Các quốc gia trên thế giới đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt như cách ly và giãn cách xã hội để làm chậm sự lây lan của vi rút corona. Trong khoảng thời gian khốn khó này, ngôi nhà của chúng ta có thể không phải là điểm nóng của Covid-19, nhưng nó lại là điểm nóng cho một cuộc khủng hoảng khác mang tên “Cuộc khủng hoảng bản sắc” (Khủng hoảng nhận dạng/Khủng hoảng danh tính).
“KHỦNG HOẢNG BẢN SẮC” LÀ GÌ?
Theo Từ điển Merriam-Webster, thuật ngữ “khủng hoảng bản sắc” là “xung đột tâm lý cá nhân, đặc biệt dễ xảy ra ở độ tuổi vị thành niên. Nó mang đến cảm giác bối rối về vai trò của bản thân trong xã hội cũng như đánh mất dần nhận thức về bản sắc riêng của cá nhân”.
Khi bị mắc kẹt ở nhà trong đợt bùng phát của dịch COVID-19, nhiều người trong chúng ta đã phải đánh giá lại danh tính của mình. Đại dịch này không chỉ đe dọa sức khỏe thể chất cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của chúng ta một cách nghiêm trọng. Nó khiến chúng ta tự hỏi liệu con đường chúng ta theo đuổi bấy lâu nay có đúng đắn, và cuộc sống của chúng ta đang đi về đâu. Giá trị, tinh thần và niềm tin của chúng ta bây giờ dường như trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết. Và đột nhiên, chúng ta mất hứng thú với những thứ đã từng mang lại niềm vui cho mình. Một số dấu hiệu điển hình khác của khủng hoảng bản sắc bao gồm sự cáu kỉnh, cảm giác u ám và tuyệt vọng.
Trên thực tế, việc chúng ta tự vấn về bản sắc của mình là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu nó bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ hoặc sinh hoạt hàng ngày của chúng ta thì có thể ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng bản sắc.
TẠI SAO NÓ LẠI XẢY RA?
Khủng hoảng bản sắc có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào, vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời của một người. Cũng như các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, cuộc khủng hoảng này có thể phát sinh do những sự việc gây căng thẳng lớn trong cuộc sống như ly hôn, kết hôn, học đại học xa nhà hoặc mất người thân.
Trong trường hợp của đại dịch corona, chẳng phải là nói quá khi khẳng định rằng cuộc sống của chúng ta đã thay đổi chóng mặt chỉ trong vài tuần ngắn ngủi. Đại dịch đã ảnh hưởng đến cách chúng ta làm việc, học tập và tương tác lẫn nhau. Sự bấp bênh và không thể đoán trước của cuộc sống trong thời kỳ đại dịch đòi hỏi chúng ta phải tìm lại con đường của mình, trong một tình thế mà chúng ta chưa từng đối mặt trước đây. Ngay cả những người có tinh thần vững vàng nhất cũng có thể dễ dàng cảm thấy choáng ngợp và hoảng sợ vào một thời điểm nào đó bởi sự thay đổi liên tục, mạnh mẽ và luồng thông tin mâu thuẫn xung quanh vi rút và đại dịch.
Sự bùng phát đột ngột của đại dịch không chỉ khiến chúng ta hoang mang tột độ mà còn cô lập ta khỏi những người thân yêu của mình. Khi chúng ta buộc phải ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của vi rút, cảm giác cô đơn cũng là một nhân tố tác động đáng kể khiến chúng ta rơi vào khủng hoảng danh tính.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TIM LẠI BẢN SẮC TRONG ĐẠI DỊCH?
Tuy không có phương pháp điều trị cụ thể nào để đối phó với cuộc khủng hoảng này, nhưng may mắn thay, có một số cách thức có thể giúp ích chúng ta giảm bớt tác động tiêu cực của nó:
ᐅ Chiêm nghiệm và khám phá bản thân
Dành một chút thời gian để lắng nghe và thấu hiểu bản thân sẽ giúp ta tăng khả năng đối phó với các tình huống căng thẳng.
Trước hết, hãy cân nhắc việc thực hiện một bài trắc nghiệm tính cách miễn phí như bài kiểm tra DISC. DiSC là từ viết tắt của bốn đặc điểm tính cách chính được mô tả trong mô hình DiSC: Dominance (Thống trị), Influence (Ảnh hưởng), Steadiness (Kiên định) và Compliance (Tuân thủ). Bài trắc nghiệm tính cách này là một công cụ tuyệt vời để khám phá những điều mà chúng ta có thể chưa biết về bản thân, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị của chúng ta.
Chúng ta cũng có thể nâng cao nhận thức về bản thân trong thời gian này bằng cách tiếp thu phản hồi từ đồng nghiệp, gia đình, và bạn bè. Đôi khi những nguồn kiến thức tốt nhất về bản thân lại đến từ những người khác. Cách chúng ta được nhìn nhận bởi những người mà chúng ta tin tưởng có thể tiết lộ rất nhiều điểm mạnh và hạn chế của bản thân nhằm thúc đẩy một ý thức bản sắc vững vàng hơn.
Một cách khác để kết nối lại với bản thân là theo dõi cảm xúc của chúng ta thông qua việc viết nhật ký, thiền định hoặc sử dụng sổ, ứng dụng theo dõi tâm trạng. Hoặc đơn giản hơn, chúng ta có thể cần lắng nghe tiếng nói bên trong của mình bằng cách trả lời một số câu hỏi để giải tỏa tâm trí và chiêm nghiệm lại trải nghiệm của chúng ta với những thay đổi do Đại dịch gây ra.
Các câu hỏi gợi ý bao gồm:
- Đại dịch đã thay đổi lối sống, thói quen và suy nghĩ của chúng ta như thế nào?
- Chúng ta đã làm gì để thích ứng với những điều mới mẻ này?
- Chúng ta cảm thấy thế nào về những thay đổi này?
- Đâu là điều tích cực và tiêu cực về trải nghiệm này?
- Chúng ta đã học được gì từ đại dịch này?
- Chúng ta có thể làm gì để biến trải nghiệm này trở thành một trải nghiệm tích cực hơn cho chúng ta cả về tinh thần và thể chất?
- Chúng ta sẽ làm gì nếu một tình huống tương tự xảy ra trong tương lai?
P/s: Những câu hỏi đó được tác giả tùy chỉnh dựa trên Mô hình Phản tư của Gibbs.
ᐅ Thử thách bản thân
Trong cái rủi, có cái may vì chúng ta có thể tận dụng thời gian này để thử thách bản thân bằng cách học một điều gì đó mới hoặc làm những điều mà chúng ta đã bỏ dở từ lâu. Với sự phổ biến của việc học trực tuyến trong đại dịch như hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin hoặc tham gia các khóa học online để học bất cứ điều gì, cho dù đó là một kỹ năng chuyên môn hay chỉ đơn giản là một sở thích, hoặc thói quen lành mạnh mới mà ta muốn theo đuổi.
Tuy nhiên, việc thử thách bản thân sẽ phản tác dụng nếu chúng ta cố gắng nhồi nhét mọi kiến thức cùng một lúc mà không có sự chọn lọc. Thay vì lao vào học một cách vô định, hãy dành thời gian khám phá bể thông tin rộng lớn này để chúng ta có thể dần dần nhận ra sở thích, đam mê của mình và xác định lại hoặc củng cố ý thức về mục tiêu cuộc đời của chúng ta.
ᐅ Sắp xếp lại không gian của bản thân mỗi ngày
Dù có vẻ không liên quan nhưng việc sắp xếp và dọn dẹp đã được minh chứng là có tác động đến sức khỏe tâm lý của một người. Do những hạn chế về việc di chuyển trong đại dịch, cuộc sống của chúng ta bây giờ chỉ gói gọn trong một ngôi nhà, hay thậm chí trong một căn phòng, vì vậy, việc giữ cho không gian đó dọn gàng và ngăn nắp là điều rất quan trọng. Khoa học đã chứng minh rằng quá trình dọn dẹp giúp giải phóng endorphin – Một loại hormone hạnh phúc giúp giảm đau và mang lại tinh thần sảng khoái, tích cực hơn. Nói cách khác, ngôi nhà của chúng ta càng ít lộn xộn, tâm trí của chúng ta cũng càng ít lộn xộn theo.
Chúng ta chỉ có thể kết nối với nội tâm của mình khi ở trong trạng thái tĩnh lặng của tâm trí. Trong khi đó, việc sinh hoạt trong một căn phòng hỗn loạn và bừa bộn sẽ khiến chúng ta thấy quá tải, điều này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề khủng hoảng danh tính của chúng ta mà thôi.
Cách lý tưởng nhất để duy trì sự ngăn nắp là kiên trì thực hiện nó từng chút mỗi ngày. Nếu việc dọn dẹp trở thành một phần trong thói quen hàng ngày của chúng ta, thì nó sẽ không mang cảm giác như một nhiệm vụ nặng nề nữa và thay vào đó nó sẽ biến thành một quá trình chữa lành thú vị và đầy thư giãn.
ᐅ Tạo sự kết nối với thiên nhiên
Sự kết nối với thế giới tự nhiên trong thời gian giãn cách có thể mang lại sức sống cho cuộc sống u ám của chúng ta. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cần tiếp xúc với thiên nhiên trong 20 phút cũng giúp giảm bớt căng thẳng nhưng trong thời gian cách ly xã hội, khu vườn trong nhà, ban công và bệ cửa sổ đã trở thành thiên đường cho hàng triệu người. Ngắm nhìn sự phát triển của cây cối mỗi ngày không chỉ mang lại cho chúng ta hy vọng mà còn giúp chúng giải tỏa áp lực tinh thần.
Nếu chúng ta không có một không gian cho cả một khu vườn thì một chậu cây nhỏ đặt gọn trên bàn làm việc như một chậu cây xương rồng mini cũng đủ để tạo sự khác biệt.
ᐅ Thực hành thói quen trực tuyến lành mạnh
Những thói quen lành mạnh vừa là nền tảng cho trải nghiệm trực tuyến tích cực và an toàn hơn và vừa giúp ta cảm thấy ổn định hơn về bản thân và tinh thần. Mặc dù dành thời gian ở nhà có thể là cơ hội tuyệt vời để chúng ta khám phá thế giới Internet, chúng ta cần xem xét lại giới hạn và ranh giới của bản thân trong thế giới đó.
Thứ nhất, cần có sự cân bằng giữa việc cập nhật thông tin về các hướng dẫn phòng dịch cần thiết và việc tiếp thu quá nhiều những tin tức tiêu cực. Các tiêu đề u ám, nặng nề tưởng chừng như vô hại nhưng lại có thể ảnh hưởng đến chúng ta một cách vô thức. Vì vậy, hãy cố gắng tỉnh táo khi lựa chọn nguồn thông tin để không vô tình tự đầy bản thân vào cảm giác căng thẳng và lạc lõng giữa những tin tức ảm đạm.
Thứ hai, nạn bắt nạt trên mạng đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong đại dịch, nên ngay lúc này, chúng ta cần học cách bảo vệ bản thân trước những ý kiến của người khác trên internet. Giá trị bản thân và bản sắc của chúng ta đang trở nên dễ dàng bị tấn công và đe dọa hơn bao giờ hết bởi những bình luận lăng mạ, xúc phạm từ những người lạ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Twitter. Chính bởi lẽ đó mà chúng ta cần biết cách phân biệt giữa đóng góp mang tính xây dựng với phát ngôn thù ghét nhằm làm tổn thương cảm xúc của chúng ta và khiến chúng ta nghi ngờ giá trị của mình.
Một số kế hoạch hành động khác cho chúng ta khi online là: - Điều chỉnh chế độ quyền riêng tư trên các trang mạng xã hội
Để tự bảo vệ mình trước những lời phỉ báng tràn lan trên mạng xã hội, ta nên xem lại và điều chỉnh các tùy chọn cài đặt quyền riêng tư cho tài khoản của mình. Thông tin cá nhân của chúng ta càng được bảo mật tốt, thì những cá nhân có ý định xấu càng khó quấy rối hoặc bắt nạt chúng ta trên mạng. - Báo cáo, gắn cờ và yêu cầu xóa nội dung không phù hợp
Khi chúng ta nhận thấy những nội dung xúc phạm hoặc phỉ báng trên các nền tảng mạng xã hội, chúng ta có quyền báo cáo, gắn cờ hoặc yêu cầu xóa nội dung đó. Điều này không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ những người dùng khác khỏi các nguồn quấy rối đó. - Hạn chế thời gian tiếp xúc màn hình
Hãy nhớ cân bằng giữa việc giải trí trực tuyến với các hoạt động ngoại tuyến, bao gồm cả thời gian bên ngoài, nếu có thể. Điều này không dễ thực hiện trong bối cảnh đại dịch nhưng chúng ta không nhất thiết phải cắt giảm hoàn toàn việc sử dụng các thiết bị công nghệ mà chỉ cần xen kẽ thời gian tiếp xúc màn hình vi tính, điện thoại với thời gian nghỉ ngơi sao cho hợp lý.
ᐅ Nâng cao nhận thức về cơ thể bản thân
Để kết nối lại một cách toàn vẹn nhất với bản thân, chúng ta cũng nên chăm sóc sức khỏe thể chất của mình. Một nhận thức tốt về thể chất sẽ củng cố sự tự tin của chúng ta và tiếp thêm năng lượng cho chúng ta trên con đường tìm kiếm bản sắc của mình. Có rất nhiều cách để chúng ta chăm sóc cho cơ thể của mình, chẳng hạn như thiền, yoga là những cách hiệu quả để vừa nâng cao nhận thức bản sắc của bản thân lại vừa cải thiện chất lượng cuộc sống của chính mình.
ᐅ Đi tìm sự hỗ trợ
Nếu cuộc khủng hoảng bản sắc này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta, thì đã đến lúc ta tìm kiếm thêm sự trợ giúp từ bên ngoài. Chúng ta không cần phải đơn độc trong trận chiến này để định vị lại nhận dạng của mình. Việc duy trì liên lạc và kết nối với những người mà ta yêu thương và tin cậy trong thời kỳ đại dịch cũng giúp nhận thức bản sắc của ta và mang lại cho chúng ta cảm giác có nơi thuộc về. Chúng ta hoàn toàn có thể liên lạc với bạn bè, gia đình và những người quan trọng khác thông qua các ứng dụng nhắn tin và gọi điện video trực tuyến. Ngoài ra, ta còn có lựa chọn tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn từ các nhóm hỗ trợ sức khỏe tâm thần hoặc các nhà trị liệu tâm lý cá nhân.
Hành trình vượt qua khủng hoảng danh tính có thể là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và học hỏi không ngừng và không có một công thức chung nào để giải quyết nó một cách triệt để, đặc biệt là giữa diễn biến khó lường và phức tạp của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở việc nỗ lực đi từng bước nhỏ mỗi ngày để lấy lại bản sắc của chúng ta và đạt được sự bình yên bên trong tâm hồn.