Thứ năm, ngày 08/05/2025 16:51 GMT+7
Thùy ANh Thứ năm, ngày 08/05/2025 16:51 GMT+7
Mỗi năm có hàng trăm nghìn doanh nghiệp trong cả nước nợ đọng BHXH, BHTN với số tiền hàng trăm nghìn tỷ đồng. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động. Mới đây, thảo Luận về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), nhiều đại biểu quốc hội đã đưa giải pháp ngăn tình trạng này.
Nhiều doanh nghiệp khấu trừ lương nhưng không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lao động
Mới đây (7/5), Quốc hội đã thảo luận về nhiều dự thảo Luật, trong đó có Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Góp ý cho dự thảo luật về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) dẫn dự luật quy định: “Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng thì phải đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động”.
Theo đại biểu, điều này chưa phù hợp vì thực tế một số doanh nghiệp đã khấu trừ lương của người lao động hàng tháng để đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nhưng doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Từ đó, dẫn đến tình trạng khi người lao động nghỉ việc không thể chốt sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
“Trong khi đó, trách nhiệm thu bảo hiểm thất nghiệp là của cơ quan Bảo hiểm xã hội, xử lý hành vi trốn đóng, nợ đọng… là của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng khi cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước không xử lý được hành vi vi phạm của doanh nghiệp lại không cho người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là chưa đảm bảo sự công bằng đối với người lao động”, đại biểu cho hay.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung khoản 2 Điều 40 dự luật như sau: “Người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng thì người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động”.
Theo đại biểu, hành vi vi phạm của người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp xử lý (xử phạt hành chính, lãi chậm đóng, thu hồi khoản nợ) để đòi lại khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp từ người sử dụng lao động.
Doanh nghiệp phải bồi thường khi không đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh quy định tại khoản 2 Điều 40 thành như trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Quy định như dự thảo Luật nhằm xác định người lao động thực sự đóng góp vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong một thời gian nhất định trước khi họ có thể nhận trợ cấp khi mất việc; Tạo động lực cho người lao động tham gia thị trường lao động một cách bền vững, thay vì chỉ làm việc ngắn hạn để hưởng trợ cấp; Giúp Quỹ bảo hiểm thất nghiệp duy trì được sự ổn định tài chính; Giúp các cơ quan quản lý có thể dự báo và quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp một cách hiệu quả hơn.
Chính vì lý do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật.

Ngoài ra, có ý kiến đại biểu quốc hội cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động cho người lao động trong trường hợp không đóng, đóng không đầy đủ hoặc bổ sung thời hạn cụ thể trong việc trả khoản tiền đã ứng trước nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.
Tiếp thu ý kiến, Thường vụ Quốc hội cho biết đề nghị bổ sung: “Trường hợp doanh nghiệp không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động dẫn đến người lao động không đủ điều kiện đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thì doanh nghiệp phải bồi thường một khoản tương đương với số tiền bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng”.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và thể hiện tại khoản 7 Điều 35.