Thứ bảy, ngày 21/06/2025 15:30 GMT+7
Khám phá quán cơm nhà giữa khu tập thể cũ ở Hà Nội, 3 năm liền được Michelin vinh danh
Hương Giang Thứ bảy, ngày 21/06/2025 15:30 GMT+7
Giữa khu tập thể cũ ở Hà Nội, một quán cơm nhà đã 3 năm liên tiếp được Michelin gọi tên. Điều thú vị là thay vì biến tấu thực đơn hay “nâng cấp” không gian, quán chọn cách… giảm độ mặn đi 20%.
Hà Nội có quán cơm nhà ở giữa khu tập thể cũ: Khách kéo đến nườm nượp vì điều không ngờ này
11 giờ 30 phút trưa, lối vào khu tập thể cũ trên phố Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) đã bắt đầu nhộn nhịp. Trong khu vực sân chung, người xếp xe máy, người đứng đợi vì chưa kịp dọn bàn. Chỉ vài phút sau, mọi chỗ ngồi trong không gian tầng một, nơi đặt quán “Xới Cơm” đã kín khách.

Tại một bàn ăn gần cửa sổ, chị Tống Khánh Linh (25 tuổi, Thanh Xuân) dùng đũa cả xới cơm từ niêu đất sẫm màu đặt giữa bàn. Động tác của chị gọn ghẽ, dứt khoát. Cơm trắng bốc hơi nghi ngút, từng hạt tơi đều. Sau khi chia cơm ra bát cho người đi cùng, chị nhẹ nhàng đặt lại đũa vào sát mép niêu.

“Hình ảnh chiếc đũa cả và niêu đất mang lại cảm giác rất “cơm nhà”, điều này làm tôi ấn tượng và muốn quay trở lại. Cơm đựng trong niêu nên giữ nhiệt lâu, ăn kèm với cà muối, dưa muối và mắm tôm thôi cũng đã rất ngon rồi. Tôi đến quán khá thường xuyên, mỗi tháng ít nhất 3 lần, có khi còn hơn nếu có dịp tiếp bạn bè từ xa”, chị Linh cho biết.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, chị Linh cho biết, lý do mà chị biết đến quán là từ một người bạn làm trong chuỗi cung ứng thực phẩm. “Bạn mình là người nhập nguyên liệu cho quán, có lần kể rằng một số món ở đây dùng nguyên liệu từ Mù Cang Chải, do chính bà con người Mông trồng và chuyển xuống. Vì từng có thời gian làm việc với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng cao nên tôi tò mò đến thử”, chị kể.
Từng là khách đến vì tò mò, nhưng sau vài lần ghé quán, chị Linh khẳng định điều khiến chị gắn bó chính là hương vị món ăn. Chị Linh chia sẻ: “Thực đơn thay đổi theo ngày, nhưng có những món mà lần nào đến tôi cũng đặt trước, ví dụ như tôm sốt quất. Món này vị lạ, hơi chua nhẹ của vỏ quất, không bị ngấy. Còn thịt ba chỉ rang cháy cạnh, chân giò chấm mắm tôm chua Huế, canh cua đồng… là những món đậm chất cơm nhà và rất hợp khẩu vị của tôi. Mỗi lần đến ăn là tôi đều nhớ về mâm cơm gia đình, cảm giác đang ăn trong căn bếp quen thuộc ngày bé, chứ không phải đi ăn nhà hàng nữa”.

Ngay sát bàn chị Linh, chị Lê Thị Trang (25 tuổi, Ba Đình) đang tranh thủ chụp vài bức ảnh kỷ niệm bên chiếc bàn gỗ mộc trong khi chờ thức ăn tới. Chị Trang tâm sự, không gian của quán khiến chị cảm thấy rất hoài niệm, từ bức tường quét vôi đã ngả màu, bên trên là dây treo ảnh món ăn như thực đơn, tới bình hoa hồng đỏ tươi đặt giữa bàn, hay chiếc lọ men xanh gợn sóng gợi lại ký ức về những căn bếp cũ của miền Bắc thập niên 80.

“Tôi không phải kiểu người đi đâu cũng check-in, nhưng mỗi lần tới đây lại muốn chụp một tấm”, chị Trang chia sẻ. Theo chị, quán không bài trí cầu kỳ, nhưng những chi tiết nhỏ như bình hoa đặt giữa bàn, lọ men xanh, tường vôi đã ngả màu… lại gợi cảm giác như đang dùng bữa trong căn bếp cũ của gia đình ngày xưa.
“Đặc biệt là nền gạch bông cổ ở đây giống hệt sàn nhà của tôi hồi tôi còn nhỏ. Tôi tìm hiểu thì thấy loại gạch ấy giờ gần như đã “tuyệt chủng”. Gạch bông làm mới bây giờ thường không có độ màu sâu và đẹp như gạch xưa. Cũng chính bởi cảm giác thân quen ấy mà tôi thường tới quán để dùng bữa mỗi khi có dịp”, chị nói.
Quán cơm nhà giữa khu tập thể cũ: 5 năm mở quán, 3 lần được Michelin gọi tên
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Đinh Thị Phương Thảo – quản lý quán “Xới Cơm” cho biết, quán đã đi vào hoạt động từ 5 năm trước. Tên gọi của quán không phải sự lựa chọn ngẫu nhiên. Với chị Thảo, xới cơm là hình ảnh gần gũi, quen thuộc trong những bữa cơm truyền thống của các gia đình Việt Nam.
“Ngày bé, mẹ tôi thường lặng lẽ xới cơm vào bát cho từng người trong nhà. Có lúc tôi còn chưa kịp lên tiếng, mẹ đã đặt bát cơm trước mặt. Khi đó thấy bình thường, nhưng lớn lên rồi mới hiểu, hành động đó chất chứa sự quan tâm rất sâu sắc”, chị Thảo kể. Từ ký ức ấy, quán được đặt tên “Xới Cơm” như một cách nhắc nhớ, không chỉ về món ăn, mà còn là tình cảm và không khí sum vầy quanh mâm cơm.

Theo chị Thảo, nguồn nguyên liệu đầu vào tại quán được lựa chọn theo nguyên tắc “mùa nào thức nấy”. Một phần rau xanh được cung ứng từ khu vườn nhỏ ở Thanh Trì, do quán hợp tác với kỹ sư nông nghiệp chăm sóc. Phần còn lại đến từ vùng cao như Mù Cang Chải, nơi đất đai và khí hậu mát mẻ cho ra đời những luống rau dày lá, vị đậm tự nhiên.

“Dù không đáp ứng được số lượng lớn, các loại rau củ từ đây vẫn luôn được ưu tiên vì chất lượng và tính an toàn, đúng với tinh thần nấu cơm như nấu cho gia đình ăn”, chị Thảo cho hay.
Quản lý quán cho biết thêm, một trong những thay đổi rõ rệt trong cách chế biến ở “Xới Cơm” là điều chỉnh vị mặn theo từng năm. “Riêng năm nay, độ mặn trung bình của các món đã được giảm khoảng 20%. Ban đầu, không ít khách bảo chưa quen miệng. Nhưng chỉ sau vài lần, nhiều người quay lại nói rằng họ cảm nhận được vị ngọt tự nhiên trong rau củ, trong thịt và thấy yên tâm vì món ăn không bị lấn át vị tự nhiên bởi quá nhiều gia vị. Mình nấu nhạt, tức là mình tự tin về độ tươi của nguyên liệu”, chị nói.

Sau 5 năm hoạt động, quán cơm này đã 3 lần liên tiếp lọt vào danh sách Bib Gourmand của Michelin, hạng mục dành cho các quán ăn chất lượng cao với mức giá hợp lý. Hiện tại, một mâm cơm cho nhóm 3 – 4 người có giá từ 500.000 đến 600.000 đồng, gồm niêu cơm trắng ăn kèm dưa, cà muối trộn, 1 – 2 món mặn, canh theo mùa, rau xào, món trứng và tráng miệng. Đối tượng khách của quán chủ yếu là nhân viên văn phòng, một số gia đình và cả du khách nước ngoài.