Khi Người Đàn Ông Về Hưu

Ông Nguyễn bóc cho thằng cháu nội lên bốn tuổi cái bánh giò, ông bỏ bánh vào cái đĩa nhỏ riêng của nó, cái đĩa màu xanh có vẽ một con vịt màu vàng.

Ông nói:

– Con ra bàn, ông đem bánh đến cho con.

Nó dạ một tiếng trong veo ngoan ngoãn, lon ton ra cái bàn ăn, chờ ông nội kéo ghế. Nó bé quá, ông Nguyễn phải chồng hai cuốn điện thoại niên giám lên cho nó vừa tầm với cái bàn ăn trong bếp. Cho nó vào cái ghế cao của nó, có từ lúc lên hai, thì nó không chịu, nó kêu con là cậu bé lớn, con không ngồi ghế cao. Ông vừa xắn bánh cho nó vừa hỏi đùa:

– Mai mốt Tâm lớn Tâm có mua bánh giò cho ông ăn không?

– Dạ có

– Thế Tâm có xắn bánh, rồi đút cho ông không?

Thằng bé nhìn ông nội một lúc, ngẫm nghĩ, nói:

– Khi nào ông bé bằng Tâm, Tâm sẽ đút bánh cho ông.

Ông Nguyễn khựng người lại vì câu nói của cháu: “Khi nào ông bé bằng Tâm.” Ừ nhỉ, thằng bé này sao mà nó thông minh vậy, nó biết là khi mình thật già tức là thân thể mình sẽ co bé lại và tính tình, lẫn suy nghĩ sẽ  như một đứa trẻ (nghĩa là cả hồn lẫn xác sẽ trở về tuổi thơ)

Ông vừa đút bánh cho cháu vừa nhìn cái miếng giấy nhỏ vợ ông ghi cho ông từ tối hôm qua những công việc ông phải làm hôm nay. Trước khi đi làm bà hay nói:

– Ông ở nhà, chẳng có việc gì làm, làm hộ tôi mấy việc này nghe.

Lạ thật, không có việc gì làm, thế cái list dài cả cây số thế này để cho ai đây? Ông lẩm nhẩm đọc:

– Ông soạn hộ cái tủ sách, vứt bớt những báo cũ và những cuốn sách không bao giờ đọc tới.

– Ông dọn hộ cái garage

– 5 giờ ông đặt hộ nồi cơm, (1 đốt ngón tay nước trên mặt gạo)

– Rảnh thì tắm cho thằng Tâm trước khi bố mẹ nó đón.

Bà trẻ hơn ông năm tuổi, nên ông hưu trí đã hai năm nay và bà vẫn đi làm. Ông vừa hưu trí vợ con đã có chương trình “làm ở nhà” cho ông. Cu Tâm trước gửi người trông trẻ bây giờ gửi ông nội. Vì nó lười ăn, người trông trẻ không có đút cho nó, bắt nó tập ăn lấy nên có khi cả ngày nó chỉ có một bình sữa vào bụng. Bốn tuổi mà chỉ có 15 kg. Bà nội thương cháu, bảo bố mẹ nó mang thằng bé đến cho ông nội chăm, ông nội chẳng có việc gì làm. Tốt cả cho hai ông cháu.

Bắt trông một thằng bé lên bốn, rồi lại nói: “không có việc gì làm” có lạ không?

Nói mỏi cả miệng nó mới ăn được nửa cái bánh giò, ông phải ăn nốt phần còn lại, coi như bữa trưa của mình, ép nó uống thêm chén sữa nữa và pha cho mình một bình trà, nhìn đồng hồ trên tường đã quá 1 giờ, ông hấp tấp uống nốt ly trà. Từ ngày phải trông cháu, ông bỏ mất cái thú nhâm nhi từng ngụm trà lúc nào không hay!

Theo “lệnh” của vợ, ông rủ cháu dọn kệ sách, ông vừa nói đùa với cháu vừa đưa tờ giấy ra (dù nó chưa biết đọc).

– Con nhớ nhắc ông nhé, bà bắt hai ông cháu mình làm nhiều việc lắm, làm không xong, tối nay ông phải ngủ ở đi văng. Bây giờ mình sang đây.

Ông dắt cháu vào buồng sinh hoạt gia đình, ở đó có mấy cái kệ sách cũ kỹ dựng sát tường.

Những cái kệ xếp tất cả những cuốn sách thu thập từ thời 1975 đến nay, những cuốn sách đã theo gia đình ông di chuyển từ địa chỉ nọ đến địa chỉ kia trong hơn ba thập niên. Chưa kể những cuốn sách của các con ông, một phần nào, đã đi theo khi chúng ra khỏi nhà.

– Cuốn nào ông bảo bỏ đi con để vào đây, cuốn nào giữ lại, con để đây.

Ông làm mẫu để bắt đầu hai cuốn hai bên cho nó thấy, nó “dạ” ngon lành và làm đúng lắm, nhưng đến cuốn thứ năm thì nó bắt đầu để lung tung theo ý nó, ông nhắc thì nó nói:

– Con thấy nó bé bằng nhau mà.

À, ra thế, nó đâu cần biết cuốn nào hay, dở, cứ cùng một cỡ thì cho vào với nhau. Ước gì người lớn cũng có đầu óc đơn sơ như nó.

Hai ông cháu làm hơn một tiếng đồng hồ, kết quả là những cuốn sách ở trên kệ bây giờ nằm ngổn ngang đầy sàn, cuốn giữ lại vẫn lẫn vào cuốn bỏ đi, và thằng bé thì bắt đầu ngồi mở sách tìm hình (chẳng có tấm nào). Ông chạy vào nhà bếp nhìn cái đồng hồ trên tường đến giờ phải cho cháu ngủ trưa rồi, mắt ông hình như cũng thấy nằng nặng, sụp xuống. Ông nói một mình: “Thôi cứ để đó, ngủ mươi phút dậy dọn cũng được.”

Ông choàng dậy, lại chạy vào bếp nhìn đồng hồ. Chết chửa, sao hôm nay mình ngủ lâu thế, ông cũng phải đánh thức cháu dậy, kẻo tối nay nó không chịu đi ngủ sớm, bố mẹ nó sẽ cằn nhằn mình.

Đánh thức mãi nó mới chịu dậy, lại mang ly sữa và quả chuối bẻ làm hai cho ông cháu cùng ăn. Ông chế thêm nước sôi vào bình trà ban sáng cho mình. Vừa ăn vừa nhìn xuống tờ giấy “lệnh” của vợ. Thằng bé hỏi:

– Bây giờ ông phải làm gì? Ông có phải ngủ đi văng không?

Thằng bé này quả có trí nhớ tốt. Ông nhìn nó mỉm cười:

– Thế Tâm có ngủ đi văng với ông không?

– Không, Tâm về nhà, Tâm ngủ với mẹ, ông ngủ đi văng với bà.

Ông lại cười, ừ, ý kiến của cháu thế mà hay, nếu bà ấy bắt mình ra ngủ đi văng thì bà ấy cũng phải ra đi văng với mình. Nghĩ thế nhưng ông cũng vẫn lôi cháu ra nhà xe.

Chúa ơi! Ông kêu lên. Bắt đầu từ đâu bây giờ. Cái nhà xe (nếu nói theo kiểu nhà binh của ông ngày trước) là cả một bãi chiến trường với xác thù, xác bạn. Nào hộp, nào thùng, nào để ngỏ. Từ: Sách báo; giày dép; xe đạp; lốp xe hơi; máy cắt cỏ cái cũ chưa vứt, cái mới đang dùng; xích xe cho ngày tuyết; đồ trượt tuyết của con trai bỏ lại; mấy chục đôi giày cũ của con gái và vợ; đồ dụng bếp núc không dùng nữa, hai cái ghế long chân, một cái bàn, có cả mấy cái đầu giường, khung giường… Ông đứng ngẩn người ra một lúc, không biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng ông quyết định thanh toán đám giấy cũ trước. Ông lấy một cái bao rác to, dồn tất cả cái gì bằng giấy vào đó. Ông không nhìn, không đọc như sáng nay nữa. Bụi ở đống giấy cũ bay ra, làm ông ho sặc sụa, ông bảo cháu vào trong nhà coi phim hoạt hình, để ông làm việc, cu Tâm chỉ đợi có thế, chạy ngay vào tự bật truyền hình, tìm đài của trẻ con.

Ông bắc cái thang nhỏ để lấy đống báo vàng ố trên cùng xuống, loay hoay thế nào, cái thang chưa để chắc chắn ông đã leo lên, ông ngã ngay xuống; may quá! ông ngã vào cái nóc xe, hơi đau một chút ở cạnh sườn, nhưng cũng làm ông hốt hoảng. “Chết không biết có gãy cái ba sườn nào không?” Ông bỏ bừa đấy chạy vào nhà, tìm lọ dầu. Chưa tìm ra lọ dầu thì nghe điện thoại reo, tiếng bà hỏi nhỏ nhẹ nhưng nghe như tiếng của kiểm soát viên phi trường Tân Sơn Nhất:

– Hai ông cháu hôm nay làm được mấy việc rồi?

Ông hơi ấp úng, vì có làm hai việc, nhưng không việc nào xong cả, bà chưa kịp nghe ông nói đã nhắc:

– Ông nhớ đặt hộ nồi cơm, một đốt tay nước thôi nhé. Cho tôi nói chuyện với cháu một chút.

Ông đưa điện thoại cho cháu, thằng bé nghe tiếng bà, vội tắt truyền hình kể công:

– Bà ơi, tối nay Tâm cho bà ngủ đi văng với ông.

Ông chẳng biết bà có hiểu nó nói hươu nói vượn gì không, nhưng chắc chắn là ông sẽ giấu nhẹm cái vụ ngã ở trong nhà xe.

Ông mặc hai bà cháu nói với nhau, đi đặt nồi cơm. Trước khi cho nước vào gạo, ông xòe bàn tay ra ngắm nghía mấy đốt ngón tay trỏ của mình. Quái lạ, nồi cơm thổi bao nhiêu lần rồi, lần nào cũng nhớ để đúng một đốt ngón tay trên mặt gạo, thế mà có hôm bà chê cơm như cháo đặc, có hôm chê khô như cơm nguội trong tủ lạnh mang ra.

Lại còn phải tắm cho thằng bé trước khi bố mẹ nó đón về nữa chứ!

Ông tự hỏi: Không biết mấy người bạn về hưu của mình có “khổ” như mình không nhỉ?

-Tác giả Trần Mộng Tú

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *