Kiệt tác kiến trúc của ngôi đình cổ 400 năm tuổi vừa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 15/02/2025 18:00 PM (GMT+7)
Với những giá trị văn hóa – kiến trúc độc đáo, riêng có, đình Đại Phùng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã được vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Sáng 15/2, huyện Đan Phượng (Hà Nội) tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với đình Đại Phùng, xã Đan Phượng. Ngôi đình được xây dựng cuối thế kỷ 17, thờ Đức Thánh Tích Lịch Hỏa Quang Thượng đẳng thần và tướng quân Vũ Hùng – người có công dẹp giặc dưới thời nhà Trần. Rất đông người dân và du khách thập phương đã tới đây theo dõi sự kiện trọng đại này.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội Vũ Thu Hà đã trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng cho chính quyền và nhân dân địa phương.
Khu di tích nằm ở trung tâm làng Đại Phùng, trên một khuôn viên rộng 2.542m2. Kiến trúc Đình Đại Phùng gồm ba hạng mục chính là tiền tế, đại bái và hậu cung; đầu hồi phía phải là một giếng cổ, nguồn nước đá ong bốn mùa trong xanh.
Đình Đại Phùng là di tích đặc biệt độc đáo ở chỗ toàn bộ cấu kiện nguyên thủy được làm bằng gỗ xoan với mái lớn, thân thấp, phù hợp với cả không gian, khí hậu, hoàn cảnh, cho thấy đây là một sáng tạo của cư dân địa phương.
Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cùng đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương dâng hương tại đình.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức cho biết, đình Đại Phùng là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo vào loại bậc nhất xứ Đoài, nơi thờ những vị anh hùng văn hóa, biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc trong việc chế ngự thiên tai, lũ lụt, chống giặc ngoại xâm.
Giá trị lớn nhất ở đình Đại Phùng được thể hiện trên các đề tài trang trí kiến trúc, điêu khắc còn giữ nguyên được niên đại nghệ thuật thế kỷ XVII với trên 1.000 hoạ tiết có giá trị văn hoá nghệ thuật cao. Nghệ thuật tạo hình ở đình Đại Phùng đạt đến trình độ rất cao hiếm thấy ở nước ta nói chung, thế kỷ XVII nói riêng.
Đình Đại Phùng như “bảo tàng văn hóa, nghệ thuật dân gian” sống động, là nguồn tư liệu sáng giá để nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa cộng đồng, dân tộc.
Với những giá trị đặc sắc và to lớn đó, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1954/QĐ-TTg xếp hạng đình Đại Phùng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Nghệ thuật tạo hình ở đình Đại Phùng đạt đến trình độ rất cao hiếm thấy ở nước ta nói chung, thế kỷ XVII nói riêng.
Ông Trần Minh Nhương, nguyên Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Đan Phượng cho hay, đình Đại Phùng xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng lưu giữ nhiều mảng chạm khắc gỗ thể hiện các trò vui, những sinh hoạt văn hóa của ông cha từ xa xưa.
Theo ông Nhương, dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học. Nhân dân ta quý trọng và tôn vinh những người học giỏi, đỗ đạt cao. Bức chạm gỗ Vinh quy bái tổ ở đình Đại Phùng thể hiện ý thức tốt đẹp ấy. Bức chạm được nghệ nhân tạo tác ở vị trí cao, phía bên phải gian giữa ngôi đình. Một đám rước quan Nghè về làng sau kỳ thi chiếm bảng khôi nguyên. Dân làng nô nức đón mừng ngợi ca ông tiến sỹ: Người đi trước múa rồng dẹp đám, miệng hò la. Người thứ hai vác cờ, đóng khố, bước chân khấp khởi mừng vui.
Bức chạm mẹ con mừng hội làng thể hiện không khí hân hoan ngày xuân ở làng Đại Phùng.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Lâm, Trưởng phòng Văn hoá và Thể thao huyện Đan Phượng cho biết, trên 20 bức chạm thể hiện sinh hoạt của người đương đại, ở đình Đại Phùng có một bức đặc biệt, diễn tả ý nguyện của người đã khuất. Đó là bức chạm “Mả táng hàm rồng”. Nghệ nhân xưa khéo dựa vào phần cuối của chiếc câu đình, đục chạm thành bức phù điêu gỗ khá hoàn chỉnh. Tác phẩm điêu khắc này ở phía trong tòa đại đình, sát với hậu cung nên không gian u tịch, thể hiện là cõi âm, vị trí ở cao, lại xa với các bức chạm cảnh nhộn nhịp của trần gian, gây cho người xem tâm lý linh thiêng, ngưỡng vọng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem
Tin nổi bật