khiep-via-khi-me-chong-chat-doi-thot-de-dan-mat-vi-nang-dau-moi-nau-an-sai-cach

Khiếp vía khi mẹ chồng chặt đôi thớt để dằn mặt vì nàng dâu mới nấu ăn sai cách

Chủ nhật, ngày 13/04/2025 00:27 GMT+7

Bữa cơm đầu tiên về làm dâu, tôi sợ hãi khi mẹ chồng chặt vỡ đôi cái thớt, bắt tôi bới sọt rác để học lại cách nhặt rau

Theo Tiểu Ngạn (Thanh Niên Việt) Chủ nhật, ngày 13/04/2025 00:27 GMT+7

Chỉ vì đĩa mồng tơi mà ngày đầu tiên làm dâu của tôi đã trôi qua trong kinh hoàng.

Bắt đầu từ năm học lớp 2, tôi đã được bố mẹ dạy cách làm nội trợ rất chu đáo. Mọi công đoạn tôi đều tiếp thu cẩn thận. Từ cách chọn thực phẩm khi đi chợ, cách phân loại sơ chế nguyên liệu, cho đến công thức nấu ăn và dọn dẹp làm sạch sau khi ăn uống… Tất cả tôi đều thành thạo hết nhờ sự truyền dạy của phụ huynh.

Ai cũng nghĩ tôi giỏi nội trợ là chuyện đương nhiên vì có bố là đầu bếp chuyên nghiệp. Thế nhưng sự thật là tôi không đam mê bếp núc, cũng không có năng khiếu hay hoa tay trong lĩnh vực này. Tôi chỉ làm nhiều thành quen, và được rèn luyện thường xuyên nên mới nấu nướng ổn như hiện tại.

Một lý do khác khiến bố mẹ dốc lòng dạy tôi nấu ăn ngon là vì muốn tôi sau này lấy chồng xong đỡ khổ. Phụ nữ có càng nhiều kỹ năng sống thì càng dễ thở, không sợ bị ai chê trách hay xoi mói, càng không lo bản thân bị thiệt thòi vì ở đâu cũng tự lo cho mình được. Tôi thấy điều này hoàn toàn đúng, và tôi luôn biết ơn bố mẹ vì đã giáo dục tôi chu toàn.

Tuy nhiên đến lúc thực sự có chồng thì tôi lại rơi vào một tình huống vô cùng trớ trêu. Ngày đầu tiên làm dâu đã dạy tôi một bài học vô cùng thấm thía.

Đó là thứ bạn biết chưa chắc đã đúng, thứ bạn nghĩ chưa chắc đã trùng với thứ người khác tán đồng. Cùng một sự vật lại có vô số cách nhìn nhận, và một khi đã đứng ở góc độ khác nhau thì kiểu gì cũng nảy sinh mâu thuẫn.

Bữa cơm đầu tiên về làm dâu, tôi sợ hãi khi mẹ chồng chặt vỡ đôi cái thớt, bắt tôi bới sọt rác để học lại cách nhặt rau- Ảnh 1.
Bữa cơm đầu tiên về làm dâu, tôi sợ hãi khi mẹ chồng chặt vỡ đôi cái thớt, bắt tôi bới sọt rác để học lại cách nhặt rau- Ảnh 1.

Chuyện là cưới xong vợ chồng tôi đi nghỉ tuần trăng mật luôn. Hôm đầu tiên chính thức về làm dâu, tôi xắn tay đi chợ về nấu một bữa cho gia đình chồng. Có 7 người tất cả nên chọn món cũng hơi khó. Tôi phải thảo luận với chồng suốt 2 ngày mới tự tin xách giỏ đi chợ.

Trừ mẹ chồng ra thì mọi người đều dễ tính trong khoản ăn uống. Tôi lựa ra 2 món chính toàn thịt theo sở thích chung của số đông, còn lại rau dưa món phụ thì tôi chọn theo gu của mẹ chồng.

Bà lớn tuổi rồi nên thích ăn thanh đạm, lại kỹ tính kiêm khó tính nữa. Tôi phải bí mật tham khảo cả bố chồng với chị dâu để ghi lại những thứ mẹ chồng ghét, sợ mắc phải sai lầm thì mẹ con lại sứt mẻ với nhau.

Nào ngờ người tính không bằng trời tính. Tôi đã cố cẩn thận hết mức rồi mà vẫn xảy ra tình huống bất ngờ.

Tắm rửa xong xuôi bà mới xuống ngó xem con dâu út làm gì. Khi ấy tôi đã hoàn thiện gần hết mâm cơm, chỉ còn một món đậu rán đơn giản. Mẹ chồng bảo để bà pha nước chấm, tôi nghĩ mẹ con đứng bếp chung cũng chẳng sao nên vui vẻ đồng ý luôn.

Tôi với chị dâu đang nói chuyện rôm rả với nhau thì tự dưng nghe rầm một nhát. Cái thớt gỗ vỡ đôi, bay một nửa xuống sàn, còn mẹ chồng cau mặt như sắp nộ xung thiên!

Hoảng quá tôi mới hỏi mẹ chồng xem có vấn đề gì.

Bà chỉ ngay vào đĩa rau mồng tơi xào rồi mắng tôi một tràng không ngừng nghỉ. Hóa ra tôi nấu món này sai cách, không giống với thói quen của mẹ chồng, làm bà bực quá chém gãy đôi cái thớt!

Mẹ chồng vẫn cố chấp nói rằng không biết thì phải hỏi, về làm dâu thì phải học nề nếp văn hóa nhà chồng

Bà thường để mồng tơi nguyên cả cọng, chỉ vặt bỏ một đoạn ngắn ở gốc thôi. Xào thì bà cắt làm ba, nấu canh thì thái nhỏ hết. Đây tôi chỉ giữ lại mỗi lá, còn cọng thì vứt sạch.

Theo cách tôi được dạy thì mồng tơi chỉ ăn lá và ngọn non thôi, còn phần thân già thì không sử dụng đến. Ngày xưa mẹ tôi hay đem đống cọng thừa cho hàng xóm băm rau lợn, thế nên tôi mặc định loại rau này chỉ ăn lá mà thôi.

Nào ngờ đâu mẹ chồng tôi ăn không chừa gì cả, món mồng tơi bà nấu kiểu khác cơ.

Bà bắt tôi bới thùng rác nhặt hết phần cọng đã vứt lên, dạy tôi một bài rằng thời xưa khó khăn đến cái lá rau bị sâu nhai cũng đáng quý, giờ tôi nhặt rau bỏ cuộng như vậy là có lỗi với “ông bà tổ tiên” (?!?) Rồi bà chê tôi xào mồng tơi quá nhũn, không được cho tỏi vào mà phải phi hành khô cơ.

Thấy câu chuyện đi càng lúc càng xa nên mọi người xúm vào can cho mẹ chồng tôi bớt gay gắt. Chị dâu phải nói đỡ cho tôi mấy câu rằng mỗi người một kiểu nấu nướng, không thể chê trách tôi làm sai được, vì làm gì có luật ăn rau mồng tơi theo một cách duy nhất đâu.

Mẹ không thích kiểu này thì để em dâu rút kinh nghiệm lần sau, chứ không nên trút vào tôi những lời lẽ cay nghiệt.

Mẹ chồng vẫn cố chấp nói rằng không biết thì phải hỏi, về làm dâu thì phải học nề nếp văn hóa nhà chồng, không được bê thói quen chỗ khác về xáo trộn sinh hoạt mà gia đình bà đã duy trì suốt mấy chục năm qua. Tự dưng tôi thấy nhức đầu ngang. Biết mẹ chồng khó tính rồi nhưng bữa cơm đầu tiên chưa kịp ăn đã giông gió, liệu ngày mai với tôi có yên bình không đây?…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *