Người xem bói bài kể chuyện những lần được khách trả thù lao “khủng” khiến bản thân cũng bất ngờ!
Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống, nhiều người trẻ tìm đến việc xem bói như một cách để giải tỏa tâm lý, tìm kiếm lời khuyên cho những khúc mắc trong cuộc sống. Chị Lâm Quỳnh Mai (23 tuổi, Cầu Giấy) không ngờ rằng niềm đam mê tự học xem bói Tarot qua mạng xã hội lại mở ra cho chị một nguồn thu đáng kể, thậm chí có những phiên xem bài chỉ 30 phút nhưng số tiền nhận về lên đến vài trăm nghìn đồng.
Chị Mai cho hay, ban đầu chị chỉ xem bài cho bạn bè, sau đó được mọi người giới thiệu nên số khách tăng dần. “Mình không quảng cáo rầm rộ, khách chủ yếu đến từ truyền miệng và những người thực sự có nhu cầu. Nhiều người lần đầu đến chỉ xem thử, nhưng rồi thành khách quen”, chị nói.
Điều đặc biệt, khách hàng của chị Mai chủ yếu là nhân viên công sở trong độ tuổi từ 25 – 35 tuổi, bao gồm cả những người giữ vị trí cao trong cơ quan. Chị cho biết, họ đến với Tarot không hẳn vì tin hoàn toàn vào lá bài, mà như một cách để giãi bày tâm sự, nhận được góc nhìn mới cho vấn đề cá nhân, gia đình hoặc công việc.
“Mình chỉ xem với tiêu chí “tùy tâm”, ai trả bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Nhưng điều khiến mình bất ngờ là đa số khách đều sẵn sàng chi vài trăm nghìn, có người bỏ ra cả triệu đồng cho một buổi xem khoảng 30 phút. Có người xem xong còn tặng thêm quà hoặc mời mình đi ăn”, chị Mai kể.
Bộ bài thường được chị Mai xem cho các vị khách. Ảnh: Trung Hiếu.
Theo chị Mai, sự hào phóng này, xuất phát từ việc khách hàng cảm thấy thỏa mãn khi nhận được những lời khuyên phù hợp: “Mình không xem theo kiểu phán số mệnh, mà chủ yếu hướng khách hàng đến cách giải quyết vấn đề theo hướng tích cực hơn”.
Về tần suất xem bói bài, chị Mai tiết lộ rằng, mỗi tuần chị nhận khoảng 15 – 20 lượt khách, cao điểm có thể lên đến 30 người. Thu nhập của chị mỗi tháng có thể lên đến hàng chục triệu đồng. “Dù không phải nguồn thu nhập ổn định như một công việc toàn thời gian, nhưng nó giúp mình có thêm tài chính để trang trải cuộc sống và phát triển đam mê”.
Anh Trần Tuấn Minh (25 tuổi) – nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội chia sẻ, anh thường xuyên xem bói bài với tần suất 2 lần/tháng. “Tôi thường xem Tarot với 2 mục đích, đó là khi cần lời khuyên hoặc cần có người tâm sự và chia sẻ”, anh nói. Với anh, những buổi xem bài không chỉ giúp định hướng suy nghĩ mà còn mang lại cảm giác được lắng nghe, nhất là trong những giai đoạn căng thẳng của công việc và cuộc sống.
Anh Minh cũng thừa nhận rằng không phải lần nào xem Tarot, câu chuyện của anh cũng được phản ánh đúng hoàn toàn. “Có những lúc tôi thấy lời giải thích của Tarot khá trùng khớp với những gì đang diễn ra, nhưng cũng có khi nó không đúng lắm. Tôi coi đây là một cách tham khảo, không đặt nặng việc phải làm theo tuyệt đối”.
Khi được hỏi tại sao biết Tarot có lúc đúng, lúc sai nhưng vẫn sẵn sàng gửi thù lao hậu hĩnh, thậm chí tặng quà cho người xem bài, anh Minh cười: “Thực ra, tôi không chỉ trả tiền cho Tarot, mà là trả cho chính những phút giây được lắng nghe và giải tỏa tâm trạng. Có những lúc, một cuộc trò chuyện có thể giá trị hơn cả câu trả lời từ những lá bài”.
Vì sao giới trẻ ngày càng “mê” xem bói bài Tarot? Lời lý giải từ chuyên gia
Chị Trần Thị Phúc Lộc – chủ nhân một kênh TikTok xem bói bài Tarot có hơn 200.000 người theo dõi lý giải nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ có nhu cầu xem bói bài: “Bói bài tarot thu hút nhiều bạn trẻ vì nó có “tính trẻ”. Trong văn hoá truyền thống, chúng ta thường biết đến huyền học phương Đông, ví dụ như tử vi, nhân tướng… các bộ môn này sử dụng khá nhiều từ ngữ Hán Việt, khiến không ít bạn trẻ gặp khó khăn trong việc thấu hiểu. Trong khi đó, Tarot lại mang một phong cách rất khác, khách hàng có thể nhận được lời khuyên ngay từ những vấn đề hiện tại, rất gần trong cuộc sống của các bạn.
Theo một khảo sát gần đây với những độc giả đã từng xem bói, thì 84% nằm trong độ tuổi dưới 30 tuổi. Ảnh: AP
Đặc biệt, những người xem Tarot hay còn gọi là “Tarot reader”, lại thường rất trẻ, người trẻ thường dễ dàng để thấu hiểu tâm lý của nhau. Cho nên khi họ có những chia sẻ với nhau lại càng dễ để đồng cảm hơn. Với Tarot còn có tính chữa lành, tất cả những người có khó khăn trong cuộc sống thường tìm tới Tarot giống như một công cụ khai vấn ra những vấn đề của bản thân”, chị Lộc cho hay.
Theo quy định tại Điều 320, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan” thì “người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan”. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi phạm tội này có thể phải chịu các loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trao đổi về vấn đề này, ThS. Đặng Hoàng Thanh Lan – Giảng viên Khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ rằng, khi mọi người xem bói đồng nghĩa với việc họ đang tìm đến một nguồn để an ủi chính mình, một chỗ dựa tinh thần.
“Ngay cả trong vấn đề trị liệu tâm lý, người ta cũng đặt ra vấn đề là có những tình huống mà người trị liệu cảm thấy, các bệnh nhân khi có sự tác động về mặt tinh thần từ những hoạt động liên quan đến tôn giáo, bói toán… sẽ khiến tinh thần của họ tốt hơn hẳn. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận lại hoặc tiếp cận thêm vấn đề ở góc độ là các hình thức bói toán có thể trị liệu nhận thức hành vi”, bà Lan gợi ý.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Kiều, việc tìm đến Tarot nói riêng và xem bói nói chung có thể giúp nhiều người giải tỏa căng thẳng, nhưng nếu quá phụ thuộc sẽ dễ dẫn đến tâm lý bị động, mất đi sự tự chủ trong cuộc sống. “Điều quan trọng nhất là mỗi người cần có chính kiến, biết chọn lọc thông tin từ Tarot thay vì để những lá bài quyết định thay mình”, chị Kiều nhấn mạnh.