Nếu ai đã đọc “Người đua diều” – tác phẩm đầu tay của Hosseini, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng: có quá nhiều nỗi đau. Và trong hai tác phẩm “Ngàn mặt trời rực rỡ” hay “Và rồi núi vọng” cũng vậy, nỗi đau cứ đeo bám dai dẳng những nhân vật mà ông tạo ra.
Vẫn là Afghanistan, nhưng trong mỗi cuốn sách, nó lại là những câu chuyện khác nhau. Nếu trong “Người đua diều”, đó là lời tự thuật của nhà văn Mỹ người Afghanistan – Amir và người bạn Hassan của mình trải qua những năm tháng tuổi thơ. Và biến cố xảy ra, suốt phần đời còn lại của mình, Amir sống trong nỗi dằn vặt, day dứt, tìm mọi cách để lương tâm mình được thanh thản.
Và trong “Ngàn mặt trời rực rỡ”, số phận của hai người phụ nữ với tuổi thơ trái ngược nhau, nhưng số phận đã trói buộc họ với nhau và hòa quyện vào nhau trong thân phận đau thương. Khaled Hosseini đã dẫn người đọc đi qua quãng đường dài của đau khổ và mất mát của hai nhân vật Mariam và Laila, hay nói rộng ra là số phận của rất nhiều phụ nữ ở Afghanistan.
“Và rồi núi vọng” mở ra với câu chuyện ngụ ngôn người cha kể cho Abdullah và Pari trong đêm trên sa mạc hoang vắng. Cuộc đời cứ thế trôi qua. Thời gian không đợi chờ một ai. Các thế hệ lần lượt được sinh ra và lớn lên. Mỗi người có một cuộc đời riêng, một số phận riêng, một câu chuyện riêng. Biến cố xảy ra khi Pari còn quá nhỏ để giữ được nhiều kí ức về tuổi thơ bên người anh trai tận tụy. Còn với Abdullah, anh đã lựa chọn ra đi, rời quê hương, rời xa những khổ đau, nghèo khó, vượt qua những trại tị nạn ở Pakistan, tới một vùng đất mới.
Nỗi bất hạnh của những nhân vật sẽ khiến người đọc vừa đọc vừa cầu nguyện, cầu nguyện rằng số phận đừng tàn nhẫn như vậy.
Lồng trong bối cảnh lịch sử chân thật của Afghanistan, những biến động xảy ra mang đến đầy những đau thương, đổ máu, cuộc đời của các nhân vật trong truyện của Hosseini trở nên chân thực hơn bao giờ hết. Những nỗi đau của họ, nỗi bất hạnh khôn cùng và sự bền bỉ của họ đã chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn người đọc.
Với giọng văn miêu tả đầy chất thơ, nhẹ nhàng, sâu lắng, không phức tạp, không ẩn dụ khó hiểu, Khaled Hosseini đã phơi bày những góc sáng tối trong tâm hồn con người Afghanistan. Và hơn hết, ông khiến người đọc bày tỏ sự tiếc nuối khi một nền văn hóa đầy kiêu hãnh, độc nhất vô nhị đang lụi tàn.
Trường ca của nỗi đau, nhưng cũng là trường ca về hi vọng
Nếu bạn đã đọc hết ba cuốn sách trên của Hosseini, thì có lẽ bạn cũng dễ dàng cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc mãnh liệt của một con người sống xa quê hương dành cho đất mẹ Afghanistan. Afghanistan vẫn đang phải gồng mình chống chọi với đói nghèo, bệnh tật và những cuộc xung đột thường xuyên xảy ra, cướp đi cuộc sống yên bình của hàng triệu người dân vô tội, đặc biệt là trẻ em.
Khaled Hosseini hiểu được điều đó và truyền tải tất cả tình yêu của mình vào những tác phẩm viết về quê hương, về con người Afghanistan mạnh mẽ, kiên cường, bao dung, nhẫn nhục và nặng nghĩa tình.
Ông đã tinh tế gửi gắm tất cả tình yêu và hi vọng của mình vào các nhân vật. “Người đua diều” – Amir và Hassan – chạy đua với thời gian, với chiến tranh, với những khát khao, những hi vọng, họ mong muốn tận hưởng chiến thắng dù cho đôi tay bị dây diều cước đến bật máu. Sống trong sự nghèo khổ, đau thương, bị ruồng bỏ, hắt hủi nhưng chưa khi nào niềm tin vào thần thánh, tín ngưỡng, vào tương lai, vào cuộc sống của họ bị vùi dập. Trái lại, nó luôn cháy âm ỉ, tiếp cho họ sức mạnh để sửa sai, để thôi dằn vặt chính mình và đem lại cho người khác cuộc đời hứa hẹn hơn.
“Ngàn mặt trời rực rỡ” – “Phải, đừng bi lụy. Bởi vì sau bão giông là ngàn mặt trời rực rỡ”. Cuối cùng thì mặt trời vẫn sẽ lên vào ngày mới. Sau những cơn ác mộng là là sự thức tỉnh. Sau màn đêm tối tăm vẫn luôn là ánh sáng của hi vọng.
“Và rồi núi vọng” – Những kí ức tươi đẹp ngày thơ bé, những tháng ngày ngập tràn tiếng cười lảnh lót của người em gái thân thường, và cả những kỉ vật, với Abdullah, chúng là những báu vật vô giá. Sự chia ly không báo trước đã quyết định số phận không chỉ một mà nhiều thế hệ. Nhưng cuối cùng, những kí ức sâu thẳm trong tâm hồn mỗi con người đều giữ gìn thứ tình thương thiêng liêng nhất: tình thân.
Tác phẩm được mong đợi tiếp theo của Khaled Hosseini
“Sea Prayer”, một cuốn sách minh họa ngắn, chỉ vỏn vẹn 48 trang, được Khaled Hosseini sáng tác dưới dạng một bức thư từ người cha gửi cho con trai mình vào đêm trước khi hành trình tị nạn của họ bắt đầu.
Trong lúc trông nom cho người con trai say giấc, người cha nghĩ về chuyến vượt biển đầy nguy hiểm sắp tới. Bức thư cũng là bức chân dung sống động về cuộc sống của hai cha con ở Homs, Syria trước chiến tranh, và sự biến đổi nhanh chóng của thành phố này, từ một nơi êm đềm bỗng biến thành vùng chiến sự tang thương.
Khaled Hosseini viết câu chuyện này bởi ông bị ám ảnh bởi sự kiện thi thể cậu bé 3 tuổi người Syria – Alan Kurdi – đã dạt vào bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9/2015. Với cuốn sách này, Hosseini hi vọng có thể san sẻ nỗi đau với hàng triệu gia đình bị chia cắt, giống như gia đình của Kurdi, và buộc phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh.
Số tiền thu được từ cuốn sách sẽ được Hosseini quyên góp cho UNHCR (Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn) và Quỹ Khaled Hosseini để tài trợ các nỗ lực cứu trợ, cứu sinh nhằm giúp những người tị nạn trên toàn cầu.
Hosseini cũng là Đặc phái viên thiện chí của UNHCR và là người sáng lập Quỹ Khaled Hosseini, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan.
“Sea Prayer” lần đầu tiên được sản xuất để phát hành công khai dưới dạng trải nghiệm thực tế ảo với sự cộng tác của UNHCR, Guardian và Google. Nó được phát hành vào ngày 1 tháng 9 năm 2017 để tưởng nhớ 2 năm ngày mất của Alan Kurdi. Năm 2018, “Sea Prayer” được xuất bản dưới dạng sách in và sách điện tử với hình minh họa của Dan Williams, đánh dấu 3 năm ngày mất của cậu bé Alan Kurdi
Hiện “Sea Prayer” chưa được xuất bản tại Việt Nam. Bạn đọc quan tâm có thể đặt mua bản tiếng Anh của cuốn sách này tại: dathang.zanzara.vn/
#DD
Trạm Đọc tổng hợp