KHI INFLUENCER LÀ CYBERBULLY

Bước vào phòng khám, tôi thấy Jen nhìn chăm chú vào màn hình điện thoại, liên tục lướt lên lướt xuống, và dường như không biết tới sự hiện diện của tôi. Sau khi mẹ Jen nhẹ nhàng đi ra ngoài, tôi kéo ghế lại gần và hỏi Jen.
– Chào Jen, em khoẻ không?
– Khoẻ, Jen nói, mắt vẫn nhìn vào điện thoại.
– Chúng ta có thể nói chuyện chút chứ, mẹ em không có ở đây, nên em có thể chia sẻ với chị những gì đang khiến em lo lắng.
– OK
– Mẹ em nói là em dạo này có vẻ buồn và học sa sút. Em có muốn nói một chút cho chị nghe không?
– OK, nhưng mà chị không được nói cho mẹ em nghe. Mẹ em sẽ lấy phone của em.
– Uhm em. Em cứ nói.
– Em không thích đi học nữa. Thằng John bỏ hình nude của em lên insta của hắn. Giờ fan hắn ai cũng biết. Nhiều đứa vô chọc em, chửi em… Em muốn chết.
– Nói tới đây Jen nghẹn lại và mắt rưng rưng đỏ.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp các bạn trẻ như Jen. Và tôi tin rằng nếu không có gì thay đổi thì đây sẽ không phải là lần cuối cùng.

Theo thống kê (1) thì ngày nay hầu hết thanh thiếu niên đều dùng ít nhất là 1 trang mạng xã hội, và có tới 20-40% trẻ em và thanh thiếu niên tự nhận rằng mình đã từng bị bắt nạt qua mạng xã hội, theo cách này hay cách khác.

Bạo lực mạng xã hội, cyberbullying hoặc cybervictimization có hậu quả rất nghiêm trọng đến nạn nhân— dẫn đến bệnh lo âu, sợ hãi, thiếu tự tin, trầm cảm, và tự tử. Chưa kể đến là ảnh hưởng đến khả năng tập trung, học tập, và làm việc. Ngoài những việc làm hiển nhiên nghiêm trọng như tung ảnh nude trong trường hợp của Jen, bắt nạt qua mạng còn được thể hiện qua nhiều cách khác, mà có lẽ chúng ta không nghĩ đến.

1. Visual—dùng và phát tán hình ảnh hoặc video của người khác với mục đích gây tổn thương đến nạn nhân
2. Written-verbal— Dùng lời lẽ, comments hay tin nhắn, hoặc gọi điện thoại để công kích, uy hiếp, tổn thương người khác.
3. Online exclusion—loại người khác ra khỏi nhóm, cộng đồng
4. Impersonization—Mạo danh để chọc ghẹo hay khiến ai đó bị rắc rối. (1).

INFLUENCERS ĐÓNG VAI TRÒ GÌ TRONG THỰC TRẠNG NÀY?

Tình trạng lập phe đảng đấu đá nhau trong xã hội không phải là chuyện hiếm. Tuy vậy, khi mạng xã hội lên ngôi thì một hình thức công kích đấu đá nhau mới đã xuất hiện, và còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.

Điều đáng buồn là những công kích này lại được dương mào từ một số INFLUENCERS. Với lượng fan khủng, chỉ cần không thích ai, thì không thiếu cách để bài trừ. Nào là viết bài “tế sống,” comment đả kích, viết bài, làm video chỉ trích, bài trừ ra khỏi cộng đồng.

INFLUENCERS LÀ AI?

Khi có một tài khoản fanpage để chế độ public, một kênh youtube, hay bất cứ một tài khoản mạng xã hội nào đó để chuyển tải thông tin đến thế giới và khán giả, thì dù muốn dù không thì bạn đã trở thành một người INFLUENCER, dịch nôm na là người có TẦM ẢNH HƯỞNG.

Dù là một người theo dõi hay một trăm ngàn người theo dõi thì INFLUENCERS cũng đang tạo ra sự ảnh hưởng đến những người theo dõi. Khi số lượng theo dõi càng đông, lượng fan càng hùng hậu thì INFLUENCERS lại cần có trách nhiệm với những gì nói ra.

INFLUENCERS CÓ TRÁCH NHIỆM GÌ?
Có nhiều INFLUENCERS lý luận rằng bài viết hay video của mình là ý kiến suy nghĩ cá nhân và chẳng ảnh hưởng tới ai cả. Muốn nói gì thì nói, dùng từ ngữ thế nào thì dùng, và muốn “chửi” ai thì chửi.

Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, khi mà hầu hết mọi người từ trẻ em đến người già đều lên mạng xã hội, không Youtube thì Facebook, Insta, Tiktok, thì những gì bạn đăng công khai cho xã hội thấy đều không còn là của riêng nữa.

Mạng xã hội cũng là một xã hội thật. Chỉ vì không nhìn thấy khán giả hay tiếp xúc trực tiếp với người đối diện không có nghĩa là phía bên kia màn hình không phải là con người, không có cảm xúc.

Tuy INFLUENCERS không có trách nhiệm pháp lý về những gì khán giả cảm nhận và hành động sau khi tiếp nhận thông tin từ mình, nhưng INFLUENCERS cần có trách nhiệm với phát ngôn và chủ đích hành động của mình.

Đúng là nếu fans xem xong video và làm càn thì đó là sự lựa chọn của fans và bản thân fans phải tự chịu trách nhiệm về hành động đó, nhưng không có nghĩa là INFLUENCERS phủi tay trắng án nếu lời nói của mình mang tính kích động.

INFLUENCERS không thể rũ bỏ trách nhiệm bằng lập luận— đấy là tự do ngôn luận và quyền cá nhân của tôi. Tôi thích nói gì tôi nói. Thật ra quyền tự do ngôn luận ngay cả ở đất nước tự do như Mỹ thì cũng có giới hạn. Giới hạn đó dừng lại khi bạn dùng sự tự do của mình để tổn thương đến người khác—dù là tinh thần hay thể xác.

Có nhiều bạn INFLUENCERS tự hào và khoe mình là luôn sống thật, không khéo ăn nói và vì thế hay bị ghét. Nhưng dùng lập luận rằng sống thật, thẳng thắn, nói những mình suy nghĩ, không quan tâm người khác nghĩ gì về mình, KHÔNG CÓ NGHĨA là muốn nói gì thì nói, muốn “chửi” ai thì chửi, dùng từ ngữ tục tĩu, bóng gió đả kích, và thiếu văn hoá để nói về người khác. Những ai không cùng quan điểm và biện luận phản biện lại thì được gắn mác là haters, bài trừ ra khỏi cộng đồng.

Biện luận đổ lỗi rằng do người khác kích thích khiến các bạn nổi nóng và nói nặng lời không phải là lý do chính đáng. Có chăng đó là vì cái tôi quá lớn không chấp nhận được sự bất đồng quan điểm và đang biện hộ cho cách hành xử thiếu chín chắn và theo cảm tính của bản thân.

Dù hàng trăm nghìn fans đọc bài bạn viết, và hàng chục nghìn fans “like” hay thả tim, không có nghĩa là đó là việc làm đúng.

Đáng buồn hơn nữa là một số khác còn tự hào vì cách nói chuyện ngang tàng, gây sốc của mình, coi đó như là một điểm nhấn khiến bản thân nổi bật. Chỉ vì phong trào nghĩ gì nói nấy, phát ngôn bừa bãi đang tràn lan trên mạng xã hội không có nghĩa là đó là việc nên làm.

INFLUENCERS giỏi về những lĩnh vực khác nhau nhưng không vì thế mà lập luận rằng bản thân giỏi chuyên môn và dạy chuyên môn là được rồi, còn chẳng cần phải sống gương mẫu. Có phải chăng các bạn đã quên câu “Tiên học lễ, hậu học văn” ?

THÔNG ĐIỆP GỞI ĐẾN INFLUENCERS
Mạng xã hội là con dao lưỡi. Nó có thể mang lại nhiều thông tin bổ ích, thú vị, giáo dục giúp chúng ta tự học, nâng cao kỹ năng, cũng như kết nối với nhau. Nhưng nó cũng có thể giết chết con người ta, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Với quan điểm của một người mẹ có con nhỏ và một người bác sĩ, hằng ngày tiếp xúc và khám bệnh cho rất nhiều bạn thanh thiếu niên trẻ với vấn đề trầm cảm cũng như rối loạn cảm xúc, mình muốn gởi đến INFLUENCERS lời thỉnh cầu—các bạn trẻ tin nghe theo bạn hơn ai hết (kể cả cha mẹ, thầy cô, hay bác sĩ), vậy xin bạn làm ơn hãy sống có trách nhiệm trong từng lời nói và hành động của mình.

Các bạn nhận được lợi ích, lợi nhuận từ mạng xã , từ chính sự ủng hộ của fans của mình, thì làm ơn hãy cư xử có trách nhiệm và nghĩ cho fans khi làm bất cứ điều gì.

Khi làm người của công chúng, dù muốn dù không bạn đã trở thành một chiếc gương. Hãy chọn làm cái gương sáng!

#influencers #stopcyberbullying #songcotrachnhiem

(1) https://www.sciencedirect.com/…/artic…/pii/S0747563217300079



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *