KHI NHỮNG LỜI NÓI DỐI TRỞ THÀNH SỰ THẬT – HIỆU ỨNG THAO TÚNG TÂM LÝ “GASLIGHTING”

Gaslighting là một cách thao túng tinh thần mà ở đó người thao túng (gaslighter) dùng những lời nói và hành vi được chuẩn bị kỹ lưỡng để KHIẾN NGƯỜI KHÁC HOÀI NGHI, NGHI NGỜ VỀ BẢN THÂN. Là một hành vi được sử dụng với mức độ thường xuyên với mục đích TẨY NÃO, khiến người khác rơi vào tình trạng mất dần nhận thức về thực tế, cảm thấy mông lung về sự thật.

Thuật ngữ “Gaslighting” bắt nguồn từ một vở kich vào năm 1930. Nội dung phim nói về một người chồng luôn tìm cách khiến vợ mình tin rằng cô ấy bị tâm thần. Có một lần, cô vợ nhìn thấy chiếc đèn ga trong nhà mờ dần, cô nói với chồng về việc đó nhưng anh ta một mực phủ nhận, và bảo rằng là cô ta tự tưởng tượng ra điều đó.  Anh ta thao túng tất cả mọi chuyện xung quanh cuộc sống của cô vợ một cách tinh vi bằng cách nói với cô rằng: tất cả mọi chuyện cô ta nhìn thấy đều không có thật, chưa hề xảy ra. Anh ta muốn cô tin rằng là bản thân cô tự hoang tưởng, nhầm lẫn mọi thứ. 

Và từ những năm 1960, người ta gọi “Hiệu ứng thắp sáng đèn ga” để diễn tả hành vi một người cố tình thao túng nhận thức của người khác về những điều xảy ra trong cuộc sống. 

THAO TÚNG TINH THẦN CÓ THỂ XẢY RA VỚI BẤT CỨ AI 

Việc thao túng tinh thần với mục đích điều khiển tâm trí người khác, để sai khiến hoặc bạ.o hàn.h người khác và khiến người bị thao túng bị mất đi cảm giác và nhận định đúng về bản thân; thậm chí là cảm thấy bản thân mình không còn giá trị. Đây là một hành vi điều khiển người khác thường được sử dụng bởi những người có khuynh hướng tính cách ái kỷ (coi trọng bản thân quá mức) và người có  xu hướng rối loạn chốn.g đố.i xã hội. 

Trong khi người ái kỷ luôn muốn tung hô bản thân mình lên và thích cảm giác mình đặc biệt hơn, thì người thao túng lại muốn làm người khác cảm thấy kém cỏi hoặc tội lỗi thông qua những lời buộc tội sai trái, liên tục dùng những lời chỉ trích và đe doạ tâm lý người khác. Họ muốn được chiếm quyền điều khiển mối quan hệ, để người kia không làm họ cảm thấy khó chịu được, để họ luôn là “kèo trên”. 

Những người thao túng tinh thần người khác có thể là bất kì ai xung quanh bạn. Những người thân trong gia đình, những người có địa vị xã hội, bạn bè, và người yêu. 

TRONG GIA ĐÌNH 

Có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ có một người thân nào đó mà có lẽ khiến ta cảm thấy khó chịu khi ở cạnh dù ta yêu thương họ rất nhiều. Bạn yêu người thân đó nhưng lại không thể ở gần hay nói chuyện quá lâu, vì người đó sẽ vô tình hoặc cố ý khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Nếu người đó luôn tha.o tún.g tâm lý bạn bằng cách bẻ cong đi những sự thật vốn có, khiến nó trở nên xấu xa như: họ khiến bạn cảm thấy tội lỗi khi không quan tâm hoặc ở bên cạnh họ khi bạn thực sự đang bận làm những việc khác như công việc,chăm sóc gia đình riêng, hay tham gia các hoạt động vì sở thích của bản thân. 

Hành vi khiến bạn cảm thấy có lỗi, khiến bạn nghĩ rằng bản thân mình thực sự vô tâm trong khi bạn không hề như thế. Đây là một thuật thao túng tâm lý, là một cách bạo hành cảm xúc. 

Những câu nói như phủ nhận sự thật rằng họ có làm tổn thương bạn, hoặc gạt đi sự thật về những việc đã xảy ra và ảnh hưởng đến bạn: 

“Bố/mẹ/anh/chị/cô/dì LÀM NHƯ VẬY VỚI CON LÀ VÌ THƯƠNG YÊU CON” 

“Bố/mẹ/anh/chị/cô/dì không hề cãi cọ với con, mà là đang thảo luận với con” (và liệu bạn có được quyền lựa chọn trong cuộc thảo luận ấy?” 

“Con đâu có buồn vì những chuyện đó đâu, đúng không?” 

Việc một thành viên trong gia đình dùng cách này để tạo sức ép tâm lý cho người khác có thể vì tính cách cá nhân của họ, hoặc vì cac vấn đề khó nói khác trong gia đình. Tuy nhiên việc đưa ra một tình huống khiến người thân khó xử, cố tình điều khiển và áp đặt lên cuộc sống người kia, đặc biệt các tình huống bắt buộc người thân phải dành thời gian quá nhiều cho mình. 

Việc một thành viên trong gia đình yên cầu thành viên khác phải làm theo ý mình, hoặc gây ra nhiều điều khó chịu. Những điều đó khiến nạn nhân cảm thấy đau khổ và tội lỗi mỗi khi xuất hiện cảm giác muốn từ chối.

Theo Tiến sĩ Carla Marie (https://drcarlamanly.com/), là con người ai cũng sẽ có cảm giác tồi tệ khi nhận ra mình có chút ác cảm nào đó đối với người thân, vì ta luôn biết rằng họ là máu mủ của mình và đó là vịệc hoàn toàn không nên. Tuy nhiên, người thân cũng là con người và cũng sẽ có những tính cách nào đó của họ gây tổn thương lên chúng ta. 

TRONG TÌNH YÊU 

Nhìn sơ qua trong các mối quan hệ mà một người lạm dụng tinh thần người kia, kẻ thao túng sẽ giấu bản thân rất kỹ và khó nhìn ra được người đó thực sự làm vậy. Tuy nhiên, họ liên tục dùng những câu nói để điều khiển người khác. 

Ví dụ như trong tình yêu, kẻ thao túng sẽ nói với 1 cô gái rằng:

– “Là do em sai đó. Do bản thân em hay quên và không nhớ được mọi thứ tốt.” 

– “Là em luôn tự tưởng tượng và suy nghĩ lung tung thôi.”

– “Là bản thân em luôn làm quá mọi thứ lên” , “em QUÁ NHẠY CẢM”

-“ Anh không hiểu em đang nói gì cả. Em đang muốn làm anh rối tung lên có phải không?” 

– “Lại nữa hả? Sao em cứ nói về việc đó suốt vậy?” 

– “Không ai tin em hết, sao anh tin em được?” 

– “Nếu em không ngu thì đã không bị như vậy” 

Nạn nhân của việc bị thao túng tinh thần sẽ luôn tự hỏi: 

– “Liệu bản thân mình có phải quá nhạy cảm?”

– Nạn nhân luôn luôn xin lỗi trong mọi tình huống tranh cãi

– Nạn nhân không hiểu được tại sao mình không hề cảm thấy vui vẻ hay hạnh phúc hay hài lòng trong một mối quan hệ. Từ đó, có thể sẽ tự né tránh người kia vì ko biết giải thích cảm giác của chính mình. 

– Nạn nhân biết rằng có điều gì đó sai sai, nhưng lại không biết là sai ở đâu. 

– Nạn nhân nghi ngờ rằng bản thân vô dụng, hoặc nghi ngờ bản thân là điều mà người thao túng cố tình áp đặt lên họ. 

Một ví dụ điển hình được kể lại bởi một nhà tâm lý tên Robin Stern tại Mỹ, có một cặp đôi đến trị liệu vì các vấn đề thao túng tâm lý xảy ra trong hôn nhân của họ. Người chồng liên tục dùng những câu nói bâng quơ để nói với người vợ rằng cô ấy không hề đóng góp gì vào kinh tế của cả hai. Thời gian đầu khi nghe những câu nói đó, cô vợ không thực sự để tâm đến nó và còn nghĩ rằng chồng chỉ đang trêu chọc mình. Dù cô vợ nhận rằng mình không tốt ở khoản tiết kiệm nhưng cô cũng có mức lương ổn định và có đóng góp vào cho kinh tế chung của 2 vợ chồng. 

Sau đó họ có con và cô vợ quyết định ở nhà chăm sóc con nhỏ, người chồng lại nhận được một công việc mới và thường xuyên đi làm xa. Cô vợ dần nhận thấy anh chồng xa cách và nói với anh ta, nhưng anh ta lập tức bác bỏ. 

Cô vợ cũng để ý thấy người chồng dùng nhiều tiền hơn từ tài khoản chung của cả 2, nhưng anh chồng luôn phủ nhận và nói rằng mình chỉ dùng 1 con số nhỏ. Sau đó cô vợ nghi ngờ và hỏi chồng mình rằng có phải anh ta đang ngoại tình và sử dụng đến số tiền đó? Người chồng lập tức nói với cô vợ rằng cô ấy “Tự tưởng tượng và suy nghĩ lung tung”. Sau đó anh ta tiếp tục nói “cô không biết gì về tiền bạc và kinh tế cả. Điều đó tôi đã nói với cô rất nhiều lần rồi mà nhỉ?

Kể từ đó, cô vợ bắt đầu trở nên lo lắng quá mức về kinh tế và tin rằng mình thực sự yếu khoản đó. Bất cứ khi nào cô vợ nhắc đến các khoản chi tiêu của người chồng, anh ta đều đáp lại bằng thái độ khinh khỉnh và nói rằng cô quá tệ để nói về vấn đề đó. Thời gian trôi qua và cô vợ tin rằng người chồng thực sự có một mối quan hệ sâu sắc với cô bồ khác, nhưng cô sợ hãi khi phải tranh cãi về điều đó với chồng mình. Giấu kín trong lòng khiến cô vợ ngày càng trở nên lo âu. Dần dần, cô vợ trở nên sợ hãi mỗi khi nhẵc đến kinh tế và thắt chặt mọi chi tiêu của bản thân. 

Kết quá là, anh chồng thực sự có một mối quan hệ ngoài luồng. Điều đó càng khiến cô vợ tự nghi ngờ chính mình rằng liệu có phải cô là một gánh nặng về kinh tế với anh ta, mới khiến anh ta tìm đến người khác? 

Và chính người chồng đã dùng thuật thao túng tâm lý bằng cách đẩy vấn đề sang cho người vợ, đổ lỗi cho người vợ và khiến cô ấy tự mất đi giá trị và sự tự tin của bản thân. 

Tiến sĩ tâm lý Matthew Zawadzki (2014) nói về kỹ thuật thao túng tâm lý này “như một cách làm suy yếu triệt để một người, khiến cô ta chỉ có thể tin rằng bản thân mình thực sự không có lí lẽ và mọi lời phản kháng của cô ấy chỉ bất đồng với chính khả năng của chính mình.

Các Gaslighter có thể sử dụng các thủ thuật như: 

– Nói dối hoặc thêu dệt quá mức một chuyện gì đó: 

– Phản đối một vấn đề nào đó (Countering) có thực: như câu chuyện thắp sáng đèn ga, người thao túng tâm lý sẽ phủ nhận một sự thật nào đó mà người kia rõ ràng nhớ rất rõ. Lâu dần khiến họ nghĩ rằng bản thân họ thực sự tự tưởng tưởng ra và tin rằng bản thân mình đã nhớ hoặc nghĩ sai. 

– Tầm thường hoá (Trivializing): người thao túng sẽ nói những điều khiến người kia tin rằng điều đó thật tầm thường dù đối với người kia, việc ấy vốn dĩ quan trọng ra sao. Việc bị tầm thường hoá điều mà mình tin tưởng khiến người kia cảm thấy bản thân không quan trọng và thiếu chính xác. 

– Họ chuyển hướng vấn đề: điều này xảy ra khi người lạm dụng tinh thần cố tình thay đổi vấn đề mà 2 người đang nói tới. Họ chuyển câu chuyện sang một hướng khác có vẻ đáng tin hơn. 

THAO TÚNG KHÔNG PHẢI LÀ HÀNH VI CÓ SẴN, MÀ LÀ VÔ TÌNH HOẶC CỐ Ý HỌC ĐƯỢC TỪ QUÁ TRÌNH LỚN LÊN

Người thao túng tâm lý thường học được những chiêu này trong quá trình học tập từ xã hội. Sau khi tiếp xúc hoặc bị “nhừ đòn” từ các thuật tâm lý, người đó nhận ra đây là một thủ thuật hiệu quả để nắm lấy tâm trí của người khác và bắt đầu sử dụng nó. Đôi khi, người thao túng cũng không biết rằng hành vi của chính mình là có kế hoạch hay cố tình làm tổn thương người khác. Họ cứ nghĩ rằng họ đang thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của bản thân để giúp người khác soi rõ vấn đề, “một cách chân thật”. 

Nếu người thao túng tâm lý là người thân trong gia đình, nguyên do có thể vì họ đã quá dồn nén nỗi đau từ những căng thẳng trong cuộc sống; hoặc họ đang đem vết thương trong lòng mà họ không giải quyết được và đặt lên nạn nhân. Điều này có thể khiến người thân (nạn nhân) cảm thấy bị hiểu lầm, cô đơn, bị mất kết nối với mọi thứ xung quanh và dễ dàng trở nên giận giữ vì không được thấu hiểu, không được bày tỏ nỗi lòng. 

Những người thích thao túng người khác cũng thường hay “mưa nắng thất thường” và nạn nhân không thể đoán được khi nào thì họ “lên cơn” với người khác. Họ cảm thấy khó chịu như bị lật đổ khi nạn nhân trở nên độc lập hay tự nhận thức được bản thân, họ sẵn sàng nói với nạn nhân rằng “em/bạn nghĩ mình là ai?” . Vì họ luôn tận hưởng cảm giác mình có quyền lực và khả năng khống chế người khác khi khi nạn nhân cảm thấy thiếu an toàn và chỉ trích chính mình. 

Người thao túng rất nhạy cảm với việc tranh cãi, nhưng lại rất nhạy bén với việc phán xét người khác. Đì người khác xuống khiến cái tôi mong manh của họ được đẩy lên cao và cảm thấy yên tâm hơn về bản thân. 

TÁC HẠI CỦA VIỆC CHỊU ĐỰNG THAO TÚNG TINH THẦN 

Sau khi bị điều khiển tinh thần một khoảng thời gian, nạ.n nhâ.n sẽ bắt đầu tin rằng họ không thể tin được bản thân mình, hoặc nghĩ rằng mình đã mắc các rối loạn tâm lý. Họ cũng có khả năng mắc trầm cảm, rối loạn lo âu, tự cô lập bản thân và mang theo ám ảnh tâm lý kéo dài. Thậm chí trong một mối quan hệ tình cảm, nạn nhân sẽ rất khó rời khỏi kẻ bạo hành tinh thần mình. 

Hoặc như, kẻ thao túng sẽ thực hiện một loạt các hành vi KIỂM SOÁT CƯỠNG CHẾ khác, là sự kiểm soát mọi hành vi cử chỉ của nạn nhân, họ lấy hết sự tự do của các thành viên khác như con cái, vợ, chồng thậm chí là không cho người đó được cảm nhận sự tồn tại của bản thân. Đây không chỉ là sự kiểm soát quá mức trong gia đình, mà còn xâm phạm nghiêm trọng quyền sống của một con người. (Coercive control, mình sẽ post về phần này sau). 

LÀM SAO ĐỂ THOÁT KHỎI VIỆC BỊ THAO TÚNG TÂM LÝ? 

Nạ.n nhâ.n có thể mất rất lâu thậm chí cả thập kỷ để nhận ra rằng có điều gì đó sai sai với mình. 

Những vết thương khi bị thao túng tinh thần khiến nạ.n nhân bị ăn mòn trong một thời gian dài. Điều đó có nghĩa nạn nhân cần một khoảng thời gian cũng lâu tương tự để chữa lành từ những vết thương ấy. Không thể vượt qua chỉ trong ngày một, ngày hai. 

Những lời khuyên được đưa ra bởi “Đường dây nóng về Bạ.o lự.c gia đình quốc gia Hoa Kỳ” , trong đó: 

– Hãy nhớ rằng bạn không có trách nhiệm phải chịu đựng những hành vi và lời nói đầy tính bạo hành tinh thần từ người khác. 

– Tránh tranh luận về vấn đề “điều gì là thật“ với người có hành vi thao túng. 

– Học cách lắng nghe bản thân: hãy dành ra thời gian để lắng nghe chính mình, nói chuyện với bản thân và cảm nhận cảm xúc của mình. Hãy cảm nhận bản năng của bạn lại một lần nữa, trở lại là chính bạn trước khi bị người khác phủ nhận bản thân. 

Ngoài ra: 

– Hãy dừng việc bị người đó làm rối tung mọi sự thật bằng cách bảo vệ sự thật đó: giữ bằng chứng tất cả tin nhắn, hình ảnh về sự việc. 

Từ chối tranh cãi nếu bạn biết rằng người kia đang cố tình thao túng, hay bạn không đủ chứng cứ và lí lẽ. Nếu những vật hoặc vấn đề gì đó bị hư hỏng, hãy chụp ảnh lại để có bằng chứng khi đối phó với những lời chối bỏ của người kia. Dùng điện thoại để ghi âm lại các lời nói và hành vi của người kia để bảo vệ bản thân khi cần thiết. 

– Hãy dành thời gian cho gia đình bạn bè. Hãy duy trì thói quen bày tỏ cảm xúc qua viết lách, vẽ vời, công việc, xã hội để nuôi nấng và trau dồi tâm hồn mình. Hãy nhớ rằng trước khi bạn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bản thân, bạn không thể trao cho người khác thứ gì cả. 

Nguyễn Lê Hoài Thương, 

Psychology facts- tâm lý học Việt Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *