Không kỷ luật sinh con thứ 3 với đảng viên: Quyết sách đúng đắn
Mới đây, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương vừa có văn bản gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Bộ Y tế thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc sơ kết thực hiện nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới và sửa đổi các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến chính sách dân số.
Bé sơ sinh chào đời tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: BVCC
Đáng chú ý, Bộ Chính trị cũng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, sửa đổi Quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số và chủ động sửa đổi Hướng dẫn số 05 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, đồng bộ với việc sửa đổi các quy định của pháp luật (không hồi tố những trường hợp đã bị xử lý kỷ luật).
Vấn đề này đã nhận được sự quan tâm của dư luận khi Việt Nam đang nỗ lực nâng tỷ suất sinh nhưng đảng viên sinh con thứ 3 vẫn bị kỷ luật.
GS.TS Hoàng Bá Thịnh, chuyên gia nghiên cứu Gia đình và Giới rất ủng hộ trước yêu cầu của Bộ Chính trị về việc bỏ xử lý kỷ luật trường hợp đảng viên sinh con thứ 3 trở lên. Ảnh: NVCC
Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Hoàng Bá Thịnh, chuyên gia nghiên cứu Gia đình và Giới rất ủng hộ trước yêu cầu của Bộ Chính trị về việc bỏ xử lý kỷ luật trường hợp đảng viên sinh con thứ 3 trở lên.
Ông Thịnh nêu dẫn chứng, theo thống kê, trong 3 năm liên tiếp, mức sinh thay thế đều giảm xuống, trong đó năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Nhìn chung cả nước bình quân không đạt mức sinh thay thế. Vì vậy, nếu cứ siết chặt quy định, kỷ luật đối với cán bộ viên chức, đảng viên vi phạm chính sách dân số như trước đây sẽ không còn phù hợp với tình hình mới.
“Việc này giúp cho một số đảng viên có điều kiện sinh con thứ 3, không lo bị kỷ luật. Nhờ đó khuyến khích sinh con, tăng tỉ lệ dân số tự nhiên. Từ quyết sách trên cho thấy Đảng, Nhà nước nhìn nhận vấn đề dân số phát triển giai đoạn này hết sức cần thiết, điều chỉnh những chính sách bất cập trong quá khứ không phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của đất nước thời điểm hiện tại.
Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, sửa đổi quy định của Đảng liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số và chủ động sửa đổi hướng dẫn theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ 3 trở lên đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng trong quá trình chuyển mình phát triển, bước vào kỷ nguyên vươn mình dân tộc”, ông Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, trước đây đảng viên sinh con thứ 3 bị kỷ luật. Chưa kể, việc đảng viên sắp đến kỳ bổ nhiệm, có con thứ 3 thì “coi như xong”, mất cơ hội thăng tiến. Điều này, ảnh hưởng một bộ phận người có năng lực lãnh đạo nhưng sinh con thứ 3 phải chịu thiệt thòi.
“Tuy nhiên, về mặt chính sách, xây dựng văn bản chính sách luật pháp luôn trải qua quá trình được điều chỉnh thay đổi phù hợp với điều kiện phát triển, với nhận thức của những người xây dựng chính sách trong từng giai đoạn cụ thể. Nhìn quá khứ rõ ràng thiệt cho một số đảng viên vì sinh con mà vướng kỷ luật. Tuy nhiên, chính sách mới này giúp cởi trói cho một bộ phận đảng viên muốn sinh thêm con”, ông Thịnh bày tỏ.
Theo ông Thịnh, giải pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con rất quan trọng. Những năm gần đây, giải pháp khuyến sinh trên thế giới nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng có tác dụng. Hiện nay, Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh đủ 2 con, cùng với đó là đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học… tại các khu vực có mức sinh thấp.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, chính sách này hấp dẫn được một bộ phận những người trẻ thu nhập thấp hoặc những người khó khăn. Còn nhóm bạn trẻ có thu nhập trung bình, khá giả thì họ không quan tâm điều này bởi họ xem chất lượng sống tốt hơn.
Chuyên gia hiến kế cần thêm nhiều chính sách đồng bộ
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, sửa đổi quy định liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp đảng viên sinh con thứ 3 trở lên là quyết sách đúng đắn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: NVCC
Sở dĩ, ông Sơn đánh giá như vậy bởi việc mức sinh thay thế ở Việt Nam giảm xuống chỉ còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024 là một tín hiệu đáng lo ngại, nhất là khi xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài.
“Đây không chỉ là con số thống kê mà còn là lời cảnh báo về những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, từ nguy cơ già hóa dân số đến sự thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai. Tôi nhận thấy việc công chức và đảng viên không bị kỷ luật nếu sinh thêm con, là một bước đi linh hoạt và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta cần sự thay đổi để tháo gỡ những rào cản tâm lý lâu nay và khuyến khích các gia đình cân nhắc việc sinh thêm con”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, việc này sẽ có tác động quan trọng với những đối tượng như công chức và đảng viên, những người thường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các quy định và chế tài trước đây.
“Việc này được thông qua sẽ góp phần thay đổi nhận thức trong xã hội, từ việc hạn chế sinh con sang việc xem trọng việc sinh đủ hoặc sinh thêm con để đảm bảo cân bằng dân số. Tuy nhiên, sự thay đổi này cần được hỗ trợ bởi các chính sách đồng bộ khác như cải thiện phúc lợi xã hội, hỗ trợ nuôi dạy con, và giảm áp lực kinh tế cho các gia đình.
Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu không chỉ là tăng mức sinh mà còn đảm bảo chất lượng cuộc sống cho thế hệ tương lai. Tôi tin rằng đây là một hướng đi đúng đắn, vừa kịp thời, vừa thể hiện sự linh hoạt của các nhà làm chính sách trước những thách thức lớn về dân số và phát triển bền vững”, ông Sơn đánh giá.