KHỔ LUYỆN?!

Tôi thường thấy học trò mình than thở rằng bọn chúng cực nhọc hơn tôi vì bọn chúng phải học đến 13 môn, trong khi tôi chỉ cần dạy 1 môn.

Tôi lại không nghĩ vậy, tôi thấy sếp tôi là sướng nhất, chỉ việc truyền tải thông tin, tổng hợp báo cáo chứ đâu cần lê thân mệt mỏi đương đầu với cả trăm học sinh mỗi ngày.

Cũng có khoảng thời gian tôi được làm “sếp”, tôi lại cười chính mình.

Chúng ta thường mơ tưởng những đãi ngộ cao hơn của ai đó mà quên hỏi họ đã phải khổ luyện như thế nào.

100.000 học sinh không phải ai cũng có thể học đến đại học, 10.000 sinh viên không phải ai cũng có thể ra trường, 1.000 cử nhân không phải ai cũng có được công việc mình mong đợi, 100 nhân viên không phải ai cũng thành có thể thành sếp, 10 sếp không phải ai cũng có thể trở thành lãnh đạo.

Không dày công khổ luyện, làm sao có cơ hội? Thay vì ngồi đó ước ao, ganh tị, hãy hỏi họ cách họ đã đi. Không phải để bước theo, mà để nhắc nhớ bản thân: “Người đứng ở đó đã từng là chúng ta cộng với sự khổ luyện hơn 99.999 người khác”

Chắc ai đó sẽ nghĩ đến hai chữ “Thiên tài”. Tôi cũng có 1 cậu học sinh “Thiên tài” và vài người anh chị em Siêu trí tuệ Quốc gia, lãnh đạo của tôi cũng là Siêu trí nhớ Thế giới. Quan sát họ một khoảng thời gian đủ lâu, tôi thấy thế này: Thiên tài thật ra là từ viết tắt của quá trình nhận định mục tiêu và bám đuổi trong sự khổ luyện quyết liệt. May mắn hơn người khác có lẽ ở chỗ họ tìm ra sớm điều mà họ hứng thú. Họ luyện nhiều giờ một ngày, nhiều ngày một tuần, nhiều tuần một tháng, nhiều tháng một năm và nhiều năm trong đời mình.

Tôi chưa thấy ai đốt sách uống có thể trở thành thiên tài, cũng chưa thấy kẻ nhàn nhã, lười nhác nào được bề trên ban cho siêu năng lực.

Không khổ luyện thì cho dù là thiên tài cũng trở thành bất tài.

Thay vì mơ tưởng, hãy khổ luyện. Nhân lúc 99.999 người khác đang lướt web, xem phim heo, hãy khổ luyện.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *