Ảnh: Tree
Lý Huệ Tông sinh năm Giáp Dần (1194), bằng tuổi tình địch Đức Thánh Cáu. Ông là hoàng đế thứ 8 nhà Lý, cả cuộc đời đều theo sự sắp đặt của người khác: Nhỏ thì theo mẹ & cậu, trưởng thành thì bị nhà vợ thao túng. Ở đây, chỉ nhắc đến hôn nhân của ông và người vợ kết tóc: Linh Từ quốc mẫu Trần thị, tức cô Hai họ Trần.
1. Ba lần mới đón được vợ
Thông thường, điều đầu tiên một vị tân đế làm là: phát tang Đại hành hoàng đế, ban chiếu đại xá, đổi niên hiệu… Riêng Kiến Gia đế, ông không quan tâm chính sự mà cử người đi đón vợ về cung. Hoặc có lẽ, đối với ông, vợ mới là chính sự.
Tháng 10/1210, ông sai quan đến đất Lưu Gia (Hưng Nhân, Thái Bình) đón vợ là cô Hai họ Trần về Long Phượng thành. Tuy nhiên nhà gái từ chối, Trần Tự Khánh “không chịu cho đón” (Đại Việt sử lược) mà vua đành chịu, không làm gì được. Đơn giản thôi, Kiến Gia còn phải dựa vào thế lực trải rộng vùng duyên hải của nhà vợ chống đỡ.
Tháng giêng năm 1211, Kiến Gia cho người đến lần nữa nhưng anh vợ Trần Tự Khánh không chịu. Đến tháng 2, quan Phụng Ngự Sử Phạm Bố mới đón bà Trần thị về cung được.
2. Bát cơm sẻ nửa, đường đêm trốn cùng
Cuộc hôn nhân này khiến cho Đàm thái hậu không hài lòng, dù nhà thuyền chài này chẳng hề bình thường. Cho nên, bà tìm mọi cách bức hại con dâu.
Ban đầu, cô Hai họ Trần được sách phong Ngự nữ. Năm 1216, tấn phong bà làm Thuận Trinh phu nhân. Thái hậu cho rằng Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, bảo phu nhân là bè đảng của giặc, yêu cầu Kiến Gia bỏ bà. Bà còn sai người nói với phu nhân là phải tự sát. ĐVSKTT chép: “Vua biết bèn ngăn lại. Thái hậu bỏ thuốc độc vào đồ ăn thức uống của Phu nhân, nên mỗi bữa ăn, Vua chia cho Phu nhân một nửa số đồ ăn thức uống của mình, và không lúc nào cho xa rời. Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc đến bắt Phu nhân phải uống mà chết, Vua lại ngăn không cho. Đêm ấy, Vua cùng với Phu nhân lẻn đến chỗ quân của Tự Khánh”. Mùa hè năm 1216, Thuận Thiên công chúa ra đời, bà được sách phong hoàng hậu.
Kiến Gia hoàng đế đã dùng hết sức lực nhỏ bé của ông để cứu vợ khỏi sự bức tử của mẹ. Thường thì những người giống nhau sẽ kị nhau, ngẵm cặp mẹ chồng nàng dâu này thì không sai.
3. Kết cục của Kiến Gia hoàng đế
Lý Huệ Tông là ông vua bất hạnh. Khi còn ở ngôi Thái Tử, ông đã phải chạy loạn long đong, đến khi lên ngôi báu, nhà vua cũng vẫn phải tiếp tục bôn tẩu vì loạn lạc cứ thế nối dài không dứt. Trong triều, quan lại chia bè kết cánh mưu sát lẫn nhau, trong nhà, Thái hậu tìm cách bức hại Hoàng hậu, đã thế, Huệ Tông lại không có con trai nối dõi, thành thử nhà vua trẻ tuổi ấy đã buồn chán mà phát điên. Năm 1216 (lúc mới 22 tuổi), ông bắt đầu bị nhuốm bệnh. Từ năm 1217 trở đi, bệnh tình của ông càng ngày càng nặng, ĐVSKTT chép:
“Mùa xuân, tháng 3, vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là thiên tướng giáng hạ, tay cầm giáo và mộc, tóc cắm cờ nhỏ, đùa múa từ sáng sớm đến chiều tối không nghỉ, đôi khi thôi đùa thì người đổ mồ hôi, nóng bức và khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh, chính sự không quyết đoán được, giao phó hết cho Trần Tự Khánh, quyền lớn trong nước dần dần về tay người khác họ”.
Tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Huệ Tông lập con gái thứ hai là Chiêu Thánh công chúa làm Thái tử rồi truyền ngôi cho. Huệ Tông đi tu ở chùa Chân Giáo ngay trong đại nội thành Long Phượng.
Chiêu Thánh công chúa lên ngôi, hiệu là Lý Chiêu Hoàng, lúc ấy chỉ mới 7 tuổi. Bấy giờ, phe cánh của họ Trần trong triều rất mạnh. Trần Thủ Độ đã bố trí cháu của ông là Trần Cảnh, khi đó cũng mới 7 tuổi vào giữ chức Chính thủ chi hậu. Sau, cũng chính ông vừa là tác giả, vừa là đạo diễn màn kịch chuyển giao ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần vào ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225).
Riêng với màn kịch “nhường ngôi cho chồng” này, vai trò của cô Hai họ Trần rất quan trọng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần nhận xét: “Từ ngày có mặt trong hoàng cung, Trần Thị Dung luôn tìm cách tạo điều kiện cho họ Trần phát triển thế lực, ấy cũng là sự khôn khéo phòng thân. Khi triều Trần được thiết lập, bà một lòng giúp rập họ Trần. Đầu năm Bính Tuất (1226), Thượng hoàng Lý Huệ Tông bị phế, bắt ra ở chùa Chân Giáo, cho đổi gọi là Huệ Quảng Đại sư. Khi Lý Huệ Tông và nhiều tôn thất nhà Lý bị giết hại, Bà bị giáng làm Thiên Cực Công chúa và đem gả cho Trần Thủ Độ” (Việt sử giai thoại, tập 3).
Cô Hai họ Trần còn có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự kiện Lý phế hậu. Năm 1237, “Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực bàn kính với vua là nên mạo nhận lấy để làm chổ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy. Vì thế, Liễu họp quân ra sông Cái làm loạn” (ĐVSKTT).
Số phận của tông thất nhà Lý có thể nói là chia thành nhiều nhóm: một nhóm theo giả thuyết trong mấy bộ chính sử là bị giết hại. Kiến Bình Vương Lý Long Tường cùng gia quyến sang bán đảo Triều Tiên tị nạn & thành thủy tổ của Hoa Sơn Lý thị ở Bắc Hàn là nhóm khác. Một nhóm đổi họ Nguyễn do kiêng húy Trần Lý, vì thế Đại Việt sử lược gọi nhà Lý là nhà Nguyễn. Một nhóm chạy lên Việt Bắc nương nhờ các dòng họ thông gia Tày – Nùng, họ Lý trở thành họ lớn của dân tộc này.
Nguồn:
– Việt sử giai thoại, tập 3, Nguyễn Khắc Thuần
– Việt sử Chuyện đế vương kỳ thú, Lê Thái Dũng