Khoảng đầu thế kỷ 20, bóng đá du nhập vào Hà Nội bắt đầu từ những trận đá vui với nhau của lính Pháp ở bãi đất trống gần chân Cột Cờ mà họ đặt cho cái tên là sân Mangin (Măng-gianh). Khi đó người Việt rất thích thú với môn thể thao này nhưng hầu như chưa ai hiểu luật và biết chơi thành thạo, chỉ tự tụ tập đá chơi với nhau ở nơi đất hoang, ngã ba, ngã tư vắng người bằng bóng cao su. Năm 1912, đội bóng đá Stade Hanoïen (Stát Hà Nội) ra đời gồm những người Pháp và người Việt đam mê bóng đá. Ngày 1/11/1913, trên sân Măng-gianh, trận đấu giữa Stade Hanoïen với các cầu thủ trụ cột người Pháp gặp đội Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 9 (9e Régiment d’Infanterie Coloniale – 9e RIC) được coi như trận ra mắt chính thức của Stade Hanoïen. Dù Stát Hà Nội thua với tỷ số 3-5 nhưng trận đấu đã góp phần cổ vũ phong trào đá bóng ở Hà Nội phát triển ngày càng rộng khắp và mạnh mẽ khi mà chỉ vài năm sau đã có hàng loạt đội bóng ra đời với đại đa phần là cầu thủ Việt như La Lance – Cây Giáo Thần, Eclair – Chớp Nhoáng, Lạc Long Sport, Auto Hall Club – Ô tô Han, Usaga – Hỏa Xa, Racing Club – Gà Nòi, Trường Bưởi, v.v.
Cách đây đúng 90 năm, bài tường thuật dưới đây đăng trên tuần báo Bắc Kỳ Thể Thao số 8 ngày 23/12/1930 đã phần nào cho thấy một không khí bóng đá cuồng nhiệt sục sôi của người Hà Nội khi đó qua giọng văn mà người thời nay thấy hài hước và hóm hỉnh. Theo bài báo, trận đấu này được đá ở bãi bờ sông gậm cầu có thể là tại sân bóng lúc đó mang tên Stade Lepage (Stát Lơ-pa) theo tên của một nhà máy sợi cũ nay không còn ở khu vực phố Nguyễn Thiếp, Nguyễn Thiện Thuật bây giờ.
+++++
«Lạc Long Sport» gặp gỡ «La Lance»
Một trận kinh thiên động địa, chủ nhật trước «Lạc-Long» đã thắng «hội tuyển Nam-Thành» một ván, trong trận đá ban lấy tiền làm việc nghĩa. Ngựa còn mỏi gối, tướng-sĩ còn chưa định hồn, mới bẩy hôm «Lạc-Long» đã vội khởi chiến cùng «La Lance»! Chiếc «giáo thần», mệnh danh một hội ban đại anh-hùng ở Hà-thành, mà «Lạc-Long» giám chơi chèo, đáng khen là bạo!
3 giờ chiều chủ-nhật 21 Décembre, ở bãi bờ sông, gậm cầu, cái hàng rào người đã vây sẵn, kể có hàng ngàn khán quan!
Ông Ngô-Trí-Viễn, thủ-quân đội «Stade Hanoïen», do M. Từ-Sơn hội-trưởng «Lạc-Long» mời làm trọng tài cho được công bình, nổi hai tiếng còi, chiến tướng hai bên thượng mã đề thương ra trường tranh đấu… Bên «La Lance» bận áo vàng rọc đen, có:
Jean
Đoàn – Sách
Phượng, Tài, Hoan
Thúy, Vinh, Tạo, Uyên, Sen
Còn bên «Lạc-Long» áo vàng rọc đỏ, có:
Bào, Chí, Hạp, Ry, Tuất
Giáo, Thiện, Nhân
Lan, Thản
Chưởng
Một điều là Uyên – một tướng dường cột ở «Stade Hanoïen» – cớ sao nay lại thấy khoác áo «La Lance»? Sau hỏi kỹ mới biết, Uyên vì chơi hăng quá nên bất đắc dĩ «Stade Hanoïen» phải mời ra không cho chơi trong một thời kỳ, là có ý để Uyên tu tính! Uyên tức, bỏ «Stade» mà nay vào hội «giáo thần»! Tiếng còi thứ hai vừa rúc thì tiền-đạo «Lạc-Long» chận được bóng, lao lên như gió, sút vào thành. Jean, «tay có nhựa» bắt được đá ra. Sau cái quả ban Jean đá ra ấy, trong 15 phút, bên «Lạc-Long» bị công kích kịch liệt. Những hổ tướng Uyên, Vinh, Tạo, Sen, lên ghê quá! Tướng dường cột của «Lạc-Long» là Thiện đứng trung-ương tiếp-ứng, tả sông hữu đột, chận được ban của Uyên, gẩy cho Chí, 5 tiền-đạo tiến lên đều như sợi chỉ đặt. Chí lừa được, đưa cho Hạp, cách thành mười thước Hạp sút rất mạnh lại bắn vào chân Jean, ban bật ra! Hạp chận ban đánh cái gót vào bóng để tránh Đoàn, ban sang bên tả, Ry nhanh như thần gió, bắn ngay vào trong thành! Cặp mắt xanh, Jean đành đứng liếc. Tiếng vỗ tay vang động, khen bên đại thắng! Thua một ván, «La Lance» mới hăng, Uyên lại học ôn cái luật đá ban riêng của mình, Thản và Bào đều bị đau cẳng, Lan đau ngực. Con mắt viên trọng-tài rất tinh, mỗi lần Uyên chơi «quấy» lại thổi còi phạt, tiếng trẻ quái ác la «ê ê» rầm, không biết hoan nghênh hay chế riễu? Lần thứ ba Uyên bị đuổi ra bãi trong một thời hạn Uyên «cứng» không chịu ra, trọng-tài «cứng» hơn, mỗi quả Uyên đá là một lần còi thổi «chạm người ngoài»! Nào Uyên mà thôi, Vinh chơi cũng tàn bạo, Chưởng bắt được ban đá ra rồi mà Vinh còn nhảy vào lấy giầy đá vào ngực Chưởng. Cũng vì Vinh quá «ngổ», đụng phải Tạo thủ-quân «La Lance» bị bại đùi. Được cái may là trọng-tài vừa tinh vừa công-bình, nên không bên nào thiệt cả.
Đã đến giờ giải lao, «La Lance» chịu thua 1 à 0. Sang hồi sau, thế trận «La Lance» đổi, Hòa vào thay Sách, mà Ái thay Phượng, Sen vào tiền-đạo trung-ương. Cái «giáo thần» bây giờ mới bắt đầu khởi thế công. Uyên được ban xỏ lên hãm thành, đá vào thì Chưởng đấm ra, quân bên «Lạc-Long» lộn xộn, ban rơi xuống trước mặt thành, Tạo khập khiễng chạy lên đá vào cột, quả ban vô-tình lại lọt vào thành «Lạc-Long»! Hòa 1 à 1 Thấy thế trận lợi, bộ tham-mưu bên áo vàng rọc đen lại theo lối trước, quả nhiên thành «Lạc-Long» lại bị vây lần nữa. Ban lơ lửng mặt thành, chiến tướng «Lạc-Long» ra chặn, để riêng hậu-tập Lan đá ra, đá lệch chân – mang tiếng làm phản. Ban lọt vào thành mới đen! «Lạc-Long» thua 2 à 1. Còn 15 phút nữa thì hết giờ, các tướng «Lạc-Long» lại xoay mặt trận bổ vây, cứ khe khẽ, người nọ truyền người kia. Đoàn ra trận bị ngã, tay đụng vào bóng, trọng tài phạt pénalty. Trước mặt thành, Bào chạy ra đá một quả thực mạnh, Jean bổ soài ra đỡ nhưng hơi chậm. Từ lúc đó tuy «Lạc-Long» được lợi thế nhưng kết cục vẫn hòa: 2 à 2.
+++++
Ảnh: hai đội bóng đá Stát Hà Nội (Stade Hanoïen) và Chớp Nhoáng (Eclair) năm 1931. Người ôm quả bóng trong hàng đứng là Trần Văn Quý, tiền vệ lừng danh kiêm ông bầu của đội Chớp Nhoáng. Cũng trong năm này, đội Chớp Nhoáng đại diện cho bóng đá Bắc Kỳ lần đầu tiên du đấu miền Nam và thua đội Ngôi Sao Gia Định 5-0.