Nhiều nơi “khuyến sinh” bằng tiền mặt
Mức sinh ở Việt Nam đang ở mức thấp kỷ lục, dưới mức sinh thay thế rất sâu (1,91 con/phụ nữ trong khi mức sinh thay thế cần thiết là 2.1 con/phụ nữ) nếu không có giải pháp “khuyến sinh”, 20 năm nữa, dân số Việt Nam sẽ ngày càng giảm.
Hiện nay, để “khuyến sinh”, Bộ Y tế đang đề xuất các giải pháp để thúc đẩy mức sinh thay thế. Cụ thể, Chính phủ quy định các biện pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể phù hợp từng thời kỳ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước;
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; ưu tiên đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Quy định quyền của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; đồng thời quy định nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.
Trước đó, quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 01/2021/TT-BYT, tại 21 tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện chính sách khuyến sinh như sau: khen thưởng xã 3 hoặc 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 02 (hai) con; khen thưởng cá nhân sinh đủ 2 con trước tuổi 35.
21 tỉnh, thành được điểm danh gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp để nhằm thúc đẩy “phụ nữ sinh đủ 2 con”. Mới đây, TP.HCM (địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước) cũng đã ra Nghị quyết về việc khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.
Cụ thể TP sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng đối với phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi tại thành phố và hỗ trợ 2 triệu đồng đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng sống tại xã đảo khi thực hiện tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh.
Một số tỉnh khác như Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu đã có Nghị quyết khen thưởng 1 triệu đồng đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi’ Hậu Giang khen thưởng 1,5 triệu đồng và hỗ trợ 1 lần chi phí khám sàng lọc; Bến Tre cũng cấp giấy khen và khen thưởng tiền mặt…
“Cho tiền” chưa đủ để khuyến sinh
Về các giải pháp khen thưởng 1-3 triệu để “khuyến sinh”, trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Hoàng Bá Thịnh, Chuyên gia nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng: “Họ không cần thưởng tiền khi sinh đủ 2 con bởi mức hỗ trợ có đáng gì so với chi phí nuôi dạy con cái. Trước đây, người dân có cần thưởng đâu mà vẫn sinh nhiều con”.
TS Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cũng cho rằng, việc khen thưởng 1-3 triệu cho phụ nữ sinh đủ 2 con chỉ có tính “động viên” nhưng điều này cũng khó có thể khiến giới trẻ muốn sinh đẻ và nuôi con.
TS Tú Anh phân tích, ngày xưa, nuôi con tốn kém rất ít, cơ quan xí nghiệp nào cũng có nhà trẻ miễn phí, buổi trưa mẹ vẫn có thể tranh thủ qua cho con bú, từ lớp 1 đến cấp 3, học phí cũng rất ít, trẻ không cần đi học thêm, học ngoại khóa…
Ngày nay chi phí để nuôi dưỡng một đứa con vô cùng đắt đỏ. Từ chăm sóc khi mang thai đến việc đi đẻ, nuôi con, cho con đi học… đều ngốn không ít tiền. Người mẹ sau sinh được nghỉ 6 tháng, còn từ 6 tháng trẻ con không biết gửi ai, nhà trẻ công không nhận, chỉ có thể gửi nhà trẻ tư rất đắt đỏ.
Các cặp vợ chồng trẻ ở TP hầu hết đều là dân di cư, thậm chí không tìm được trường công để cho con và học và không đủ tiền chi trả cho trường tư nên đành lựa chọn đẻ con rồi gửi con về quê cho bố mẹ già chăm sóc. Những đứa trẻ sẽ phải xa cha mẹ từ nhỏ và trong thời gian dài, chắc chắn sẽ không được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt.
Ngày xưa nuôi con kiểu “trời sinh voi trời sinh cỏ”, có thế nào dùng thế ấy, còn ngày nay, mọi người chạy theo các chuẩn mực “con nhà người ta”, phải nuôi dạy con cho bằng chị bằng em, vào trường tốt nhất, mặc đẹp nhất, ăn món ngon nhất, uống sữa bổ nhất… Chị em lại cũng chạy theo chuẩn mực dù tuổi ngày càng cao, sinh con nhưng vẫn phải xinh đẹp, nóng bỏng… Sinh con, nuôi con nhưng vẫn phải phấn đấu, phải cạnh tranh trong công việc…
“Tất cả những gánh nặng, những chuẩn mực mới này tạo áp lực khiến phụ nữ không muốn sinh nhiều con, thậm chí ngại luôn sinh con. Họ không muốn sinh con rồi “úi xùi” trong gánh nặng cơm áo gạo tiền, bị tụt hậu trong công việc và con cái không được nuôi dạy tốt nhất”, TS Tú Anh nhận định.
Khuyến sinh cần biện pháp dài hơi
TS Tú Anh chỉ ra rằng, để phụ nữ “thoải mái” sinh con con không thể hô khẩu hiệu hay dung các quy định để thúc giục như “chỉ sinh 1 đến 2 con” như trước đây hay “sinh tùy ý” như hiện nay.
“Cho phép giới trẻ “sinh theo nhu cầu” nhưng không tạo điều kiện để họ có thể sinh và nuôi dạy con mà không gánh chịu áp lực thì có khuyến sinh họ cũng không sinh. Theo tôi, cách tiếp cận phù hợp nhất chính là tôn trọng quyền và hiểu được nhu cầu của giới trẻ để tìm cách tháo gỡ.
Nguồn lực của Việt Nam có hạn nên các giải pháp to lớn như tạo điều kiện về nhà ở cho giới trẻ, trợ cấp gia đình, học phí… sẽ khó thực hiện. Do đó, trước mắt, chúng ta cần gắn trách nhiệm này cho các doanh nghiệp, cơ quan mà người lao động đang làm, đặc biệt là các khu công nghiệp, nơi có các công nhân đang độ tuổi sinh đẻ. Những nơi này cần phải tạo điều kiện cho người lao động về nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi khi nữ lao động mang thai, sinh con, có nhà trẻ miễn phí cho họ gửi con…”, bà Tú Anh nói.
Về giải pháp khuyến sinh, PGS Thịnh cũng cho rằng cần giải pháp dài hơi: “Chúng ta phải tăng cường các chính sách an sinh xã hội. Như giải quyết vấn đề nhà ở cho các cặp vợ chồng trẻ. Những công nhân lao động, người thu nhập thấp muốn mua nhà không mua được hoặc mua nhà phải còng lưng gánh nợ ngân hàng, ai dám sinh con”.
Theo ông Thịnh, nếu không giải toả được rào cản về nhà ở, về thu nhập, về học phí hay trường lớp đó thì hỗ trợ tiền cho phụ nữ sinh đủ 2 con sẽ giống như “chuồn chuồn đạp nước”, không có tác dụng bền vững.
Ông Thịnh nêu, ở nước phát triển họ tặng tiền cho các cặp vợ chồng, thậm chí miễn thuế thu nhập cá nhân cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trở lên, con sinh càng nhiều thưởng càng nhiều nhưng phải phụ thuộc vào nhận thức của người dân. Có không ít cặp vợ chồng không muốn sinh con, thậm chí không tính đến chuyện đẻ con bởi vì còn liên quan đến kinh tế, chi phí chăm sóc con cái tốn kém, tốn thời gian, họ không sinh nhiều con, thậm chí sinh ít con…
“Việc này liên quan đến lối sống thụ hưởng của người dân trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt thế hệ gen Z trở đi thể hiện rất rõ. “Cuộc chiến” duy trì mức sinh thay thế tôi cho rằng không thể giải quyết trong ngày 1,2 nhưng nếu bắt đầu càng sớm, có chính sách, giải pháp phù hợp thì có thể làm trì hoãn mức sinh ít con sẽ không giảm sâu như các nước trên thế giới.
Ví dụ như mức sinh thay thế năm 2024 đang là 1,91 con/phụ nữ thì các năm sau nếu giữ nguyên hoặc giảm cực kỳ chậm sẽ tốt nhất”, ông Thịnh nói thêm.
“Để sinh đủ 2 con thì thu nhập 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được 4 người (2 bố mẹ, 2 con), không chỉ là chi phí sinh hoạt mà còn phải nuôi dạy 2 đứa trẻ đàng hoàng. Do đó cần chuyển quy định từ lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người.
Ngoài ra, thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động mỗi ngày, 40 giờ mỗi tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, sinh con, nuôi dạy con, chăm sóc gia đình và sở thích riêng tư.
Cần có thị trường nhà ở có tính cạnh tranh, sự hỗ trợ và giám sát của nhà nước để người lao động có thể thuê hoặc mua được nhà ở với mức giá chấp nhận được, để việc không có nhà ở không trở thành điều kiện khiến nhiều người không thể kết hôn.
Điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi mang thai và sinh con, chế độ lương và thăng tiến ở doanh nghiệp phải khuyến khích việc lập gia đình và sinh con, không tạo ra xung đột giữa làm việc, lập gia đình và sinh con.
Đồng thời chia sẻ trách nhiệm giữa vợ và chồng về việc làm việc nhà, nuôi dạy con, thực hiện bình đẳng giới thực sự….”
Ông Nguyễn Thiện Nhân – Đại biểu Quốc hội khóa 15, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ