KHUÔN MẪU GIỚI – CHUẨN MỰC HAY ÁP LỰC?

Khuôn mẫu giới là gì?

Khuôn mẫu giới được hiểu là sự khái quát hóa giản đơn về đặc điểm, tính cách, vai trò, của các cá nhân hoặc nhóm người dựa trên giới tính của họ. Các khuôn mẫu có thể là tích cực hoặc tiêu cực nhưng chúng hiếm khi đưa ra thông tin chính xác về người khác.

Thực tế, khuôn mẫu giới là những kinh nghiệm, tri thức của một nhóm xã hội cụ thể và được khái quát từ sự mong đợi của xã hội về người phụ nữ và nam giới. Ví dụ, trong khi nam giới thường được gắn với khuôn mẫu mạnh mẽ, biết chủ động và giữ vai trò làm chủ thì phụ nữ thường gắn với hình ảnh dịu dàng, tế nhị, mang tính phụ thuộc và giữ vai trò hỗ trợ.

Những khuôn mẫu này được hình thành từ các đặc trưng về giới và vai trò xã hội của mỗi giới trong tiến trình phát triển của xã hội, đồng thời chịu ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa và các điều kiện địa lý – nhân văn. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, yếu tố văn hóa, nhận thức, tính cách của hai giới có những thay đổi, vai trò xã hội của hai giới cùng được coi trọng nhưng các khuôn mẫu giới vẫn chậm thay đổi. Nguyên nhân một phần bắt nguồn chính từ việc tạo ra những hình ảnh lý tưởng gắn với giới tính của mỗi giới. Cùng với đó, các nền văn hóa, các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo với những nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan vẫn duy trì những điểm phóng đại sự khác biệt giữa nam giới và phụ nữ.

Khi những khuôn mẫu trở thành định kiến về nghề nghiệp và ở nơi làm việc

Do được hình thành dựa trên sự khái quát hóa từ những niềm tin của một xã hội nhất định về một nhóm, khuôn mẫu giới có thể tạo ra những đánh giá sai lầm mang tính chủ quan, không tương thích với những phẩm chất độc đáo của một người. Đây chính là nguyên nhân cố hữu hình thành nên những định kiến giới và phân biệt đối xử theo giới. Theo Luật Bình đẳng giới (2009), định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Ở Việt Nam, nhiều khuôn mẫu giới đã trở thành định kiến giới và điều này được thể hiện rất rõ trong bối cảnh nghề nghiệp và môi trường làm việc.

Khi nhắc đến công việc cứu hỏa và giáo viên mầm non, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu bạn sẽ là gì? Liệu có phải là một chàng trai khoác trên mình bộ đồ lính cứu hỏa và một cô gái đang chăm sóc những đứa trẻ? Vậy, tại sao không phải là ngược lại? Có thể dễ dàng nhận thấy, năng lực của nam hoặc nữ đã và đang bị giới hạn trong những công việc được cho là phù hợp với giới tính của mình. Theo đó, phụ nữ thường bị gắn với những công việc thuộc lĩnh vực liên quan đến chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội, nghệ thuật và chăm sóc cá nhân – những công việc cần sự tỉ mỉ, khéo léo như sư phạm, kế toán, du lịch,v.v. Trong khi đó, những công việc chân tay, việc nặng, đòi hỏi tư duy logic như kỹ sư điện, lập trình, khoa học máy tính, v.v. lại được coi là địa hạt của nam giới.

Không dừng lại ở việc đánh giá năng lực theo giới tính, định kiến giới trong công việc còn được thể hiện qua những rập khuôn về tính cách gắn với nghề nghiệp. Nếu đàn ông làm những công việc được cho là “nữ tính” như phân tích ở trên thì dễ phải đối mặt với những lời châm biếm, trêu đùa như “ẻo lả”, “yếu đuối”. Còn phụ nữ đảm nhận các công việc được cho là “nam tính” thì sẽ chịu những định kiến như ”thô kệch”, “khó lấy chồng”.

Trong môi trường làm việc, cách hành xử, giao tiếp, hay rộng hơn là biểu hiện giới cũng chịu tác động của định kiến giới. Điều này được thể hiện qua việc, khi một người phụ nữ lên tiếng bày tỏ ý kiến của mình một cách mạnh mẽ, khảng khái thì rất dễ bị coi là hống hách, thích ra lệnh cho mọi người. Trong khi đó, cùng một vấn đề và cách bày tỏ quan điểm, đàn ông lại được nhìn nhận là quyết đoán, có tố chất lãnh đạo. Một biểu hiện khác của định kiến giới ở nơi làm việc là khi, đối với nữ giới, việc trang điểm, chau chuốt cho ngoại hình được coi là bình thường. Ngược lại, những người nam giới thích để tóc dài, mặc đồ màu sắc, nhiều họa tiết, hay dùng phấn trang điểm thì lại bị đánh giá là “lệch chuẩn”, “không giống đàn ông” hay thậm chí là “bê đê” (từ mang hàm ý thể hiện sự miệt thị với người đồng tính nam).

Tác động của khuôn mẫu giới và định kiến giới

Khuôn mẫu giới đã và đang tạo ra hình ảnh phiến diện về năng lực, vai trò và bản chất con người, làm giảm cơ hội việc làm và gây cản trở quá trình phát triển sự nghiệp của cả nam giới và nữ giới. Trước hết, những định kiến ngầm cho thấy sự thiên vị giới tính đáng kể trong quá trình tuyển dụng. Ví dụ, khảo sát năm 2012 được thu nhập từ 127 giáo sư khoa học, cả nam lẫn nữ, đang giảng dạy tại ba trường đại học công lập và tư nhân lớn, chuyên sâu về nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy sự thiên vị đối với nam ứng viên chưa tốt nghiệp cho vị trí quản lý phòng thí nghiệm.

Những đánh giá về năng lực ứng viên dựa trên định kiến giới cũng được coi là một trong những nguyên nhân gây ra sự chênh lệch đáng kể giữa về tiền lương giữa nam và nữ. Theo con số do UN Women thống kê vào tháng 9/2020, tỷ lệ chênh lệch lương theo giới trên toàn cầu là 16%, nghĩa là thu nhập của lao động nữ chỉ đạt 84% so với thu nhập của nam giới. Hãy thử soi chiếu con số này vào ngành điện ảnh, đặc biệt tại Hollywood, để thấy rõ sự chênh lệch. Theo tờ Guardian, dù cùng thủ vai chính, nữ diễn viên Michelle Williams được trả tổng cộng chưa đến 1.000 đô la trong quá trình quay lại bộ phim All the Money in the World (2017), trong khi bạn diễn của cô – Mark Wahlberg được trả nhiều hơn gấp 1.500 lần (tức 1,5 triệu đô la). Như vậy, có thể thấy, định kiến giới ở nơi đang khiến việc đạt được bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới về kinh tế nói riêng và ở xã hội nói chung trở nên khó khăn hơn.

Môi trường làm việc không đa dạng giới và có sự phân biệt đối xử về giới cũng có liên hệ đến việc gia tăng những vụ việc quấy rối tình dục. Một cuộc khảo sát năm 2017 của Hiệp hội Phụ nữ Đại học Hoa Kỳ AAUW cho thấy, 28% phụ nữ làm việc trong những ngành mà nam giới chiếm phần đa số cho biết bản thân họ đã từng bị quấy rối tình dục, con số này là 20% với phụ nữ làm việc trong các ngành mà số lượng phụ nữ chiếm phần đa số.

Định kiến giới không chỉ gây ra những sai lệch trong đánh giá của xã hội lên từng cá nhân mà còn ảnh hưởng đến khả năng tự đánh giá năng lực và nhìn nhận giá trị của bản thân. Nghiên cứu của Tổ chức Common Sense Media năm 2017 cho thấy phim ảnh và các chương trình truyền hình có độ phổ biến và ảnh hưởng đang dạy trẻ em những gì nền văn hóa mong đợi ở trẻ em trai và trẻ em gái từ việc lựa chọn nghề nghiệp đến khả năng đạt được tiềm năng đầy đủ và sự nghiệp tương lai của trẻ. Cụ thể, trẻ sẽ có thiên hướng lựa chọn nghề nghiệp và phát triển bản thân theo khuôn mẫu, các em khó nhìn thấy mình trong một công việc có liên quan đến giới tính khác, ngay cả khi điều này công việc hoàn toàn phù hợp với sở thích cá nhân của các em.

Sự tồn tại của khuôn mẫu giới về nghề nghiệp và ở nơi làm việc vô hình chung cũng đặt lên cả nam giới và nữ giới không ít áp lực. Cả nam và nữ giới đều mang trên mình những trách nhiệm lớn, có phần nặng nề từ những kỳ vọng phải sống và làm việc theo những khuôn mẫu được cho là “quy chuẩn” của xã hội. Họ không được ủng hộ trong việc thể hiện bản thân hay theo đuổi nghề nghiệp mà mình mong muốn nếu như những điều đó bị coi là “lệch chuẩn”.

Tiểu kết

Khuôn mẫu giới, định kiến giới về nghề nghiệp và ở nơi làm việc đã và đang tồn tại, gây cản trở đến việc xây dựng xã hội bình đẳng. Mục tiêu cơ bản của bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ. Bình đẳng giới sẽ không thực chất, không thành công nếu như những khuôn mẫu giới, định kiến giới vẫn tồn tại.

Vì vậy, việc xóa bỏ những định kiến và phân biệt đối xử theo giới này hay ít nhất là làm giảm thiểu những tác động tiêu cực của khuôn mẫu giới – cơ sở nhận thức mang tính chủ quan làm hình thành nên định kiến và phân biệt đối xử giới là hết sức cần thiết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *