy nhiên Hans Anton Eltz lại là một sĩ quan cấp cao trong quân đội Pháp. Vì thế mà ông này đã có thể bảo vệ lâu đài Eltz khỏi bị phá hủy. Lưu ý là lịch sử châu Âu từ thế kỷ 17 trở về trước là cuộc chiến giữa các gia tộc, vương quốc, công quốc chứ không phải giữa các quốc gia theo bản đồ ngày nay. Do đó chuyện người “nước” này lại là tướng trong quân đội hoặc có lâu đài, đất đai ở “nước” kia là khá bình thường.

6 – Kiên trì đòi + mua lại khi chẳng may ở phe thua

Năm 1797, thời kỳ Nã Phá Luân làm cỏ châu Âu, chủ nhân lâu đài Eltz đã bị người Pháp đã tịch thu tài sản. Sau khi trốn sang vùng Mainz, bá tước Hugo Philipp zu Eltz đã trở lại để đòi lại đất đai, hàng hóa và của cải bị tịch thu. Năm 1815, ông này lại trở thành chủ sở hữu duy nhất của lâu đài Eltz thông qua việc mua lại toà Rübenacher và tài sản đất đai khác của dòng họ Eltz.

7 – Không ngại chi tiền

Vào thế kỷ 19, Bá tước Karl zu Eltz đã cam kết khôi phục lâu đài của mình. Trong khoảng thời gian từ năm 1845 đến năm 1888, 184.000 mark (khoảng 15 triệu euro tính theo thời gia năm 2015) đã được ông đầu tư vào công trình xây dựng mở rộng, bảo tồn giúp toà lâu đài có kiến ​​trúc như hiện nay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *