KHI THÀNH CÔNG CHỈ ĐEM ĐẾN SỰ MỎI MỆT

Bố tôi thích đi nói với mọi người rằng nếu phải lựa chọn giữa đọc một cuốn sách và chạy bộ một dặm, thì tôi, con gái lớn của ông, sẽ không nghĩ ngợi gì mà làm cả hai.

Ông không sai. Thực sự thì, tôi đã luôn bị ám ảnh với việc phải trở thành người vượt quá kỳ vọng của mọi người. Khi còn nhỏ, tôi nguệch ngoạc viết danh sách “mục tiêu cuộc đời” lên một mẩu giấy ghi chú. Tôi từng bị cuốn hút bởi các thử thách nhằm mục đích gây quỹ ở trường tiểu học. Khi trưởng thành, tôi tiếp tục làm việc ở ngay trên giường bệnh trong khi chuyển dạ sinh em bé thứ tư. Tất cả chỉ vì tôi muốn đạt được mức thu nhập đặt ra cho bản thân trong năm.

Tôi nói ra điều này không mang hàm ý khoe khoang mà để bày tỏ về cảm xúc kì lạ gần đây của mình. Tức là, sau nhiều năm chỉ tập trung vào các mục tiêu riêng, tôi hoàn thành xuất sắc mọi thứ rồi chợt nhận ra bản thân hiện tại không còn gì ngoài cảm giác khổ sở.

Tôi dành nhiều năm làm việc và thành quả là xuất bản một cuốn sách, hoàn thành một nửa đường đua marathon và mua nhà. Rồi bỗng nhiên tôi thấy mình mắc kẹt trong cảm xúc bất an kỳ lạ. Tôi chẳng rõ phương hướng tiếp theo của mình sẽ là gì.

Hóa ra, cảm xúc của tôi lại khá phổ biến với những người thích hoàn thành công việc vượt quá kỳ vọng. Meody Wilding, Giáo sư về Hành vi con người ở Hunter College thành phố New York, nói rằng cô ấy chứng kiến tình trạng này diễn ra thường xuyên với các khách hàng của mình. Thực tế là cô ấy đã đặt cho nó một cái tên nghe khá hoa mỹ “Cảm xúc sót lại của con ngoan trò giỏi”.

Theo Wilding giải thích, hiện tượng này xuất hiện khi một người luôn mong muốn đạt được thành tích cao, làm việc không biết mệt mỏi để đạt được mục tiêu vậy nhưng cuối cùng lại chỉ còn sự trống rỗng. Họ là những người tin rằng đặt chân đến đỉnh núi có thể chứng kiến một khung cảnh hùng vĩ, tuy nhiên chỉ khi đến nơi rồi, họ mới nhận ra núi cũng chỉ là đá không hơn không kém, trong khi đó hiện tại cả thể xác lẫn tinh thần của họ đều mệt mỏi.

“Vỡ mộng, rồi họ tự vấn bản thân rằng “Mình đã làm sai điều gì? Mình đã đạt được mọi thứ mình mong muốn và đến cuối vẫn không hề vui vẻ” Wilding nói. Đi cùng với sự thất vọng, vô vọng, thậm chí là tức giận, cô ấy nhận ra những người trải qua trạng thái cảm xúc này chỉ đơn thuần kiệt sức khi cuối cùng họ cũng vấp phải khó khăn.

Wilding nói: “Chúng ta tán gẫu rất nhiều về những người đã làm việc hết mình trong 20 năm qua. Và đối với họ, làm việc chăm chỉ suốt từng ấy năm, đôi khi chỉ là họ không còn chút năng lượng nào để nghĩ về những điều họ muốn hoặc những việc họ nên làm.”

Các mục tiêu không phải là vấn đề mà vấn đề ở chỗ nó ảnh hưởng đến ta như thế nào. “Người bị ám ảnh với việc phải thành công đặt giá trị của bản thân lên trên các mục tiêu. Nếu hoàn thành mục tiêu thì chứng tỏ là họ giỏi và xứng đáng. Nếu không thì tức là bản thân quá yếu kém và vô dụng.”

Nghiên cứu chỉ ra rằng việc theo đuổi mục tiêu có thể gây tác dụng ngược, làm giảm động lực nội tại và kiệt sức. Một nghiên cứu khác lại xem xét cách thức một người bị thu hút bởi các mục tiêu. Hệ thống Củng cố trong não bộ được kích hoạt bởi quá trình thiết lập và theo đuổi mục tiêu, thay vì đạt được mục tiêu. Điều này có lẽ giải thích vì sao có những người liên tục muốn đạt được thành công ngay cả khi họ không tìm thấy hạnh phúc trong đó.

Thoát ra khỏi tình trạng này ngay từ đầu có nghĩa là phải nhận ra thời điểm mục tiêu không còn khiến bạn cảm thấy thỏa mãn. Theo Sam Maniar – nhà tâm lý học, đầu tiên hãy để ý đến ba dấu hiệu: khi nào thì việc theo đuổi mục tiêu khiến bạn mệt mỏi nhiều hơn, khi nào thì nó không còn thúc đẩy bạn làm những việc khác và khi nào thì bạn quan tâm kết quả nhiều hơn quá trình thực hiện. Nếu bạn đang làm việc vì điều mình mong muốn rồi nhận ra đang có một trong ba hoặc cả ba dấu hiệu trên cùng xuất hiện, đó là tín hiệu bạn nên từ bỏ thay vì tiếp tục theo đuổi ảo mộng trong khi thực tế là nó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

Thấu hiểu sự khác biệt giữa quá trình và kết quả đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá các mục tiêu đã đặt ra cho bản thân. Quá trình khiến các cá nhân tập trung vào lý do vì sao phải làm việc, trái ngược với kết quả – tức là thực hiện một việc chỉ để khẳng định mình có thể hoàn thành tốt. “Ví dụ như khi chạy bộ, nếu có thể chỉ tận hưởng và không nghĩ gì hết thay vì chỉ để ý đến thời gian hoàn thành vòng chạy, bạn sẽ cảm thấy bớt áp lực hơn rất nhiều”, Maniar giải thích.

Wilding ủng hộ nên “đình công” trong một khoảng thời gian. Nếu cảm thấy lạc lõng sau khi đã hoàn thành mọi thứ, hãy nghỉ ngơi trước khi tìm ra một mục tiêu mới. Hãy để bản thân có khoảng thời gian rảnh rỗi, không phải suy nghĩ về cách thức cũng như thời gian hoàn thành công việc. Đồng thời hãy thử nhìn nhận theo hướng mới mẻ: chúng ta làm việc vì nó đem lại cảm giác vui vẻ và tốt đẹp.

Theo Medium | Kim

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *