Không thần phục, Cao Câu Ly đánh bại 1,1 triệu quân ‘Thiên Triều’.

Năm 37 trước công nguyên, Cao Chu Mông (Go Jumong) thành lập nước Cao Câu Ly, đánh dấu một Vương triều kéo dài nhất lịch sử Triều Tiên và là một trong những Vương triều kéo dài nhất lịch sử thế giới. Cả cuộc đời của mình Jumong luôn chống lại sự thôn tính của nhà Hán nhằm xây dựng một nước Cao Câu Ly hùng mạnh và độc lập. Dù quyết tâm chống lại sự đô hộ của nhà Hán, nhưng có lẽ Jumong cũng không ngờ rằng sau này hậu duệ của mình đã đánh bại đội quân xâm lược lên đến hơn 1,1 triệu quân của người Trung Hoa.

Cao Câu Ly không thần phục, nhà Tùy tức giận

Năm 590 tại Cao Câu Ly, Anh Dương Vương lên ngôi Vua nhưng không quy thuận mà muốn có quan hệ bình đẳng với nhà Tùy, điều này khiến Tùy Văn Đế rất tức giận.

Năm 596, nhà Tùy phát hiện có sứ giả của Cao Câu Ly ở trong lều du mục của Hãn quốc Đông Thổ, Tùy Văn Đế liền gửi thư yêu cầu Cao Câu Ly hủy mọi liên minh với các dân tộc Turk và công nhận rằng Tùy là nước bá chủ. Tuy nhiên vua Anh Dương Vương không những không tuân theo mà còn cho quân quấy rối vùng biên giới.

Năm 598, Tùy Văn Đế cho 30 vạn quân tấn công Cao Câu Ly theo cả hai đường thủy bộ, nhưng bệnh tật cùng một cơn bão khủng khiếp khiến quân Tùy thất bại phải rút về.

Sau thất bại này, Tùy Văn Đế qua đời, Tùy Dạng Đế lên thay tiếp tục mưu đồ tấn công Cao Câu Ly.

Tháng 1/612, nhà Tùy huy động 30 đạo quân với con số hơn 1,1 triệu quân (nói phao lên là 2 triệu quân nhằm uy hiếp tinh thần) cùng thêm 2 triệu dân phu quyết tâm tiêu diệt Cao Câu Ly. Tùy Dạng Đế đích thân chỉ huy cuộc tấn công này.

Người Cao Câu Ly chống lại 1,1 triệu quân “Thiên Triều”

Khi đến Liêu Thủy, quân nhà Tùy bị quân Cao Câu Ly chặn đứng. Tả truân vệ đại tướng quân Mạch Thiết Trượng dẫn quân quyết chiến nhưng bị quân Cao Câu Ly đánh cho thảm bại, đại tướng Mạch Thiết Trương cùng một số tướng lĩnh khác bị tử trận, quân Tùy bị tổn thất rất lớn.

Vài ngày sau, quân Tùy tiến đánh một trận lớn ở Đông Ngạn và giành chiến thắng, quân Tùy tiến vào phòng tuyến Liêu Đông.

Quân Tùy vây chặt thành Liêu Đông, quân Cao Câu Ly cố thủ trong thành nhưng không kịp gia cố thành trì.

Tuy nhiên Tùy Dạng Đế lại yêu cầu các tướng nhà Tùy rằng bất kỳ cuộc tiến quân nào cũng phải được Vua đồng ý thì mới tiến hành. Vì thế các tướng nhà Tùy không dám tấn công ngay mà phải cho người đến xin Vua tiến đánh. Khi Tùy Dạng Đế đồng ý tiến đánh thì thành Liêu Đông đã kịp gia cố và chuẩn bị sẵn sàng.

Lúc này quân Tùy chia làm 2 cánh thủy bộ thực hiện tiến quân theo kế hoạch sau: Cánh quân thủy theo hướng đông nam tiến đến kinh đô Bình Nhưỡng, cánh quân bộ đánh phá phía tây nam rồi theo hướng đến Bình Nhưỡng. Hai cánh thủy bộ sẽ hội quân ở ngoại Bình Nhưỡng rồi cùng tiến đánh Kinh thành.

Cánh quân thủy tiến đánh tan một loạt tuyến phòng thủ trên đường thủy rồi tiến đến cách kinh đô Binh Nhưỡng chỉ 10 dặm. Tướng nhà Tùy là Hộ Nhi không chờ được quân bộ đến, liền cho quân tấn công Kinh thành nhưng bị đánh bại phải rút lui.

Cánh quân bộ của nhà Tùy tiến đánh thành Liêu Đông, cuộc chiến nơi đây diễn ra vô cùng ác liệt và kéo dài. Cuối cùng quân Tùy nhờ quân số đông cũng hạ được thành nhưng bị tổn thất rất lớn.

Vượt qua được phòng tuyến Liêu Đông, quân Tùy tiến về hướng kinh đô Bình Nhưỡng, quân Cao Câu Ly cố gắng cầm chân cánh quân này khiến họ không thể tiến nhanh được.

Thủy quân Tùy không chờ được cánh bộ, liền tấn công mạnh vào Bình Nhưỡng, gặp chống trả quyết liệt, nhưng với quân số đông hơn, quân Tùy cuối cùng vây chặt Bình Nhưỡng.

Quân Cao Câu Ly cố gắng dùng kỵ binh bất ngờ tấn công nhằm tiêu hao bớt binh lực quân Tùy.

Trận chiến sông Tát Thủy nổi tiếng lịch sử

Đến tháng 10/612, trong khi thủy quân nhà Tùy đang bao vây kinh đô Bình Nhưỡng, thì cánh quân bộ nhà Tùy mới đến bờ sông Tát Thủy (Sansu) nay là sông Thanh Xuyên (Ch’ongch’on) ở khu vực Chagang, Triều Tiên.

Tướng Ất Chi Văn Đức chỉ có 1 vạn kỵ binh nhưng đã chuẩn bị sẵn một thế trận chờ đón 30 vạn đại quân Tùy. Một con đập ngăn nước ở thượng nguồn được xây dựng, đồng thời quân Cao Câu Ly cũng mai phục sẵn chờ đợi.

Khi thấy quân Tùy đã đến, Ất Chi Văn Đức liền cho một cánh quân tấn công. Quân Tùy đánh trả kịch liệt, quân Cao Câu Ly rút chạy vê phía sông Tát Thủy và qua sông, quân Tùy đuổi theo.

Quân Tùy đuổi đến sông thì thấy nước sông rất nông liền cho quân qua sông để đuổi theo. Khi thấy quân Tùy ào ào tiến vào lòng sông, Ất Chi Văn Đức cho phá đập ngăn nước ở thượng nguồn. Nước từ thượng nguồn cuồn cuộn tràn xuống như thác đổ, quân Tùy bất ngờ không kịp trở tay, đại quân nhà Tùy bị nước sông Tát Thủy cuốn trôi.

Phục binh của Cao Câu Ly lúc này cũng tràn ra bắt được nhiều tướng và quân Tùy. Theo ghi chép từ lịch sử thì 30 – 35 vạn quân Tùy tới sông Tát Thủy mà chỉ có 2.700 quân trốn thoát trở về.

Thất bại trên sông Tát Thủy khiến các cánh quân Tùy không phối hợp liên kết được với nhau nên phải rút lui. Ngay cả cánh quân thủy đã tiến sát đến Bình Nhưỡng cũng lo ngại quân chủ lực của Cao Câu Ly kéo đến nên đã rút lui.
Sau thất bại này, các năm 613 và 614 nhà Tùy vẫn tiếp tục đưa quân chinh phạt Cao Câu Ly nhưng lần nào cũng đều thất bại.
Để phục vụ cho cuộc chiến tốn kém này, nhà Tùy đã phải tăng thuế trong dân, huy động dân chúng vận chuyển lương thực, chuẩn bị cho cuộc chiến này, khiến dân chúng lầm than, đói khổ. Nhiều nơi dân chúng nổi lên chống đối lại Triều đình. Những cuộc nổi dậy trong nước khiến nhà Tùy suy yếu rất nhanh, đến năm 619 thì mất.
Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền. Nếu lấy dân làm gốc thì có lẽ nhà Tùy sẽ còn hưng thịnh trong một thời gian dài sau đó…

Nguồn Tri Thức.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *