Khủng hoảng Iran 1946 – khi Iran “khô máu'' giữ đất!(Lần trước đã viết chr…

Khủng hoảng Iran 1946 – khi Iran “khô máu” giữ đất!

Khủng hoảng Iran 1946 – khi Iran “khô máu” giữ đất!
(Lần trước đã viết chru đề này 1 lần rồi nên lần này sẽ chú trọng phần hình ảnh tư liệu)
Vô cùng hài hước khi toàn thế giới (trong đó có nước Azerbaijan), người ta gọi sự kiện này là ”khủng hoảng Iran”, còn trong nước Iran người ta gọi là ”Khủng hoảng Azerbaijan”. Đây là một trong những cuộc đối đầu đầu tiên trong chiến tranh Lạnh, nhưng vì những nguyên nhân khó hiểu nào đó rất ít được nói đến, có thể là do tình trạng bị cấm vận và cô lập của Iran. Đó cũng là lý do gây ra sự khác biệt về tên gọi sự kiện ở Iran và ở nước ngoài Cũng vì thế mà khi nói đến lịch sử Iran người ta thường bỏ qua giai đoạn lịch sử này, trong khi ở Iran người ta rất coi trọng, vì nó được coi là một trong 2 sự kiện quan trọng nhất để bảo vệ sự tồn vong cho dân tộc Ba Tư trong thế kỷ 20, bên cạnh cuộc ”thánh chiến 8 năm” chống Iraq.
Vậy năm 1946 ở Iran có sự kiện gì? Ngược lại thời gian một chút, vào năm 1941 sau khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, phe đồng minh Anh-Mỹ đã lên kế hoạch tìm một con đường ngắn nhất để viện trợ khẩn cấp cho Liên Xô. Khi các con đường qua châu Âu, Siberia, Trung Hoa hay Bắc Cực đều khó khăn và bị chặn thì lựa chọn duy nhất còn lại là qua Trung Đông – cụ thể là Iran – đồng thời cũng để tận dụng luôn nguồn dầu mỏ tại chỗ của nước này. Thế là năm 1941, hàng trăm nghìn quân Liên Xô và quân Anh tràn vào xâm lược Iran, nhanh chóng đè bẹp quân đội nước này và chiếm đóng nó.
Sau khi thế chiến 2 kết thúc, người ta nhất trí rằng nên trả Iran về trung lập trở lại. Quân Anh rút đi từ khi thế chiến còn chưa kết thúc, trả lại chính quyền và thủ đô Teheran cho thái tử Ba Tư. Tuy nhiên, người Ba Tư chưa hết phấn khởi thì ở phía Bắc vấn đề đã nảy sinh. Đến hạn rút quân, quân đội Liên Xô vẫn ở lại. Trong khi chính quyền Iran đang ngây ngô vận động quân Liên Xô rút sớm thì bất ngờ ngày vào tháng 9 và tháng 12 năm 1945, hai chính phủ của người Azerbaijan và người Kurd bỗng nhiên từ dưới đất chui lên, tuyên bố thành lập 2 quốc gia độc lập và tách khỏi Iran.
Lúc này người Iran mới té ngửa: hóa ra Liên Xô đã ém sẵn những lãnh đạo ly khai người Kurd và Azerbaijan trong nhiều năm, khi có cơ hội sẽ giúp họ thành lập nước độc lập trên lãnh thổ miền Bắc Iran. Với người Azerbaijan, Liên Xô đưa Ja’far Pishevari – một người Azerbaijan sinh ra ở Iran nhưng đã lưu vong ở Liên Xô từ năm 1918 – về nước và kêu gọi sắc dân Azerbaijan thiểu số ly khai khỏi Iran. Điều cần chú ý ở đây là người Azerbaijan đã có quốc gia riêng của mình – nước CHXNCN Xô Viết Azerbaijan trong Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên vào những năm 1930s, chính quyền Xô Viết đã thực hiện tái phố trí dân cư ở vùng Bắc Kavkaz, trong đó người Azerbaijan đã bị mất nhiều vùng đất vào tay các dân tộc khác như Chechen và Armenia – những dân tộc được ”ưu ái” hơn. Vậy nên khi chiếm đóng miền Bắc Iran, lãnh tụ Stalin có vẻ đã hứa hẹn với người Azerbaijan về một quốc gia mới, thậm chí rộng gấp 3 lần quốc gia hiện tại của họ. Vậy là tháng 9/1945, nước Cộng hòa nhân dân Azerbaijan được thành lập trên lãnh thổ Iran do Ja’far Pishevari đúng đầu.
Tương tự như trên là người Kurd. Từ lâu nhiều lãnh đạo độc lập người Kurd ở cả 2 nước Iran và Iraq đã lưu vong đến Liên Xô, định dựa vào Liên Xô để giành độc lập. Vậy nên khi cơ hội đến, Liên Xô đã thực hiện yêu cầu này của người Kurd. Tháng 12/1945, nước Cộng hòa Mahabad của người Kurd được thành lập trên vùng biên giới Iran-Iraq, do tướng quân đội thân Liên Xô Qazi Muhammad lãnh đạo.
Tuy nhiên, không chấp nhận bị tước đoạt lãnh thổ ngang ngược như vậy, người Iran đã ”khô máu” với Liên Xô để giữ đất. Họ gọi sự kiện này là ”Khủng hoảng Azerbaijan” để chỉ bản chất là Liên Xô kích động người Azerbaijan ly khai. Dĩ nhiên chỉ khô máu không thôi là chưa đủ, Iran đã kêu gọi thế giới gây áp lực với Liên Xô buộc họ phải rút quân và tôn trọng lãnh thổ Iran. Trong bối cảnh như thế, Anh và Mỹ đã đứng về phía Iran, gây áp lực với Stalin buộc ông tôn trọng các thỏa thuận. Đây cũng được coi là lần đầu tiên, ”Học thuyết ngăn chặn” của Tổng thống Truman được đưa vào thực tế.
Song hành với các áp lực quốc tế, quân đội Iran đã thực hiện các chiến dịch quân sự chống lại quân ly khai. Nói vậy chứ trên thực tế các chiến dịch quân sự của Iran chủ yếu nhằm vào người Kurd, còn người Azerbaijan có quân Liên Xô trực tiếp bảo kê nên Iran cũng có phần ”ngại tay”. Các chiến dịch này không thể nói là thành công. Du kích người Kurd được Liên Xô huấn luyện và hỗ trợ vũ khí đã chống trả quân Iran hiệu quả. Hàng nghìn binh sĩ Iran đã thiệt mạng trong các chiến dịch từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1946, một thiệt hại khá lớn nếu so với quân đội vừa mới xây dựng lại của Iran.
Dù vậy, cuối cùng thì thành công quân sự của người Kurd đã trở thành vô nghĩa. Liên Xô đã đầu hàng các áp lực quốc tế của Mỹ-Anh, chấp nhận từ bỏ các nước cộng hòa mà họ tạo ra. Dĩ nhiên là không có chuyện bỏ không. Để đổi lấy việc Liên Xô rút lui, Anh và Mỹ đã ép Iran phải ký kết các hiệp ước bất bình đẳng, trao cho Liên Xô 60% đến 80% các mỏ dầu miền Bắc Iran. Thảo thuận được chấp nhận, Iran chấp nhận hy sinh tài nguyên để đổi lấy toàn vẹn lãnh thổ của mình. Dù sao thì đến sau này khi cuộc đảo chính năm 1953 diễn ra ở Iran, chính phủ mới của họ cũng xé bỏ các hiệp ước bất bình đẳng ký với Liên Xô trước đó.
2 nước cộng hòa do Liên Xô tạo ra bị bỏ rơi, không thể chống lại sức mạnh của Iran khi họ tiến quân thu hồi lãnh thổ. Các lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Azerbaijan nhanh chóng bỏ chạy về Liên Xô, về lại nước Cộng hòa XHCN Xô Viết Azerbaijan. Tuy vậy, lãnh đạo của họ – Ja’far Pishevari – vẫn không thoát khỏi thảm kịch. Ngày 11/6/1947, Ja’far Pishevari bị xe đâm chết trên đường phố thủ đô Baku trong một ngày bình thường. Cái chết bí ẩn của Ja’far Pishevari bị nghi ngờ do tình báo KGB thủ tiêu.
Còn các lãnh đạo người Kurd, họ không có nơi nào để đi. Ở Liên Xô không có nước Cộng hòa nào cho người Kurd. Vì vậy họ ở lại Iran chấp nhận số phận. Số phận của họ là phần lớn bị Iran cho lên giá treo cổ tử hình. Phong trào độc lập của người Kurd ở Iran sau đó vẫn còn âm ỉ nhưng chưa bao giờ có được thành công đáng kể nào từ đó đến nay.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *