khu-bao-ton-thien-nhien-bat-xat-sap-duoc-cong-nhan-la-vuon-quoc-gia-roi

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát sắp được công nhận là Vườn quốc gia rồi

Nâng tầm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát của Lào Cai lên Vườn Quốc gia - Ảnh 1.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát của tỉnh Lào Cai có diện tích hơn 18.600ha. Ảnh: Mùa Xuân.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có tính đa dạng sinh học cao

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát được thành lập năm 2016 theo Quyết định của UBND tỉnh Lào Cai và nằm trong quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng Quốc gia. Với diện tích hơn 18.600ha nằm trên địa bàn của 5 xã Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và xã Nậm Pung, huyện Bát Xát.

Nằm ở đầu dãy núi cao Hoàng Liên Sơn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát là khu rừng có đặc tính đa dạng sinh học cao tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng lùn trên núi cao. Khi điều tra, khảo sát xây dựng đề án thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đã ghi nhận được 940 loài thực vật, 157 loài động vật có xương sống trên cạn. Trong đó, có tới 22 loài động vật thuộc sách đỏ thế giới, 58 loài thuộc sách đỏ Việt Nam.

Thông qua các đợt điều tra chuyên sâu về đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, đã ghi nhận bổ sung 36 loài thực vật, 16 loài động vật, trong số này, có đến 6 loài mới cho khoa học, đặc biệt có 1 loài mới ghi nhận duy nhất tại đỉnh núi Ky Quan San. Điều đó cho thấy tính chất đặc biệt và tầm quan trọng của hệ sinh thái tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Nâng tầm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát của Lào Cai lên Vườn Quốc gia - Ảnh 2.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, tỉnh Lào Cai có tính đa dạng sinh học cao. Ảnh: Mùa Xuân.

Đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cũng ghi nhận được 4 hệ sinh thái rừng gồm: Rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp; rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim á nhiệt đới núi thấp; rừng kín lá rộng thường xanh núi vừa và rừng kín lá rộng thường xanh ôn đới núi cao, lạnh. Đặc biệt là hệ sinh thái rừng thường xanh ôn đới núi cao được xác định quan trọng bậc nhất Việt Nam.

Ngoài ra, yếu tố đặc hữu ghi nhận được 6 loài ếch nhái, đây là những loài mới cho khoa học, được công bố từ năm 2013 ‑ 2021, trong đó, loài cóc mày bốt-pho – Leptobrachella botsfordi đề xuất thành công trong danh mục đỏ thế giới ở cấp phân hạng CR – (Rất nguy cấp – Critically Endangered). Xét bình diện tổng thể có 225 loài quý hiếm trong các thang phân loại hiện nay (sách đỏ Việt Nam, sách đỏ thế giới, công ước quốc tế về buôn bán động thực vật và nghị định 06/2019 của Chính phủ), trong đó, thực vật 173 loài và động vật 52 loài.

Nâng tầm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát của Lào Cai lên Vườn Quốc gia - Ảnh 3.

Kim tuyến tơ (Anoectochilus setaceus). Ảnh: Khu BTTN Bát Xát.

Nâng tầm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát của Lào Cai lên Vườn Quốc gia - Ảnh 4.

Cóc mày bốt-pho – Leptobrachella botsfordi. Ảnh: Khu BTTN Bát Xát.

Về thành phần loài thực vật rừng, động vật rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát khá đa dạng, về thực vật ghi nhận được 976 loài thực vật bậc cao có mạch, 173 loài động vật có xương sống ở cạn cùng nhiều loài thực vật đặc hữu và mang địa danh Sa Pa.

Với diện tích đất Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát trên 18.600ha, trong đó, diện tích đất có rừng 16.760ha, đất chưa có rừng và đất khác 1.877ha. Với quy mô diện tích liền vùng của Khu Bảo tồn thiên nhiên này lớn hơn quy định tối thiểu về diện tích là 7.000ha và độ che phủ rừng tự đạt 89,9%, cao hơn quy định tối thiểu về độ che phủ rừng là 70%.

 Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát sẽ trở thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xanh trong tương lai

Theo quy hoạch phát triển của tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực Y Tý nằm trong quy hoạch phát triển không gian du lịch trọng điểm Vùng I – Tây Bắc (Sa Pa – Bát Xát – TP. Lào Cai). Tỉnh Lào Cai đang phấn đấu để Y Tý, huyện Bát Xát trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xanh theo tiêu chuẩn bền vững toàn cầu. 

Do đó, khi Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát được nâng hạng lên thành Vườn Quốc gia sẽ là yếu tố tự nhiên quyết định đến đặc trưng và làm nên thương hiệu Khu du lịch Y Tý. Khu du lịch này có thời tiết khí hậu trong lành, mát mẻ; những cảnh quan thiên nhiên đẹp, núi rừng hoang sơ, gắn liền với cuộc sống văn hóa sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.

Nâng tầm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát của Lào Cai lên Vườn Quốc gia - Ảnh 5.

Kiều lan sớm hoa to – Pleione grandiflora. Ảnh: Khu BTTN Bát Xát.

Khu Bảo tồn là khu vực có không khí trong lành, có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch sinh thái, với nhiều tuyến, điểm du lịch và các sản phẩm du lịch như khám phá thiên nhiên, leo núi chinh phục đỉnh cao, du lịch bản làng khám phá phong tục tập quán địa phương.

Bên cạnh đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có nhiều tiềm năng để hình thành các tuyến du lịch đặc trưng riêng có, leo núi mạo hiểm đến các đỉnh núi cao như: Tuyến du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Pu Ta Leng cao 3.049m; tuyến du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Ky Quan San cao 3.046m; tuyến du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San – thác Ong Chúa.

Các tuyến khám phá thiên nhiên đẹp Thác Đỏ – quần thể Thiết sam cổ thụ – đỉnh Cú Nhù San; tuyến khám phá di tích Đường đá cổ Pavie; tuyến thăm quan thác Hồng Ngài và cột mốc biên giới số 85. Và nhiều điểm có diện tích, cảnh quan thiên nhiên đẹp để hình thành các điểm phát triển các hoạt động du lịch sinh thái khác…

Nâng tầm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát của Lào Cai lên Vườn Quốc gia - Ảnh 6.

Hệ nấm quý hiếm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Khu BTTN Bát Xát.

Ông Ngô Kiên Trung, Hạt Trưởng, Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, cho biết: Hiện nay, Khu Bảo tồn đã hội tụ đầy đủ 3 yếu tố diện tích, tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên để nâng hạng thành Vườn Quốc gia. Việc thành lập Vườn Quốc gia trên cơ sở nâng cấp Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát sẽ tập trung bảo tồn kết hợp với sử dụng bền vững, phát huy giá trị Vườn quốc gia.

Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ trí thức truyền thống về nguồn gen.

Khi thay đổi về danh hiệu thì chức năng nhiệm vụ và vai trò của Vườn Quốc gia trong công tác bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái, phát triển kinh tế xã hội được nâng lên rõ rệt, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái… sẽ được tăng cường tương xứng với giá trị của Vườn Quốc gia.

Nâng tầm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát của Lào Cai lên Vườn Quốc gia - Ảnh 7.

Cán bộ, kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát tuần tra rừng. Ảnh: Khu BTTN Bát Xát.

Chủ trương và phương hướng nâng hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát lên thành Vườn Quốc gia Bát Xát đã được tỉnh Lào Cai đề xuất trong Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, các Bộ, ngành có liên quan đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *