Nhiều bạn cứ băn khoăn không biết học theo giáo trình nào thì đúng nhưng chọn giáo trình không quan trọng bằng phương pháp học. Đây là phương pháp học tiếng Trung mà mình đã áp dụng:
📌 Đầu tiên học từ giáo trình:
👉 Mỗi bài đều có từ mới, bài khoá, giải thích ngữ pháp và luyện tập.
👉 Bước đầu tiên là học từ mới, mình cần chép lại từ mới ra vở (rất quan trọng vì bạn cần nhớ cách viết). Nhưng học từ mới để hiệu quả thì không chỉ là biết mỗi cách đọc và nghĩa của từ đó.
Giả dụ ta mới học từ 意识 – nhận thức, giờ các bạn hãy thử đặt câu với từ đó: “Tôi cuối cùng cũng nhận thức được chúng tôi đã kết thúc rồi”. Và liệu trong câu đó mình có thể dùng chữ 意料 để thay thế được không? Nếu chưa trả lời được các bạn có thể tham khảo tiếp với những thông tin dưới đây.
👉 Với một từ mới thì đây là những điều mình cần nắm được để biết cách sử dụng từ đó:
✅ cách phát âm (yìshí)
✅ nghĩa của từ (nhận thức)
✅ tính chất từ (động từ),
✅ những từ hay kết hợp với nó (ví dụ 清清楚楚地意识到 đã nhận thức được rõ ràng rằng…. hoặc 等待 chờ đợi đi kèm với 机会 cơ hội , 时机 thời cơ nhưng sẽ không đi kèm với tân ngữ chỉ người như 你,他),
✅ phân biệt với từ gần nghĩa: đặc biệt ở HSK5 và 6 lên sẽ có bài chọn một trong các từ gần nghĩa nhau để điền vào chỗ trống, do đó mình cần học cách phân biệt cách sử dụng của các từ gần nghĩa ngay khi học từ mới đó (ví dụ 意识 có nghĩa là “nhận thức” còn 意料 là “đoán được, tiên đoán”) hoặc ở các bài đọc HSK3 hoặc 4 mình phải chọn ý đúng sau khi đọc bài đọc, nhiều khi từ trong đáp án không xuất hiện trong bài đọc mà chỉ có từ đồng nghĩa với nó, vậy thì khi học từ mới mình cũng cần phải nắm được một số từ đồng nghĩa thông dụng của nó (ví dụ trong bài đọc xuất hiện từ 幽默 – hài hước còn đáp án có từ 搞笑- gây hài)
✅ Với một số động từ, mình còn cần để ý nó hay cộng với những bổ ngữ xu hướng gì, liệu có sử dụng được thể phủ định cho động từ đó hay không (ví dụ 意识 nhận thức mình đi kèm với到, phủ định ta không nói 不意识到 mà nói 意识不到)
✅ Đặt câu ví dụ với từ. Sau khi biết thêm cách dùng thì mình có thể đặt câu như sau: 我终于意识到我们已经结束了。
Mình luôn áp dụng cách học từ mới như này trong suốt quá trình học tiếng Trung, nhất là với những từ quan trọng trong bài. Từ đó thì mình mới có thể nắm được thật sự cách dùng của từ đó, chứ không chỉ đơn giản là nhận biết nó.
📌 Sau khi học từ mới thì đến bước đọc bài khoá. 👉 Khi đọc các bạn phải đọc thành tiếng, khi gặp từ mới thì check lại bảng từ, tập thói quen vừa đọc vừa hiểu nghĩa câu. Nếu có câu nào không hiểu nghĩa phải note lại để hỏi giáo viên hoặc đọc lại lần nữa để hiểu. Không nên bỏ qua câu nào trong bài khoá.
👉 Đọc xong bài khoá các bạn nên tự tóm tắt trong đầu bài khoá nói về nội dung chính là gì: viết tự sự hay nghị luận, thuyết minh, chủ đề chính là gì, có những ý chính nào,… Đây cũng là một cách luyện tập phản xạ não không chỉ cho bài đọc HSK mà còn cho cả việc đọc tiếng Trung sau này.
📌 Học ngữ pháp
👉 Thường trong một bài học sẽ có khoảng 3-5 ngữ pháp. Đầu tiên học cấu trúc của ngữ pháp, sau đó đọc các ví dụ cách dùng của ngữ pháp đó.
👉 Ngoài ra các bạn cần để ý thêm trật tự của câu (ví dụ từ 此外 ngoài ra chỉ có thể đặt ở giữa hai vế câu, nếu vế thứ hai có chủ ngữ thì phải đặt ở trước chủ ngữ) hay là ngữ pháp đó mang sắc thái gì (ví dụ 此外 mang nghĩa văn viết nhiều hơn một chút).
👉 Sau khi nắm được hết nội dung thì mình tập đặt câu với ngữ pháp đó.
📌 Ôn tập lại nội dung bài
👉 Với các bạn học từ H1 đến H4 thì yêu cầu tiên quyết ngay sau khi học bài là nhớ chắc từ mới cũng như ngữ pháp.
👉 Cách để nhớ lâu là làm bài tập cuối bài cũng như trong sách bài tập. Các bài tập trong các giáo trình được thiết kế để mình ôn tập lại toàn diện nên mình cũng không có gì để nhắc lại.
👉 Đối với các bạn học H5 và H6, ngoài việc ôn tập ngữ pháp và từ mới mỗi bài ra thì mình có thể tập viết lại các ý chính của bài khoá, dựa trên bài khoá và từ mới mình vừa học. Như vậy vừa có thể luyện tập được phản xạ viết mà còn nhớ được cả ngữ pháp và từ mới nữa. Sau khi viết xong các bạn nên tìm một người để sửa cho các bạn.
👉 Khác với kĩ năng đọc và nghe các bạn có thể tự học để nâng cao trình độ, kĩ năng viết, không chỉ mỗi tiếng Trung mà cả viết văn tiếng Việt hay tiếng Anh, nếu không có người sửa thì rất khó để tiến bộ.
📌 Theo mình thì để có thể sử dụng thành thạo tiếng Trung mình còn cần phải học thêm những chuyên đề riêng về ngữ pháp, nghe, đọc và viết nữa.
📌 Về ngữ pháp: trong giáo trình cũng có dạy về ngữ pháp nhưng do giới hạn nội dung nên có những ngữ pháp quan trọng họ không thể dạy hết trong một bài được, nên nếu chỉ học trong sách thì mình sẽ không thể bao quát được toàn bộ những ngữ pháp lớn. Do đó khi học mình cần học riêng các chuyên đề ngữ pháp nữa.
📌 Dưới đây là một số chuyên đề ngữ pháp cần nắm được trong HSK: Câu phản vấn, câu ngữ khí, câu so sánh, động từ (động từ li hợp, động từ năng nguyện, động từ trùng lặp), bổ ngữ (bổ ngữ kết quả, xu hướng, tình thái, trình độ, khả năng,..), câu liên động, câu tồn hiện, câu bị động, các phó từ, giới từ, liên từ thường dùng và cách phân biệt,.. một số chủ đề ngữ pháp khác nữa.
👉 Nắm chắc được ngữ pháp các bạn mới có thể viết câu, đoạn văn cũng như diễn đạt ý hoàn chỉnh được.
📌 Về kĩ năng nghe: để làm tốt bài trong HSK thì không phải mình cứ nghe rồi trả lời là được.
👉 Đầu tiên về các dạng bài: ví dụ nghe trong HSK5 sẽ chia ra làm các nội dung hỏi bao gồm: địa điểm, thời gian, số lượng, thân phận, quan hệ, nguyên nhân, kết quả,…
👉 Hoặc trong HSK6 phần nghe đầu tiên sẽ chia tỷ trọng các nội dung nghe: gồm x câu chuyện cười, y câu nghị luận bày tỏ ý kiến, z câu giới thiệu từ mới,…
👉 Với mỗi nội dung chúng ta cần nắm được cách họ hay đặt câu hỏi, cách nghe được keyword, cách đoán được nội dung quan trọng nằm ở đâu,…
👉 Tiếp theo là về các kĩ năng khi làm bài nghe: cách đọc trước và xác định ý chính khi xem các lựa chọn, cách take note khi nghe, nếu như bị miss mấy câu mình nghe không hiểu thì phải làm sao,…
Chúc các bạn thi tốt!
Nguồn: Thuỳ Vân, HSKclub- Luyện thi HSK(K)
