KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH – MẮC KẸT VỚI CHÍNH MÌNH

Năm 2020 là một năm rất đặc biệt, về cả con số và cách mà nó mang đến những sự kiện làm chấn động cả loài người.
Sáng nay đọc được một bài viết gọi tên năm đặc biệt này rất hay, đó là “khóa tu toàn cầu”, khi mà mỗi người bị buộc phải ngồi lại với chính mình và chỉ duy nhất bản thân mình, từ đó gạn lọc lại những điều đã xảy ra và chọn cho mình hướng đi một khi cuộc khủng hoảng này kết thúc.
Sở dĩ từ “khủng hoảng” được nhắc đến nhiều bởi đây là một trong những thời điểm cột mốc, đánh dấu sự biến chuyển về mọi mặt ở quy mô toàn câu. Khi bạn đã bám víu vào sự an toàn quá lâu, thì tất yếu khi có thay đổi xảy ra, bạn sẽ lập tức lâm vào khủng hoàng. Và đó cũng là cách mà “khủng hoảng hiện sinh” len lỏi ngày một dày đặc hơn vào đời sống con người, đặc biệt là giới trẻ, kể từ sau Thế chiến thứ 2.
KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH LÀ GÌ VÀ VÌ SAO NGÀY CÀNG NHIỀU NGƯỜI MẮC PHẢI?
Dấu hiệu rõ rệt nhất của khủng hoảng hiện sinh đó là khi con người bắt đầu đặt nhiều câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại của chính họ.
Đến một lúc nào đó, họ bỗng nhận ra guồng xoáy thức dậy – đi học – về nhà hay thức dậy – đi làm – về nhà bỗng trở nên hết sức vô nghĩa, họ thừ người trước chính mình và tự hỏi “Rốt cuộc mình sinh ra là để làm gì?”
Nếu bạn cũng từng hoặc vẫn đang như vậy thì yên tâm, vì bạn không phải là người duy nhất.
Khái niệm khủng hoảng hiện sinh (existential crisis) ra đời lần đầu tiên vào năm 1930 nói về những người Do Thái phải tìm cách sống sót sau thảm họa diệt chủng.
Về sau, khái niệm này dần được đặt vào nghiên cứu theo góc nhìn tâm lý học, dựa trên một nhánh triết học có tên là chủ nghĩ hiện sinh (existentialism) nói về sự tồn tại của con người.
Dễ hiểu mà nói, hiện tượng này có thể xảy ra ở hầu hết mọi độ tuổi, nhưng tập trung nhiều ở những giai đoạn biến chuyến quan trọng trong một đời người, dưới hình dạng là một cuộc đấu tranh nội tâm để tìm kiếm con đường cho chính mình.
Khủng hoảng hiện sinh có thể xuất hiện bởi một vài nguyên do:
– Cảm giác tội lỗi
– Cảm giác không thỏa mãn về mặt xã hội
– Sự không hài lòng với bản thân
– Sự tích tụ của nhiều cảm xúc tiêu cực
Chính những nguyên do này cũng hình thành nên các dạng thức khủng hoảng khác nhau, như khủng hoảng về tự do, trách nhiệm, sự cô lập hay danh tính văn hoá.
CÁC DẠNG THỨC KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH
1. Khủng hoảng về tự do và trách nhiệm
Tự do chính là mục đích mà gần như ai trong chúng ta cũng hướng đến. Thế nhưng, tự do luôn luôn tồn tại song song với trách nhiệm và lựa chọn. Việc có trong tay sự tự do khi đứng ở “ngã 3 đường”, nơi phải lựa chọn giữa nhiều phương án khác nhau cũng khiến con người dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng.
Điển hình như việc chọn lựa nghề nghiệp tương lai và phải chịu mọi trách nhiệm xảy ra phía sau lựa chọn đó. Đối với một số người, sự tự do này mang đến quá nhiều áp lực, đặc biệt với những ai chưa từng phải chịu trách nhiệm, như những người trẻ đang chuyển tiếp từ giai đoạn sống cùng gia đình sang giai đoạn tự lập.
2. Khủng hoảng về sự cô lập và thiếu kết nối
Con người vốn dĩ là sinh vật sống bầy đàn, nên việc mất kết nối với người khác quá lâu, như cách mà Covid đã khiến cho cả thế giới phải tự đóng cửa, đã khiến ngày càng nhiều người rơi vào khủng hoảng hiện sinh.
Mất đi nối kết với bạn bè và những người thân yêu, nhiều người sau khoảng thời gian cô độc kéo dài bắt đầu xuất hiện nhiều triệu chứng như rơi vào trầm cảm, khủng hoảng như một kết quả tất yếu của việc thiếu đi kết nối tình cảm và thỏa mãn nhu cầu được yêu thương.
3. Khủng hoảng về ý nghĩa cuộc đời
Thiếu đi những ý nghĩa hay lý tưởng quan trọng của cuộc đời, nhiều người dễ dàng rơi vào trạng thái chênh vênh khi đến một độ tuổi nhất định buộc họ bắt đầu phải buông bỏ sự an toàn vốn dĩ khi được bảo bọc trong vòng tay của gia đình và kiếm tìm ý nghĩa thật sự cho sự tồn tại của chính mình.
Người rơi vào trạng thái khủng hoảng này dễ dàng tìm thấy sự bất ý trong bất kỳ khía cạnh nào của cuộc đời, họ thấy không ổn vì họ không có bất kỳ trụ cột nào níu giữ sự tồn tại mà chỉ đơn giản là để mọi thứ trôi qua theo thời gian.
4. Khủng hoảng cảm xúc
Một người với quá nhiều cảm xúc tiêu cực được tích tụ qua thời gian cũng dễ dàng lâm vào khủng hoảng hiện sinh. Một mặt khi phải đối đầu với cảm xúc, và một mặt khác khi phải che giấu cảm xúc đó trong một thời gian dài.
Không cho phép bản thân cảm nhận những cảm xúc tiêu cực cũng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Một số người né tránh nỗi đau và đau khổ và nghĩ rằng điều này sẽ làm cho họ hạnh phúc. Nhưng trái ngược, điều này lại có thể dẫn đến cảm giác hạnh phúc giả tạo. Khi bạn không trải nghiệm hạnh phúc thực sự, cuộc sống của bạn có thể dễ dàng trở nên trống rỗng.
ĐÃ ĐẾN LÚC TA PHẢI TỰ TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA MÌNH, VỚI MỘT VÀI SỰ TRỢ GIÚP
Xu hướng tìm đến chánh niệm và cải thiện sức khỏe tinh thần đã trở thành chiếc phao cứu sinh hiện hữu và ngày càng phát huy được nhiều tác dụng khi giúp đỡ một số người tìm ra câu trả lời cho cuộc đời mình.
Một số khái niệm gần đây đã được đưa ra với các từ khóa như “tỉnh thức” hay “giác ngộ”, vốn dĩ từng được đề cập như các khái niệm thuần về tôn giáo, ngày nay đã trở thành một trong các phương án tham khảo nếu bạn là người đang chơi vơi giữa cuộc khủng hoảng về sự tồn tại của chính mình. Bạn có thể tham khảo thêm ở một bài viết mà mình cảm thấy tâm đắc về chủ đề này tại: https://www.facebook.com/buithanhtam/posts/10219537114203389.
Ngoài ra, khủng hoảng hiện sinh thật sự cần nên được nhìn nhận dưới một khía cạnh nghiêm túc và được hỗ trợ nhiều hơn từ các chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia tâm lý. Việc tìm đến chuyên gia tâm lý tại Việt Nam cũng nên được tái định nghĩa là một phương thức văn minh, đại trà và vô cùng bình thường để có thể cùng chung sức hỗ trợ cải thiện sức khỏe tinh thần đang ngày một xuống dốc bởi nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *